Cholesterol trong máu cao- Tại sao còn trẻ phải bận tâm?

Mọi người có thể thường nghe bố mẹ phàn nàn về mỡ trong máu cao (như mẹ mình cũng thỉnh thoảng hỏi xem có nên uống thuốc, hay ăn gì thì tốt). Tại sao còn trẻ 20-30 tuổi vẫn nên quan tâm đến vấn đề này? Hai lí do:

  • Yếu tố nguy cơ nhiều hơn bạn tưởng. Các bạn trẻ bây giờ đi làm sáng nhảy vào xe hơi hay lên xe máy, đến công ty, ngồi từ sáng đến chiều, ăn trưa, ăn tối, đi ngủ. Không có thời gian tập thể dục vì gia đình con cái, hoặc là bạn bè rủ đi uống cà phê bia bọt. Bây giờ còn trẻ thì cơ thể tự điều hòa được, nhưng sau 30 thì cái gì cũng chậm lại, dẫn đến lên cân, tích tụ mỡ, dễ bị các bệnh khác đi kèm.
  • Không có gì tự dưng ngủ một đêm mà xuất hiện (nothing happens overnight). Cholesterol, tiểu đường, cao huyết áp đa phần là do yếu tố nguy cơ tích tụ ngày qua ngày, năm này qua năm khác. Còn trẻ là thời gian tốt nhất để tự tạo cho mình thói quen ăn uống, tập thể dục, sống và làm việc có khoa học.

Disclaimer: Nội dung của blog này mang tính tham khảo, không thể thay thế việc đi bác sĩ cũng như được chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Cholesterol là gì? Tại sao cholesterol cao lại nguy hiểm? 

Cholesterol máu cao, hay nhiều người gọi là mỡ trong máu, tên tiếng Anh thường gọi là hypercholesterolemia. Dạo gần đây tên khoa học thường dùng hơn là dyslipidemia, nghĩa là rối loạn chất béo (lipid) chứ không đơn thuần là có chỉ số cao.

Cholesterol là một chất có tính sáp (waxy) giống như lipid có trong các tế bào khỏe mạnh của chúng ta. Cơ thể có nhu cầu và tự sản xuất lượng cholesterol cần thiết. Tuy nhiên trong thức ăn chúng ta có nhiều cholesterol, và lượng dư thừa này có thể gây hại.

Tưởng tượng mạch máu của bạn là đường ống nước. Nếu đường nước lưu thông bị nhiễm bẩn bởi dầu sóng sánh, lâu ngày sẽ có cặn bã đọng lại và đường ống càng ngày càng hẹp. Tương tự như vậy, lượng cholesterol cao hơn bình thường lưu thông trong máu sẽ tích tụ trên thành của mạch máu tạo thành mảng plaque và dẫn đến xơ vữa động mạch (atherosclerosis). Plaque ngày càng to ra sẽ làm máu khó lưu thông, gây nên đau tim. Những tế bào máu bám vào plaque đến một mức nào đó, cả mảng sẽ tách rời hoặc vỡ ra và theo dòng máu dẫn đến tắc nghẽn, gây nhồi máu cơ tim hay đứng tim (heart attack hay myocardial infarction), và nếu tắc nghẽn dòng máu lên não sẽ dẫn đến đột quỵ (stroke).

atery build up(2)

Cholesterol cao có thể được thừa kế (familial hypercholesterolemia), nhưng thường là do chế độ ăn uống nên có thể ngăn ngừa và điều trị được. Một chế độ ăn uống lành mạnh, kết hợp với tập thể dục thường xuyên và thuốc điều trị là cách tốt nhất hướng tới việc giảm lượng cholesterol cao.

Triệu chứng

AnginaTác hại đáng sợ nhất của cholesterol theo mình là việc nó không. hề. có. triệu. chứng. Người bệnh nếu không được chẩn đoán sẽ không biết mình bị bệnh. Và ngay cả khi được chẩn đoán và kê thuốc, bệnh nhân cũng không nhớ, không buồn uống. Thử nghĩ nếu bạn bị bệnh tiểu đường, khi đường thấp thì chóng mặt, đường cao thì khó chịu trong người. Hay khi đau tim thì biết sợ những cơn đau tim mà chăm chỉ uống thuốc. Còn bệnh nhân có mỡ trong máu không tưởng tượng được tác hại của nó đến khi hậu quả lớn nghiêm trọng hơn.

Yếu tố nguy cơ

  • Béo phì, ăn uống nhiều chất béo không tốt, mỡ động vật
  • Gia đình có tiền sử bị bệnh
  • Lối sống thụ động, không tập thể dục thường xuyên
  • Hút thuốc
  • Người bị bệnh tiểu đường hay cao huyết áp cũng sẽ có nguy cơ cholesterol cao

Bạn có biết chỉ số cholesterol của mình không?

Người bình thường có tổng chỉ số cholesterol khoảng 140-200 mg/dL. Tuy nhiên điều quan trọng cần biết là có các loại cholesterol khác nhau.

  • Cholesterol tốt hay tên khoa học là Lipoprotein có trọng lượng cao (High density lipoprotein, viết tắt là HDL) thì chỉ số cao là tốt. Chỉ số càng cao thì sẽ giảm nguy cơ các bệnh liên quan
  • Lipoprotein có trọng lượng thấp (Low density lipoprotein hay LDL) là các hạt vận chuyển cholesterol trong cơ thể . LDL cholesterol tích tụ trong thành động mạch, làm cho chúng cứng và hẹp.
  • Lipoprotein trọng lượng rất thấp (Very low density lipoprotein hay VLDL). Đây là loại lipoprotein có chứa các chất béo trung tính, một loại chất béo gắn với các protein trong máu. VLDL cholesterol làm cho LDL cholesterol kích thước lớn hơn, làm cho đường kính mạch máu thu hẹp.

Để biết chỉ số cholesterol của mình chỉ thì chỉ có đi xét nghiệm máu. Sau 20 tuổi, mọi người nên cân nhắc đi khám tổng quát thường niên (nếu ở Mỹ có health insurance thì miễn phí khám tổng quát). Mỗi 5 năm thì đo cholesterol để theo dõi. Mình sẽ không bàn về chỉ số ở đây vì thường bác sĩ sẽ giúp bạn đọc và hiểu rõ hơn. Điều mình muốn mọi người nhận ra là không phải chất béo nào cũng như nhau. Nhất là chị em phụ nữ hay ăn kiêng, nhưng lại kiêng cả những chất béo tốt.

Trong vài năm gần đây, mình đi khám tổng quát mỗi năm một lần. Và khi đo cholesterol, chỉ số LDL và VLDL của mình trong mức bình thường, nhưng tổng cholesterol lại gần đường biên giới cao hơn mình tưởng! Nhưng nhìn lại thì đó là do chỉ số HDL của mình cao gấp 2 mức cần phải có, nên dẫn đến tổng số cao, tuy nhiên lại có lợi cho sức khỏe.

Nên điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống thế nào?

Nên
  • Chỉ số HDL cao là tốt, và để đạt được điều đó thì nên ăn chất béo từ thực vật có chứa phytosterols và stanols. Một số dễ tìm như trái bơ (avocado), từ đậu (nuts) như là đậu phộng (peanut), hạt điều (cashew), hạt hạnh nhân (almond), v.v. Mình thường hay ăn dầu ô-liu sống (olive oil) như là trộn gỏi vì dầu ô-liu ít chế biến (virgin hay là extra virgin olive oil) tốt cho sức khỏe.
  • Ăn cá để hấp thụ chất béo từ cá. Hội Tim Hoa Kỳ (American Heart Association) khuyên là nên ăn 2 khẩu phần cá trong 1 tuần
  • Ăn nhiều chất xơ từ trái cây, rau xanh, legume như là đậu que.
  • Tập thể dục một tuần ít nhất 2-3 lần. Có thể kết hợp tập nặng (high-intensity) như là chạy bộ, kickboxing, bơi lội kèm với tập nhẹ (medium hay low-intensity) như yoga, đi bộ.
Không nên
  • Ăn mỡ động vật, hay thức ăn đường phố xào nấu dùng đi dùng lại một chảo dầu.
  • Ăn đồ ăn nhiều chế biến và có hàm lượng chất béo saturated cao như khoai tây chiên (fast food hay đóng gói), hamburger, v.v.
  • Nhịn ăn.  Nhịn ăn khiến cơ thể đói nhiều hơn, đến khi ăn lại ngấu nghiến thấy gì cũng ăn. Còn không thì cũng thiếu chất không đủ dinh dưỡng
    Healthy-eating

Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, ngăn ngừa cholesterol cao dễ dàng hơn khi phải chữa trị rất nhiều. Không ai muốn uống thuốc mỗi ngày, nhất là khi còn trẻ, mà thuốc nào cũng có tác dụng phụ không ít thì nhiều. Hi vọng mọi người sẽ có động lực tập thể dục nhiều hơn, ăn uống khỏe mạnh hơn để cùng nhau giảm nguy cơ bệnh tim và các bệnh liên quan khác.

Nếu có câu hỏi gì, mọi người cứ comment phía dưới hoặc Like và post trên Facebook Page của trang để mình trả lời hoặc sẽ viết một blog khác đầy đủ hơn nếu vấn đề được nhiều người quan tâm. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!

-Hoàng Ngọc Bích, PharmD, RPh 

Source: University of Maryland- Medical CenterFeature image, PlaqueHealthy portionHeart attack

One thought on “Cholesterol trong máu cao- Tại sao còn trẻ phải bận tâm?

  1. Hôm nào bạn viết bài về các loại dầu olive, giải thích các thuật ngữ như là virgin, extra virgin; hoặc về các loại dầu thực vật để mình được biết nhiều hơn!

    Like

Leave a comment