Dược sinh thực tập (Phần 3)- Đừng ngồi chờ sung rụng & Bệnh nhân là thượng đế

Dược sinh thực tập (Phần 1), mình đã giới thiệu về cơ cấu chương trình IPPE như thế nào và trong Phần 2 về lần đầu tiên đi làm mình xoay sở ra sao. Phần này mình xin kể về lần thực tập thứ 2 ở cùng một bệnh viện nhưng trong một bộ phận khác.

Vì cùng trong một bệnh viện, nên thay vì chờ đến hạn được nộp đơn và phỏng vấn từ bên ngoài vào, mình mạnh dạn xin phép được xem xét để chuyển lên nhà thuốc ngoại trú (Outpatient Pharmacy) và phỏng vấn từ bên trong. Ở môi trường làm việc nào cũng vậy, nhưng đặc biệt ở Mỹ, nếu mình không tự thân vận động lăn xả vào tìm cơ hội cho bản thân thì không ai sắp xếp sẵn cho cả. Tiêu chí mọi người ở đây là cứ hỏi, nếu không được thì người ta sẽ từ chối, chứ không có gì ghê gớm. Còn nếu không mạnh dạn hỏi thì dù mình có làm tốt đến mấy cũng ít người nhận ra và đề cử cho mình những cơ hội mới. Nếu lúc đó mình ngồi chờ vào học vài tháng mới đến khi được đăng kí nộp đơn, đợi thầy gửi đơn đến bệnh viện rồi chờ người ta chọn mình thì mấy đời mới xong..

Điều này thời gian đầu gây khó khăn cho mình, vì phong cách làm việc của mình hoặc là vì của người châu Á nói chung là phải làm việc tốt thì sẽ được công nhận chứ không tự quảng cáo cho bản thân vì mọi người sẽ nghĩ là khoe khoang, hoặc có người tự nghĩ nếu mình giỏi thì người khác tự tìm đến. Nhưng mình nhận ra làm tốt chỉ được hơn một nửa. Còn lại là phải biết khéo léo làm quen với nhiều người và lựa chọn thời gian thích hợp để quảng cáo bản thân (ở đây gọi là advocate for yourself). Và không có cái gì đưa sẵn tận tay cho chúng ta cả. Tuy có khó khăn ban đầu, nhất là phụ nữ thường hay e ngại hơn đàn ông, nhưng cái gì cũng phải luyện tập mới hoàn hảo. Điều quan trọng là phải biết bắt đầu.

Co-op 2: Outpatient pharmacy- Bệnh nhân là thượng đế

Như mình đã nêu ở một bài khác, các bạn đã có khái niệm retail pharmacy làm những gì. Luật ở tiểu bang Massachusetts cho phép pharmacy intern được làm những gì dược sĩ làm, nếu được sự hướng dẫn và đồng ý của dược sĩ như là nhận đơn thuốc, lấy thuốc, giao thuốc cho bệnh nhân, và counsel bệnh nhân dùng thuốc cho đúng. Khác với dược tá (pharmacy technician), họ chỉ được làm một số việc nhất định mà luật cho phép. Điều khó khăn nhất với mình khi đi làm ở bộ phận này là làm việc trực tiếp với bệnh nhân trong môi trường retail.

Không hiểu sao bệnh nhân ngoại trú đến nhà thuốc, một số người vô cùng khó chịu, thiếu kiên nhẫn, và bất lịch sự với nhân viên nhà thuốc. Dược sĩ và nhân viên đều cố gắng phục vụ họ, nhưng vấn đề là bệnh nhân không hiểu bảo hiểm hoạt động như thế nào. Mặc dù bác sĩ cho toa, nhà thuốc có thuốc, nhưng nếu bảo hiểm không chịu trả cho thuốc đó thì bệnh nhân không thể nhận thuốc nếu không trả tiền toàn bộ (full price). Và toàn bộ ở Mỹ có nghĩa là $200-$300 USD cho đến trên $1,000 USD, vì thuốc ở Mỹ cực kì đắt. Mỗi lần bệnh nhân bực mình vì đợi lâu chờ bảo hiểm duyệt, mình cho họ sự lựa chọn là có thể trả full-price, đa số đều lên giọng “Ok, bao nhiêu tiền nói cho tui biết”. Đến lúc nghe “Chai thuốc nhỏ mắt 5ml đó giá $250 đô” thì bệnh nhân trợn tròng muốn lòi con mắt ra ngoài, rồi không dám to tiếng nữa.

Vì bệnh nhân không biết bảo hiểm hoạt động như thế, họ đổ lỗi cho nhân viên nhà thuốc và bắt đầu hoạch họe. Mình thì phải cố gắng giải thích, chạy lòng vòng gọi điện cho bảo hiểm xin phép, hoặc gọi cho bác sĩ xin đổi thuốc. Mà bác sĩ thì lúc nào cũng bận, gọi hoài gọi mãi, đến khi cho thuốc khác thì đôi khi lại sai liều, v.v. Chỉ trong 1 tháng đầu đi làm mình muốn rụng tóc hỏi cả đầu. Điều ngạc nhiên nhất là tính khí của mình trở nên cáu bẳn, về nhà hay nổi nóng với bạn bè, và cả khi gia đình gọi qua thì mình cũng hay muốn cúp máy. Cho đến khi mẹ hỏi dạo này con có sao không, thì mình mới nhận ra là công việc đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà không biết. Từ đó, mình phải rõ ràng công việc là công việc, cuộc sống là cuộc sống. Không thể mang việc trong đầu về nhà và cũng không thể đế nó làm ảnh hưởng đến bản thân. Người ta thì la lối như thế, nhưng tình huống xấu nhất thì người ta chỉ mất công chứ không nguy hiểm đến tính mạng hay gì cả. Người ta mắng mình rồi quên, vậy tại sao mình phải nhớ?

Kinh nghiệm quý báu và khả năng cạnh tranh 

Công việc stressful như vậy, nhưng mình đã học được nhiều kinh nghiệm vô cùng quý báu về phục vụ khách hàng (customer service)- tính kiên nhẫn, khả năng xoa dịu tình hình khi người khác mất bình tĩnh, khả năng giải quyết vấn để cực nhanh trong thời gian cực ngắn, và phân chia công việc và cuộc sống vào 2 ngăn khác nhau trong đầu.

Bây giờ nhìn lại, mình thực sự trân trọng cơ hội đi thực tập như thế này. Những kinh nghiệm thực tiễn này nếu mình không trực tiếp trải qua thì có ngồi trong lớp tưởng tượng cách mấy cũng không hình dung được– như là có 15 phút để giải quyết vấn đề trước khi bệnh nhân phải về tiểu bang khác sau khi xuất viện, hay thuốc được kê bảo hiểm không duyệt và mình phải giải thích trên điện thoại nửa tiếng đồng hồ. Chính những năm tháng va chạm trong suốt thời gian học đã rèn luyện yếu tố khác biệt nổi bật giữa sinh viên tốt nghiệp ở Mỹ hay Tây Âu so với các nước khác, và cũng giúp mình cạnh tranh khốc liệt với sinh viên từ các trường dược khác ở Mỹ.

Nếu có câu hỏi gì, mọi người cứ comment phía dưới hoặc Like và post trên Facebook Page của trang để mình trả lời hoặc sẽ viết một blog khác đầy đủ hơn nếu vấn đề được nhiều người quan tâm.

-Ngọc Bích, PharmD, RPh 

Source: Feature Image


8 thoughts on “Dược sinh thực tập (Phần 3)- Đừng ngồi chờ sung rụng & Bệnh nhân là thượng đế

  1. I think one of the most stressful activities for me during my IPPE hours is transferring prescriptions on the phone. Sometimes I have trouble spelling patients’ names and some of the drugs that I have not studied in school. But in general, I really appreciate the opportunity to learn about how deal with the real world pharmacy tasks 🙂

    Liked by 1 person

    1. Gosh I do NOT like transferring. They make you wait forever to get a hold of someone. Especially a headache when transferring from a non-chain pharmacy because of patient history and insurance info (T_T)

      Liked by 1 person

  2. rất cảm ơn bạn vì những chia sẻ của bạn thực sự rất hữu ích với mình.
    Mình băn khoăn một chút về việc bạn nói có sự khác biệt rõ ràng giữa dược sĩ đại học và dược sĩ trung cấp khi làm ở nhà thuốc. Bạn có thể giải thích rõ hơn được không?
    Mong nhận được hồi âm của bạn.
    Cảm ơn bạn rất nhiều!

    Like

    1. Chào bạn. Ở Mỹ dược sĩ chỉ có một cấp là Doctor of Pharmacy (PharmD), không có DS đại học, cao học, trung cấp gì hết. Còn những người đang đi học trường dược khi thực tập sẽ được gọi là pharmacy intern hay pharmacist in training. Vì intern đang được đào tạo làm dược sĩ tương lai nên sẽ được dược sĩ cho phép làm nhiều công việc.
      Trong nhà thuốc còn có pharmacy technician, là những người trợ giúp DS với những việc như nhận đơn thuốc, lấy thuốc bỏ vào lọ, nghe điện thoại, và khi bệnh nhân đến nhận thuốc thì giao và thu tiền. Chỉ cần tốt nghiệp cấp 3 là có thể vào nhà thuốc làm pharmacy technician, được đào tạo lên một tí nhưng chỉ dừng lại ở pharmacy technician thôi. DS có thể làm tất cả những gì pharmacy technician làm, nhưng không phải ngược lại. Pharmacy technician không được kiểm thuốc, check tương tác thuốc, hay counsel bệnh nhân.
      Luật ở Mỹ bắt buộc mỗi nhà thuốc, mỗi ca phải có dược sĩ đứng kiểm từng toa thuốc và counsel bệnh nhận, và 1 DS có thể quản lý 3-4 technician chứ không nhiều hơn. Khi DS đi ăn trưa hay không có trong nhà thuốc thì có luật bắt nhà thuốc phải đóng cửa, hoặc không được nhận toa mới dù là technician vẫn làm trong đó. Pharmacy intern thì khi nào tốt nghiệp sẽ chuyển sang status làm pharmacist, còn nhiều người làm pharmacy technician dài lâu hoặc cả đời.
      Cảm ơn bạn đã quan tâm và theo dõi blog.

      Like

  3. Mình không phải là dược sĩ mà chỉ đang đi làm việc ở nước ngoài. Những bài viết của bạn rất chân thực và quá tuyệt bạn ạ. Cảm ơn bạn nhiều.

    Like

    1. Cảm ơn bạn đã theo dõi và cho mình feedback. Trong tương lai mình còn nhiều chủ đề ngoài ngành dược hơn, hi vọng bạn sẽ thấy thú vị 🙂

      Like

  4. Chào anh (chị) em là sinh viên năm cuối nghành dược, sắp tới em chuẩn bị đi thực tập , nhưng không biết nên chọn nhà thuốc hay bệnh viện để học hỏi đây ạ? em phân vân lắm

    Like

Leave a comment