Đi làm ở Mỹ không dễ (Phần 1)- CPT và OPT

Là sinh viên, đích đến của mọi người thường ngắn hạn (short-term goals). Chỉ mong thi đậu, lên lớp, ra trường là đủ. Đến năm cuối đại học hầu như ai cũng tự hỏi Tốt nghiệp rồi làm gì? Nhiều sinh viên bản xứ cũng không định hướng được cho bản thân. Sinh viên nước ngoài như mình thì phải suy nghĩ cả về ngành nghề lẫn làm thế nào để theo đuổi được ước mơ với vô vàn rào cản về giấy tờ visa. Khi còn đi học, ước muốn của mình là có những người đi trước truyền đạt kinh nghiệm để thấy con đường phía sau cổng trường đại học ra sao. Mọi thông tin về visa, điều kiện đi làm, tìm việc mình đều phải tự tìm hiểu, nên mình hi vọng kinh nghiệm của bản thân sẽ giúp các bạn sinh viên có khái niệm rõ ràng hơn về con đường du học và đi làm ở Mỹ.

Disclaimer: Những gì mình biết là kinh nghiệm và ý kiến riêng của bản thân, không phải lời khuyên chuyên môn của luật sư hay người chuyên làm giấy tờ về những vấn đề này nhé.

Quá trình học & làm việc của mình ở Mỹ

Làm Internship dạng gì? Curricular Practical Training (CPT)

Trong 6 năm học ở Northeastern University, mình đi làm 3 co-op (giống như internship) và được trả lương như sinh viên Mỹ. Đây là vì trường mình có tiêu chí experiential education, yêu cầu sinh viên phải đi làm để có kinh nghiệm thực tế để đến khi tốt nghiệp thì mình đã có 1 năm kinh nghiệm đi làm. Hơn nữa trong chương trình học dược có bắt buộc sinh viên đi thực tập IPPE (Introductory Pharmacy Practice Experience) nên một công đôi việc. Mình sẽ bàn về IPPE trong một blog khác.

Curricular Practical Training (CPT) là chương trình giúp sinh viên có thể đi làm hợp pháp như vầy. Trước khi muốn đi làm dưới hình thức CPT, mọi người phải đi xin phép văn phòng sinh viên quốc tế để họ có thể kí giấy tờ cần thiết cho bạn. Chương trình CPT có những quy định riêng về thời gian bạn có thể đi làm bao lâu và bao nhiêu tiếng trong tuần. CPT là cần thiết nếu bạn muốn đi làm off-campus, và phải liên quan đến ngành học, được trường công nhận và cho phép.

Còn làm việc on-campus trong trường như ở thư viện, gym, computer lab v.v để phục vụ sinh viên (provide direct student services) thì không cần CPT. Phục vụ sinh viên nhé, không phải là làm cho các công ty khác có trụ sở trong trường. Khi trường vẫn còn trong semester thì không được đi làm quá 20 tiếng một tuần. Để biết thêm thông tin mọi người có thể vào website của USCIS (United States Citizenship and Immigration Services) tại đây.

Gần đây, mình cũng thấy một số trường hạn chế việc sinh viên quốc tế đi làm bằng CPT. Không biết là do trường không có thời gian giúp làm giấy tờ, hay muốn tránh rắc rối vì có trường hợp sinh viên không hiểu biết đi làm không xin phép và dẫn đến phạm luật gây nhiều vấn đề cho bản thân và cả trường. Xu hướng hạn chế OPT là điều phụ huynh và học sinh cần cân nhắc vì nó ảnh hưởng đến tiếp thu kinh nghiệm và cả thu nhập thêm để trang trải tài chính.

Tốt nghiệp đi làm- Optional Practical Training là gì?

Đa số sinh viên nước ngoài khi ra trường có thể đi làm dưới hình thức Optional Practical Training (OPT). OPT cho hầu hết các ngành là 12 tháng, ngoại trừ những ngành được liệt vào STEM majors thì được gia hạn thêm 17 tháng nữa (STEM extension). Tổng cộng là 12+17= 29 tháng, tức là hơn 2 năm rưỡi. STEM viết tắt cho Science, Technology, Engineering, and Maths (Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, và Toán học). Mọi người có thể tham khảo danh sách các ngành được liệt vào STEM tại đây.

Sau khi OPT hết hạn, nếu không được công ty tài trợ (sponsor) visa H1B, thì đa số phải quay về nước. Vì vậy nên khi nộp đơn xin việc làm, mục đích là tìm được công ty chịu sponsor mình sau khi OPT hết hạn. Còn nếu có STEM extension thì có thể đi làm lâu hơn, có thời gian tìm công ty chịu sponsor, và có thời gian làm giấy tờ visa. Lí do mình để cập đến việc có thời gian làm giấy tờ là vì không phải ai được sponsor visa cũng chắc chắn được chấp thuận. Với mỗi cấp bằng (educational level)- cấp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ- thì bạn có quyền được đi làm OPT 12 tháng. Mình nói cụ thể mỗi cấp bằng vì nếu bạn có 2 bằng cử nhân hay 2 bằng thạc sĩ, thì nhiều phần không được OPT lần thứ hai.

OPT phải liên quan đến ngành học của mình và hoàn thành trong vòng 14 tháng 

Khi đang trong thời gian OPT, công việc của mình phải liên quan trực tiếp đến ngành học (major area of study). Nếu mình gầy dựng một doanh nghiệp (như startup/entrepreneur), đa số các hoạt động/trách nhiệm của mình phải liên quan trực tiếp đến major. Như đã nói trên, OPT được đi làm nhiều nhất là 12 tháng và phải hoàn thành trong vòng 14 tháng. Nghĩa là bạn có thể đi làm 12 tháng ngay sau khi tốt nghiệp và xong sớm. Nếu bạn không tìm được việc làm ngay mà vài tháng sau mới có việc, thì bạn đã lỡ mất thời gian còn lại để đi làm (trừ khi có STEM extension), và phải rời nước Mỹ khi 14 tháng kết thúc.

Pre-completion và Post-completion OPT 

Pre-completion OPT có thể được dùng trong lúc còn đi học trước khi tốt nghiệp. Nếu vẫn còn trong học kì, sinh viên không được đi làm part-time quá 20 tiếng một tuần. Nhưng nếu trong kì nghỉ theo lịch của trường, sinh viên có thể đi làm full-time. Nếu bạn chọn Pre-completion OPT, thời gian Post-completion OPT sẽ bị trừ đi 1 tháng với mỗi 2 tháng bạn làm part-time Pre-completion OPT tính đến thời điểm tốt nghiệp. Vì vậy nếu bạn có ý định dùng Post-completion OPT để ở ại Mỹ và đi làm một thời gian sau khi tốt nghiệp thì nên suy nghĩ kĩ xem nên dùng bao nhiêu thời gian cho Pre-completion OPT.

Làm thế nào để apply cho OPT?

Mỗi trường đại học đều có văn phòng chịu trách nhiệm về tư vấn và làm giấy tờ cho sinh viên. Ngay khi đặt chân đến trường, điều cần nhất là đến gặp các counselors ở đây để làm quen, dự orientation, và trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết trước khi học kì đầu tiên bắt đầu. Bạn sẽ không phải hối tiếc về điều này. Đã có không thiếu trường hợp sinh viên không nắm rõ luật lệ và đi làm không xin phép hay trái phép và bị buộc phải về nước. Bạn có thể tìm hiểu thêm về OPT trên website của USCIS tại đây.

Như đã nói trên, vì chương trình học đòi hỏi sinh viên dược phải có thời gian thực tập nhất định nên mình dùng CPT. Sau khi tốt nghiệp, mình dùng Post-completion OPT để đi làm trong chương trình tu nghiệp (PharmD Post-Doctoral Fellowship) với công ty dược Bristol-Myers Squibb. Sau đó mình phỏng vấn và được nhận vào làm nhân viên chính thức dưới dạng visa H1B. Mình sẽ bàn thêm về loại visa này ở blog sau.


Nếu có câu hỏi gì, mọi người cứ comment phía dưới hoặc Like và post trên Facebook Page của trang để mình trả lời hoặc sẽ viết một blog khác đầy đủ hơn nếu vấn đề được nhiều người quan tâm.

-Ngọc Bích, PharmD, RPh

Source: Feature Image, USCIS website

Bài liên quan:

3 thoughts on “Đi làm ở Mỹ không dễ (Phần 1)- CPT và OPT

  1. Xin cảm ơn rất nhiều vì những thông tin bổ ích mà bạn đã chia sẻ.
    Cho mình hỏi thêm là nếu bạn thực tập dưới dạng CPT rồi và chuyển qua OPT thì thời gian của OPT được tính từ khi mình bắt đầu thực tập (CPT) luôn hay bắt đầu từ khi mình kết thúc CPT và chuyển qua OPT vậy?

    Like

    1. Chào bạn. Bạn có thể check website của USCIS để hiểu rõ thêm về CPT và OPT, vì có 2 dạng OPT khác nhau là pre và post-completion. Theo mình nhớ thì CPT và OPT được tính riêng khác nhau, nhưng nếu full time CPT mà quá một năm thì sẽ mất quyền lợi được dùng OPT.

      Like

  2. chào bạn, hiện tại mình muốn apply CPT, có nghĩa là mình phải làm giấy tờ trước hay là phải có công ty mướn mình rồi mới làm giấy tờ trước vậy bạn,
    Ý mình là mình sẽ làm giấy tờ trước hay xin việc làm trước ???

    Like

Leave a comment