Du học Mỹ- 5 cách học ai cũng cần biết

Cách học ở Mỹ có những điểm khác ở nhà một trời một vực, nếu không muốn nói là ngược lại với những gì chúng ta từng quen trong nhiều năm trường lớp. Mình học hết lớp 9 ở VN, qua đây học 3 năm high school nên quen dần, còn những ai mới vào đại học có thể thấy lạ lẫm, nên hãy lưu ý.

1. Càng bay bổng, càng dài, càng dai, càng dở
Calvin-Writing.gif

Năm lớp  11 mình học English Writing với một cô giáo khá nghiêm khắc, bài nào của mình cô chấm cũng đỏ loe loét. Vì sao? Vì mỗi câu mỗi chữ cô đều xem xét và đề: “Câu này có cần thiết không?” “Chi tiết này có khiến lý luận của em chặt chẽ hơn không?” “Dẫn chứng đâu?” Cô không chỉ dạy cách làm văn mà còn dạy cả cách suy nghĩ lí luận và diễn đạt. Những câu chữ bay bổng mình được học theo cách tập làm văn trước đây đều trở thành màu mè hoa lá hẹ không cần thiết. Vì nếu câu chữ đó không làm cho bài văn chặt chẽ, súc tích, thuyết phục hơn thì viết vào làm gì? Ngay lúc này nếu đọc báo, tạp chí, chúng ta cũng có thể thấy nhiều câu chữ sáo rỗng không có nghĩa. Như bài báo bàn về một sự kiện quan trọng mà chèn nhiều chi tiết về thời tiết đẹp, gió mát hiu hiu, hay dùng ngôn từ thoạt nghe thì hay nhưng không có chỗ trong nội dung.

Hồi đó lúc nhận bài toàn điểm B bị cô gạch đỏ lung tung cũng buồn xíu, nhưng nhờ vậy mà kĩ năng writing của mình khá hơn nhiều, so với cả các bạn bản xứ. Những kiến thức này không chỉ hỗ trợ mình thi SAT Writing điểm cao mà còn giúp mình truyền đạt lại cho các em học SAT mình dạy, và cả các bạn nhờ mình xem cover letter hay resume/CV.

2. Lúc nào cũng cần dẫn chứng và phải khách quan

Bất cứ ngành nào, dù là khoa học tự nhiên hay xã hội, luật sư, dược sĩ, viết hay nói cái gì cũng cần dẫn nguồn và dẫn chứng. Lối giáo dục này hình thành những người làm y tế như mình, hành nghề dựa vào “evidence-based medicine” (y học dẫn chứng) chứ không phải nghe truyền miệng hay đồn đại từ một hai người.

Đọc sách báo bây giờ dễ thấy đầy những thông tin không bao giờ dẫn nguồn, hoặc dẫn những trang tiếng nước ngoài không đáng tin và hi vọng mọi người không biết đọc. Viết văn luôn cần khách quan (objective), có dẫn chứng (supporting evidence) chứ không chủ quan (subjective) tự cảm thấy rồi viết. Cũng như đưa tin tức phải nằm trong quyền hạn của người chuyên nghiệp- luật sư có nghĩa vụ bảo vệ quyền của bị cáo hay nạn nhân, thay vì đưa ra thông tin không nên đưa, hay theo một chiều hướng nhất định trước khi kết án.

Chúng ta suy cho cùng cũng chỉ là sản phẩm của hệ thống giáo dục, không thể kiểm soát được. Nhưng khi đã có cơ hội ra nước ngoài học tập thì đây là một trong những kĩ năng tối quan trọng mà bạn nên dành thời gian luyện rèn, từ cấp 3, hay ngay từ năm đầu đại học. Giáo sư môn writing của mình có nói “Để đánh giá chất lượng giáo dục của các trường đại học, chúng ta có thể nhìn vào chương trình đào tạo Writing của họ”. Những trường rất tốt thì dù có học kĩ sư, nhà toán học, hay giáo viên mầm non cũng sẽ bắt sinh viên học thật giỏi môn Writing.

3. Plagiarism- Hậu quả nặng nề

Có ai học tập làm văn mà không một lần phải xài qua văn mẫu? Mình cũng vậy thôi, từng đi lùng nhà sách được quyển ưng ý rồi mượn vài ý, vài câu, không thì bê nguyên si hẳn một đoạn. Mình vẫn thắc mắc nếu ai cũng làm văn y chang vì đọc cùng một cuốn văn mẫu hay cùng học thêm một chỗ, thì thầy cô chấm bài dựa trên tiêu chuẩn gì?

Học ở các nước khác, từng câu từng chữ nếu không phải của bạn, mà bạn dùng không dẫn tên tác giả/tác phẩm, có thể xem là plagiarism. Plagiarism là tội khá nặng, có thể dẫn đến kiểm điểm, phải chịu điểm 0, rớt bài kiểm tra, hoặc bị đuổi học. Nhiều trường có máy quét bài để đánh giá bao nhiêu phần trăm là chôm từ các nguồn sẵn trên mạng vào, nên đừng tưởng dễ qua mắt thầy cô.

Plagiarism là vấn đề nghiêm trọng vì quy định bảo vệ bản quyền vô cùng nghiêm ngặt. Mọi người đều xứng đáng được bảo vệ quyền lợi chất xám của thành phẩm mình tạo ra. Nếu ai cũng mượn xài không hỏi ý kiến, không xin bản quyền, không trả công cho người sáng tạo thì làm sao bảo vệ được thành quả của một xã hội phát triển? Nó cũng gây khó khăn trong việc lựa chọn đầu tư vào một thị trường, nếu như các công ty lo sợ rằng intellectual property của mình không được bảo đảm.

Plagiarism.png
Mỗi nơi có cách học khác nhau. Nếu không biết trường hợp nào là plagiarism thì phải tìm hiểu hay hỏi thầy cô để không hối hận nhé
4. Đọc hướng dẫn. Làm theo. 

Luật lệ càng khó người khác càng nản, và càng muốn dùng vung tiền ra để dùng dịch vụ – lấy bằng lái, đi thi giùm, xếp hàng lấy số giùm, v.v và v.v. Ở Mỹ vì không có nhiều dịch vụ, nên nhà nước luôn viết luật lệ, hướng dẫn rõ ràng, khuyến khích người dân tự đọc rồi tự làm. Qua blog mình, một số bạn hỏi thông tin về vấn đề gì đó nhờ giúp đỡ. Sau khi nghe mình chỉ dẫn cặn kẽ thì có khi hỏi làm giùm luôn được không? Không có chuyện làm giùm nghen!

stop-read-instructions.jpg

Ở đây đa số mọi người đều tự đọc hướng dẫn rồi đi xin visa du lịch hay công tác, xin việc làm, nộp đơn vào đại học. Cả doanh nghiệp cũng vậy, sản phẩm nào cũng đầy đủ các bảng hướng dẫn. Nếu bạn nào từng dùng tủ giường bàn ghế của IKEA sẽ biết cái gì mình cũng có thể tự lắp được nếu biết theo hướng dẫn. Điều này đặc biệt quan trọng khi đi thi hay làm bài về nhà. Bạn luôn luôn phải đọc hướng dẫn xem bài thi yêu cầu gì. Đừng có thói quen học tủ rồi tưởng đề nào cũng như đề nào, cắm cúi làm. Đến lúc nhận con zero tròn trĩnh vì không biết làm theo hướng dẫn thì khóc cũng đã muộn. Ít ai đánh đố khiến học sinh phải đoán mò lắm, chỗ nào không hiểu có thể lên hỏi, nếu trả lời được thầy cô sẽ trả lời, dù là trong lúc thi.

5. Tự mình là chính

Chuyện nghe tưởng đơn giản, vậy chứ bảo đảm nhiều người bất ngờ với cách học bên này. Bất ngờ vì ủa, không có học thêm. Ủa, thầy cô không chỉ bài nào sẽ được ra đề. Ngay cả học văn học, bạn phải tự đọc từ đầu đến cuối những cuốn sách được giao, rồi viết cả bài văn, chứ không chỉ đọc trích đoạn rồi thầy cô mớm cho ý tưởng. Tuỳ trường mà có khi một năm đọc 1 chục cuốn sách là chuyện bình thường, hè cũng có về nhà đọc thêm.

Nhiều người hỏi bí quyết ôn thi SAT hay TOEFL, mình chỉ có thể trả lời là mình tự ôn. Đi học thêm có thể giúp bạn mài giũa những kĩ năng cụ thể như viết văn thế nào cho suông, mẹo học từ vựng, một số cách suy nghĩ để trả lời câu hỏi. Nhưng việc chỉ ngồi trong lớp mà về nhà không tự học và làm bài tập một chục một trăm lần thì đừng mơ điểm cao. Lên đại học, việc tự học lại càng quan trọng hơn vì không có thầy cô nhắc nhở mỗi ngày. Một học kì chỉ có vài bài kiểm tra rồi thi học kì, rớt một bài thì rớt hết khoá cũng ráng mà chịu.

Nghe mình hù nãy giờ sợ chưa?! 😛 Đừng sợ, mà hãy cảm thấy phấn khởi. Vì bạn được học tập ở một ngành giáo dục tiên tiến bậc nhất trên thế giới. Ở những môi trường như vậy, công sức của bạn sẽ được đền đáp công bằng- You get out what you put in. Hãy sống và làm việc cho xứng đáng với những gì mà bản thân và gia đình đã bỏ ra. Chúc bạn thành công!

Nếu có gì cần trao đổi cụ thể, mọi người cứ tự nhiên comment phía dưới hoặc post trên Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!

-Ngọc Bích, PharmD, RPh

Photo credit: WritingPlagiarismRead instructions

Những bài liên quan:

4 thoughts on “Du học Mỹ- 5 cách học ai cũng cần biết

    1. Vâng, điều đó chính xác. Bài viết chú trọng ở Mỹ không có nghĩa là ở các nước khác thì không như vậy 🙂
      Cảm ơn anh/chị đã dành thời gian theo dõi.

      Like

Leave a comment