Networking (Phần 1): Các mối quan hệ có thể giúp đỡ và giải cứu sự nghiệp như thế nào?

Ở bài Networking- Những điều quan trọng nhưng ít người làm được, mình đã bàn về tầm quan trọng của việc tạo nên và giữ gìn network vì công việc của bạn sẽ phụ thuộc vào nó. Không những thế mà còn phải phát triển, mở rộng, và đừng vô tình để lại ấn tượng xấu. Mỗi tương tác là một cơ hội tiềm ẩn. Trong bài này, các bạn sẽ thấy network đã giúp đỡ cũng như giải cứu mình trong nhiều trường hợp éo le như thế nào.

Internship- Thành công nhờ không ngại dò hỏi

Hè năm thứ tư trong trường dược, mình thay đổi quyết định vào phút cuối, không đi study abroad ở Pháp nữa mà sẽ đi tìm internship ở công ty dược. Lí do vì sao mình đã kể ở bài Dược sinh thực tập (Phần cuối)- Hãy cứ đi, cứ sống, cứ làm và đừng quên khu vườn của bạn. Mình gửi CV cho vài anh bạn ở Việt Nam quen khi tình nguyện với VietAbroader hỏi xem có quen ai cần intern không. Một tuần sau, một chị bạn anh email lại với lời mời interview với sếp của chị. Tuần sau nữa mình interview qua điện thoại và được offer internship 4 tháng ở Việt Nam. Anh sếp bảo là cũng không định nhận intern, nhưng vì có quỹ và nhân dịp thấy resume của mình nên muốn phỏng vấn và nhận luôn.

Nếu bạn đã có ý định làm gì đó, thì cứ đi tìm. Người ta không tìm mình thì mình tìm người ta. Hỏi hết mọi người quen, gửi CV đi khắp nơi, bạn bè, bạn của bố mẹ, bố mẹ của bạn, v.v. Nên nuôi dưỡng network thường xuyên chứ không phải khi cần mới nhảy vào thăm hỏi. Mà nếu không gặp thường thì bạn cũng có thể nhờ giúp đỡ một cách lịch sự, nếu người ta không thích hay không có khả năng thì chỉ từ chối thôi, không chết đi đâu cả.

Bài học ở đây: Cứ hỏi đi. Bạn không bao giờ biết được có may mắn nào đang chờ mình đâu. Hãy cứ vươn ra nhờ giúp đỡ. Trong một chục người thể nào cũng có vài đầu mối và thông tin, biết đâu trong số đó có một hai tia hi vọng để thành công.

Network drawing.png

Công việc đầu tiên- Phải có người ủng hộ (sponsor)

Sau khi hoàn thành được 8 tháng trong PharmD post-doctoral fellowship ở công ty, mình bắt đầu loay hoay tìm việc làm chính thức. Khi mới vào làm fellowship, mình nhận ra là department này không hề có cơ hội làm full time. Mình hơi hụt hẫng và giận, vì người ta đào tạo mình làm gì nếu không có chỗ nhận mình làm? Nhưng thay vì chán nản, làm cho có, mình vẫn cố gắng học hỏi càng nhiều càng tốt, và làm thêm giờ để đóng góp cho nhóm. Nhờ sự cần cù này mà sếp quý mến mình, nên dù không có chỗ nhận mình full time, cô đã hết lòng giúp mình tìm được một công việc khác trong công ty.

Sponsor women.jpgDù đã có kinh nghiệm internship tổng cộng 1 năm (cumulative) và đi làm fellowship 1 năm, trong mắt nhà tuyển dụng mình vẫn là “sinh viên mới ra trường”, là entry-level với năng lực chưa được kiểm chứng. Vì là người nước ngoài, mình cần phải có công việc trong 2 tháng tới, nếu không thì công ty sẽ không kịp nộp đơn xin bảo lãnh H1B đúng hạn mỗi năm chỉ có một lần. Mình nộp đơn hơn 30 nơi khác nhau. Đa số những chỗ chịu gọi lại toàn là trong công ty hiện tại, khi sếp mình gọi sang bảo kê để mình được phỏng vấn. Cuối cùng mình được nhận vào bộ phận Medical Affairs của thuốc HIV.

Đây là bộ phận chức năng (function) và mảng khoa học (therapeutic area) mà mình chưa hề có kinh nghiệm. Khi hỏi sếp mới vì sao cô chọn mình trong hơn mười ứng cử viên khác, cô bảo lí do lớn nhất là vì sếp cũ gọi qua với những lời lẽ rất chân thành và chắc chắn về khả năng, sự chuyên cần học hỏi, cũng như những đóng góp của mình cho công ty sau 8 tháng làm việc. Nhờ có người bảo kê (sponsor) nên cô mới dám làm liều nhận một người mới toe, vào phải đào tạo từ đầu. Trong một bài khác, mình sẽ viết cụ thể hơn về sponsor vs. mentor.

Bài học ở đây: Đôi khi tình huống tưởng như xấu, nhưng bạn hãy cố gắng hết sức để tạo những mối quan hệ tốt. Đến khi bạn cần nhất sẽ là lúc công sức được đền đáp, chứ đừng chỉ thấy cái lợi trước mắt mới làm.

Nghỉ việc lần đầu tiên- Cố gắng lúc lành để dành lúc đau được giải cứu

Sau khi làm ở công việc mới 8 tháng, một ngày xấu trời sếp đặt một buổi meeting ngắn trên calendar của mình cho ngày hôm sau mà không có lí do. Tựa đề ngắn gọn “Update về thay đổi tổ chức”. Hôm sau mình bước vào phòng sếp, thấy cô ngồi với chị nhân sự, kèm theo phong bì hồ sơ. Cô nói rất tiếc là vì công ty có thay đổi tổ chức hoạt động, nhóm của cô yêu cầu phải có chức vụ từ Associate Director trở lên. Mình chỉ mới là Manager nên vị trí của mình đã bị loại bỏ, cùng với cả trăm người ở những bộ phận khác. Cô cho mình lựa chọn một là lấy compensation package- so với người mới đi làm như mình thì số tiền rất nhỏ. Hai là qua làm một công việc khác mà cô đã hỏi thăm các sếp giúp mình chuyển qua.

Khác với các nước Tây Âu có hợp đồng lao động và quy chế khá khắt khe để bảo vệ người lao động, nhiều công ty tư nhân ở Mỹ có môi trường lao động rất khốc liệt, gọi là “employment at will”. Họ có thể cho nghỉ bất cứ lúc nào mà không cần lí do. Và sau 8 tháng đi làm đầu tiên mình đã được nếm mùi. Nhưng lúc khó khăn mới thấy người khác quan tâm đến mình thế nào, và phần nhiều là vì mình đã hành động và đối xử với họ ra sao trong thời gian làm việc.

Laid off.png

Với một nhân viên mới như mình, không có lí do gì để cô phải thiết tha đi dò hỏi các bộ phận khác tìm vị trí trống. Nhưng vì mình luôn làm việc hết sức, thêm giờ, năng nổ làm những việc mà người khác có thể không thích làm, nên cô mới tự tin giao qua nhóm khác. Cô biết dù nhóm mới này không phải đúng công việc mình thích, nhưng một sự lựa chọn vẫn tốt hơn là cái vé máy bay bay thẳng về Việt Nam khi bị nghỉ việc.

Nhưng chuyện chưa dừng lại ở đó. Trong lúc đang làm giấy tờ chuyển nhóm, một anh bạn từ nhóm khác nữa qua hỏi “Bên anh có vị trí đang tuyển, em có muốn apply không? Sếp anh có hỏi về em, anh có nói tốt rồi. Nếu em apply anh sẽ giúp đỡ thêm”. Đây là anh bạn quen qua network của dược sĩ trong công ty, mình chỉ gặp vài lần. Nhưng anh ấy lại là bạn thân của những đồng nghiệp của mình. Họ hay nói chuyện với nhau, biết mình gặp khó khăn và nhóm của anh này mới đúng công việc yêu thích của mình. Anh liền chạy qua mở lời giúp mình nộp đơn phỏng vấn. Và may mắn thay, mình đã được nhận.

Bài học ở đây: Một lần nữa, mình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm chỉ cố gắng hết sức, cho dù kết quả có thấy được trước mắt hay không. Và hãy chăm sóc khu vườn network của bạn hằng ngày đừng vì cái lợi gần, biết đâu đến khi cần nó sẽ mang đến trái ngọt trên đường xa.

Reap what you sow hearts.png

Mình đã viết nhiều bài về kinh nghiệm networking, hi vọng có nhiều thông tin hữu ích. Chúc mọi người nhiều may mắn trên con đường học tập và sự nghiệp.


Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!

-Hoàng Ngọc Bích, PharmD, RPh

Photo credit: NetworkSponsor, LayoffReap what you sow

8 thoughts on “Networking (Phần 1): Các mối quan hệ có thể giúp đỡ và giải cứu sự nghiệp như thế nào?

  1. Cảm ơn bạn về bài viết.
    Mình cũng trong ngành y dược, hết năm nay mình cũng bắt đầu đi làm sau 1 năm intern vừa rồi. 1 năm vừa rồi có vẻ mình phạm phải nhiều sai lầm nên không được đồng nghiệp quý mến lắm. Ngoài việc mình ngại tiếp xúc với người lạ, không biết tự thể hiện bản thân và còn chắc là cũng chưa thật sự chăm chỉ nữa 😀

    Nếu mà được đọc blog này trước đây 1 năm có thể mình sẽ làm việc tốt hơn, nhưng dù sao mình sẽ cố gắng thay đổi trong năm tới.
    Môi trường làm việc ở VN khác mệt mỏi phức tạp nữa.

    Liked by 1 person

    1. Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi và comment. Môi trường nào cũng có cái phức tạp riêng, nên nhiều khi kinh nghiệm của mình không áp dụng hết mọi trường hợp được. Chúc bạn may mắn trong sự nghiệp 🙂

      Liked by 1 person

  2. Đúng như câu nói chỉ cần tích cực, chăm chỉ, vận may sẽ đến. Mình nghĩ nó rất hữu ích với những bạn trẻ mới bắt đầu đi làm.

    Có rất nhiều điều tốt đẹp, không thể tưởng tượng được, cũng không thể nhìn thấy trước mắt. Nhưng chỉ cần mình gieo hạt giống, về sau này, mình sẽ ngỡ ngàng với quả ngọt của nó.

    Cám ơn bạn về bài viết!

    Liked by 1 person

  3. Bạn đã về VN thực tập trong 1 công ty dược VN? Rồi 8 tháng sau bạn quay trở lại Mỹ làm cho 1 công ty dược của Mỹ? (Vì các bài học được bạn dẫn chứng bằng kinh nghiệm bản thân, mà mình thì 0 rõ về dòng thời gian của bạn, cho nên mình hỏi để có thể hiểu tường tận.)

    Like

    1. Mình thực tập 4 tháng ở 1 công ty dược Việt Nam, sau đó quay lại tiếp tục học chương trình dược. Trong quá trình học mình cũng có đi thực tập ở 1 cty dược biotech ở Mỹ. Và sau khi tốt nghiệp mình đi làm chính thức cho 1 công ty dược ở Mỹ hơn 3 năm nay.

      Like

Leave a comment