Phỏng vấn kiểu Mỹ (Phần 1)- Behavioral Interview & STAR technique

Từ khi vào đại học đến giờ, mình đã trải qua hơn 40 cuộc phỏng vấn nhiều vòng để đạt được 3 internship, 1 fellowship, và 2 vị trí chính thức khác nhau. Ngoài ra, mình cũng đã phỏng vấn hơn 20 bạn sinh viên ứng tuyển cho fellowship ở công ty mình nên cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm và cái nhìn từ cả hai phía. Mình muốn chia sẻ một vài điều quan trọng đã đúc kết từ kinh nghiệm để mọi người hình dung được bản thân cần chuẩn bị những gì.

Behavioral Interview và STAR technique là gì?

Thời buổi bây giờ đi phỏng vấn chả còn ai hỏi ba điểm yếu, năm điểm mạnh của bạn là gì. Người ứng viên thời đại phải linh hoạt, nhiều màu sắc, và gây được ấn tượng cho nhà tuyển dụng. Và cách tốt nhất để họ nhận xét bạn là Behavioral Interview, nôm na là phỏng vấn theo xử lý tình huống và hành vi để xem trong những tình huống trong quá khứ, bạn đã suy nghĩ và hành động như thế nào, đạt kết quả gì cho tổ chức hay công ty. Cách phỏng vấn này thực tiễn hơn vì bạn đã trải qua các tình huống và giải quyết vấn đề rồi, chứ không phải nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi giả định và bạn ngồi bịa ra một câu trả lời viễn vông.

STARSituation, Task, Action, Results- Tình huống, Nhiệm vụ, Hành động, Kết quả. Phỏng vấn kiểu Mỹ thường xuyên dùng STAR format để xem người dự tuyển có nhanh nhẹn ứng biến, suy nghĩ logic, trả lời lưu loát, và giãi bày được kết quả của tình huống đã nêu không. Các ngành khác thì mình không rõ, nhưng dược sĩ tìm việc làm và ở công ty mình luôn luôn áp dụng câu hỏi dạng này.

STAR

Những câu hỏi STAR thường gặp
  • Hãy nêu một tình huống mà bạn phải làm chung một project với một đồng nghiệp khó khăn? Khó khăn đó là gì? Bạn đã giải quyết khó khăn như thế nào? Và kết quả của project đó ra sao?
  • Hãy kể cho tôi nghe về một lần bạn gây ra lỗi lầm trong công việc? Lỗi đó là gì, hậu quả ra sao, có những ai bị ảnh hưởng? Bạn đã làm sao để khắc phục nó và kết quả như thế nào?
  • Hãy kể một tình huống mà bạn phải nêu ra một ý kiến mới và thuyết phục sếp? Ý kiến đó là gì? Bạn đã áp dụng ra sao? Kết quả như thế nào?
  • Hãy kể về một tình huống bạn phải cân nhắc giữa thời gian và chất lượng của đề án? Bạn suy nghĩ và quyết định dựa trên những yếu tố nào? Kết quả ra sao?

Tuỳ công ty và văn hoá nơi đó mà có những behavior khác nhau họ muốn kiểm tra bạn. Những behavior thường gặp là làm việc nhóm, giải quyết vấn để khi bị áp lực về thời gian hay vật chất, giải quyết mâu thuẫn với đồng nghiệp, áp dụng tính sáng tạo trong công việc. Nếu dò tìm trên Google, bạn có thể tìm thấy vô số các câu hỏi khác để chuẩn bị ở nhà. Nhiều lúc câu hỏi không giống như đúc như bạn đã chuẩn bị nên hãy bình tĩnh suy nghĩ trong vòng 30 giây, không ai bắt bẻ chuyện đó cả. Có thể hỏi thẳng người phỏng vấn “tôi có thể có 30 giây suy nghĩ được không”, hoặc nếu không hiểu câu hỏi thì hãy check “anh/chị có thể tả cụ thể hơn về …” hay “em hiểu câu hỏi như vậy… là có chính xác không?”. Khi phỏng vấn các bạn sinh viên, mình thích những người suy nghĩ trước khi trả lời hơn là vừa hỏi dứt câu đã bắn tung tóe ngay câu trả lời học thuộc lòng sẵn, dù có phù hợp hay không.

Bí quyết trả lời STAR 

Bí quyết để thành công trong dạng câu hỏi này là phải súc tích (câu trả lời dài dưới 1 phút) và truyền đạt được ý tưởng (vấn đề là gì, bạn làm gì để giải quyết, kết quả ra sao). Mình hình dung nó giống như viết một bài essay siêu ngắn, với mở chuyện, câu chuyện, và kết quả. Câu chuyện phải chung chung vừa đủ để không phí thời gian và tránh làm người nghe bị rối, nhưng cũng phải đủ cụ thể để họ có thể theo kịp và hình dung được. Phần Results quan trọng ở chỗ nó phải đủ cụ thể (concrete) bạn đã đạt được gì sau tình huống đó (ví dụ như là đã mang lại lợi nhuận bao nhiêu tiền cho công ty, đã tăng năng suất bao nhiêu phần trăm, lãnh đạo thành công nhóm bao nhiêu người, có nhận giải thưởng gì không, v.v).

Quan trọng hơn nữa là đừng bịa nếu như bịa không nổi thiếu đầu hụt đuôi. Bạn có thể phóng đại thêm mắm thêm muối một tí (nhấn mạnh chỗ một tí) về vai trò của mình trong tình huống đó, thêm vài chi tiết nhỏ, nhưng đừng bịa đặt hoàn toàn vì rất dễ bị phát hiện. Vì câu hỏi STAR interview phức tạp hơn những câu như là “nêu 3 điểm yếu, điểm mạnh của em”, mình khuyên mọi người nên dành nhiều thời gian chuẩn bị thật kĩ ở nhà.

Vài mẹo chuẩn bị

Mình thường đọc đi đọc lại CV của mình, xem kinh nghiệm nào phù hợp với câu hỏi nào. Hơn nữa, bạn phải biết từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài tất tần tật nội dung CV của mình nhỡ khi được hỏi bất kì cái gì trên đó. Vì thế trong blog trước mình mới khuyên các bạn nên tham gia hoạt động mình yêu thích, đạt được thành quả cụ thể rồi hãy đề lên CV. Chứ không lúc người ta chỉ vào cái này, hỏi “Em hoạt động gì, đóng góp như thế nào cho tổ chức” thì ấm ớ bảo em chỉ có mặt cho vui là không được.

Khi chuẩn bị, mình còn viết ra hẳn câu trả lời ở nhà để sắp xếp câu chữ ý tứ được hợp lý vì tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ. Điều quan trọng là nhớ nhưng không học thuộc lòng và không đọc lại cho người phỏng vấn như đang trả bài. Nếu kĩ hơn nữa, mình trả lời nháp rồi ghi hình lại bằng chương trình Photo Booth trên laptop. Hay bạn dùng chức năng điện thoại cũng được. Chủ yếu là để thấy mình trả lời có trôi chảy như mình nghĩ không, hay có phát âm kì lạ chỗ nào, có thói quen không tốt cần phải sửa hay không (như chắt lưỡi, vân vê tóc tai, nháy mắt liên tục hay đại loại vậy). Bạn cũng có thể nhờ bạn bè hoặc thầy cô thân thiết giúp mình làm mock interview. Nghĩa là làm nháp, để xem trong trường hợp ngồi có người đối diện đưa ra câu hỏi bất kì, mình có bị run hay không.

Practice, practice, practice. Càng thực tập nhiều, bạn sẽ suy nghĩ nhanh nhẹn hơn và hoàn thiện kĩ năng STAR interview của mình. Trong post tiếp theo, mình sẽ bàn về những câu hỏi thường gặp khác ngoài khuôn khổ STAR interview. Stay tuned!

Nếu các bạn có câu hỏi cho mình sau khi nghiên cứu thông tin thì nên cụ thể để mình trả lời được chính xác qua comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!

– Ngọc Bích, PharmD, RPh
 

5 thoughts on “Phỏng vấn kiểu Mỹ (Phần 1)- Behavioral Interview & STAR technique

  1. Em tính đc tỉ lệ thành công của chị là 6/40 = 15%. Nhưng em muốn biết lần thành công đầu tiên của chị là thứ mấy trong 40 lần pv. Nếu có thể thì em muốn biết thêm phải mất bao lâu chị mới thành công tính từ nỗ lực đầu tiên.
    P/s: Em tên Tân, tốt nghiệp khóa Dược sĩ năm 2013, đến nay 2017 trải qua 3 lần pv chính thức với Imexpharm và Domesco nhưng đều không đạt. Đó là 1 trải nghiệm thú vị, mong nhận đc chia sẻ thêm từ chị (email : phamtan22092011@yahoo.com)

    Like

    1. Chào em. 40 lần phỏng vấn đó là bao gồm nhiều vị trí khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Lần phỏng vấn đầu tiên để tìm internship thì được nhận ngay. Còn tìm việc làm chính thức thì phỏng vấn từ 5-mấy chục lần cho nhiều công việc khác nhau. Chị gửi đơn hơn 30 chỗ thì mới có khoảng 5 chỗ gọi phỏng vấn, và trong đó thì được 1 offer. Và đây là kinh nghiệm riêng của chị ở thị trường dược ở Mỹ, còn mỗi nước, tuỳ năm và thị trường mà mỗi khác nhé.

      Like

  2. hi chị, chị có thể viết 1 bài hướng dẫn cách trả lời phỏng vấn vào trường dược được không ạ? các bái viết của chị rất bổ ích.

    Like

    1. Chào em. Trường chị học 0-6 nên chị không phải phỏng vấn đầu vào. Chị nghĩ em nên chuẩn bị trả lời những câu hỏi như Tại sao muốn học dược (chứng tỏ suy nghĩ của bản thân, hiểu rõ việc mình làm, không phải học chỉ vì ba mẹ hay làm nhiều tiền), học dược để sau này làm gì (cần biết những mảng dược có thể đi làm), có chuẩn bị kĩ năng để theo đuổi chương trình khó, tương lai 5-10 năm mường tượng mình ra sao. Em có thể Google thêm những kinh nghiệm khác, chắc chắn đã có người chia sẻ. Chúc em thành công

      Like

Leave a comment