Người châu Á và sự nghiệp ở Mỹ: Hoà nhập phù hợp để thành công

Trong bài khác, mình có bàn về những khác biệt văn hoá, những ảnh hưởng từ Nho giáo và giảng dạy của gia đình có thể tác động tiêu cực như thế nào trong việc thăng tiến ở Mỹ. Ngoài công việc, những ảnh hưởng đó có thể gây hại đến cuộc sống riêng và mưu cầu hạnh phúc của mỗi người, vì chúng ta quá đặt nặng việc làm vui lòng gia đình.

Tránh làm xấu mặt gia đình dẫn đến sống không thực với bản thân

Có ai chưa từng trải qua việc ba mẹ mong muốn mình học cái này, làm ngành kia vì nó là những công việc xã hội cho là “có giá”- như bác sĩ, kĩ sư, v.v. Hoặc vì gia đình có truyền thống làm nghề này, hay ai cũng là bác sĩ nên mình cũng phải là bác sĩ? Đây là trường hợp rất thường xuyên, và rất nhiều bạn trẻ vì muốn chiều lòng ba mẹ mà theo đuổi những cái mình không thật sự muốn. Cuối cùng, có 2 kết quả thường gặp: nếu theo nổi, thì cả đời còn lại làm công việc mình không thích, cảm thấy không hạnh phúc, đôi khi gây ra hận gia đình. Nếu theo không nổi, hoặc chán ghét thật sự, thì mất thời gian loay hoay rồi chuyển ngành học, chuyển công việc, có thể là trong trường đại học, hay đi làm vài năm rồi chuyển. Tóm lại, mất thời gian, công sức.

Vì vậy, mình luôn ủng hộ việc cha mẹ thảo luận rõ ràng với con cái, giải thích tại sao nghĩ rằng con nên theo ngành này ngành kia (vì thật ra con trẻ rất cần hướng dẫn từ người lớn), nhưng không áp đặt, đặc biệt khi nó không hề có ý muốn hay khả năng.

Văn hoá phong tục châu Á thường đặt nặng sự xấu hổ “shame-based culture”, ngay cả mình mỗi lần nghe “con nhà người ta” từ nhỏ cho đến khi 30 tuổi vẫn thấy khó chịu, cảm giác như mình là đứa thất bại, làm xấu mặt gia đình. Shame-based culture cũng khiến cho con trẻ cảm thấy nếu không được điểm 10 trên một bài kiểm tra hay thất bại trong một cái gì đó, nghĩa là nó không có khả năng, thể như một sự việc duy nhất đánh giá cả con người và cả cuộc đời nó. Cái nhìn thực tế và tích cực hơn là ai cũng có vấp ngã, lần này không được thì thử lại, cố gắng hơn, một sự việc này không hề thể hiện toàn diện khả năng và con người của ai hết.

Trong công việc, hoà nhập không có nghĩa phải đánh mất bản thân

Jane Hyun, tác giả của cuốn sách phổ biến “Breaking the bamboo ceiling” chỉ rõ sự khác biệt giữa hai từ “assimilation” và “acculturation”. Theo cô, assimilation đề cập đến việc một người bỏ đi những giá trị văn hoá của bản thân để hoàn toàn chấp nhận nền văn hoá phổ biến. Còn acculturation heo mình nghĩ đơn giản giống như câu tục ngữ Việt Nam “Ở bầu thì tròn ở ống thì dài”, chúng ta cần linh hoạt để hoà nhập với môi trường chung quanh, tuỳ hoàn cảnh thích hợp, nhưng vẫn giữ được những giá trị quan trọng đối với mình.

Nó cũng giống việc là một introvert, mình vẫn có thể học tập những kĩ năng để linh hoạt phù hợp khi làm việc và quan hệ với những người extrovert (Introvert (Phần 3): Network như một introvert) Trong bài trước, mình chỉ ra những khác biệt giữa người châu Á và người Mỹ trong văn phòng. Khi đã nhận ra điều đó, ta hoàn toàn có thể thay đổi đôi chút để tạo điều kiện thuận lợi cho bản thân trong công việc và thăng tiến.

Một số ví dụ cụ thể mà bản thân mình đã tạo thành thói quen và vẫn hằng ngày nhắc nhở bản thân thực hiện,

Đặc điểm người gốc ÁThay đổi
Thường lắng nghe, quan sát nhiều hơn là phát biểu. Có gì thật sự quan trong mới lên tiếngHãy đặt mục tiêu cho bản thân là trong buổi họp này, mình sẽ phát biểu ít nhất một-hai lần. Và trước buổi họp bạn sẽ chuẩn bị kĩ, suy nghĩ về vấn đề thông suốt để ý kiến của bạn trong buổi họp sẽ gây ấn tượng
Ngại, tránh việc nêu ý kiến khác mọi người, đặc biệt khác với sếp trước mặt người khácKhông ngại “challenge” với một ý kiến khác với người to tiếng nhất trong buổi họp, hay ý kiến số đông. Bạn có thể dặm câu “Just to play devil’s advocate here” để bớt căng thẳng hơn và bớt ngại cho bản thân
Hay tránh nhìn thẳng vào mắt vì theo một số nền văn hoá, nó là bất lịch sựTập nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi nói chuyện
Cắm cúi làm việc, không đặt nặng việc xã giao sau giờ làmHãy xemviệc xã giao với đồng nghiệp ngoài giờ làm việc là một phần quan trọng của công việc, và việc đánh bóng bản thân một cách khéo léo là cần thiết
Chờ đến lượt mình phát biểu, đợi người khác nói xongKhông cần phải chờ hết những người lớn tuổi hay nhiều kinh nghiệm hơn mình mới tới lượt mình mở miệng. Tập tìm cơ hội lên tiếng (nhưng đừng bất lịch sự ngắt lời người khác)

Tất nhiên, môi trường làm việc của mỗi người mỗi khác tuỳ vào ngành nghề, công việc, và tính cách của chính bạn. Đây là những gợi ý ban đầu, bạn có thể lựa chọn, làm thử, và đúc kết cái nào phù hợp và thuận tiện cho mình nhé. Điều hại nhất là cứ cắm đầu mà làm, làm thêm ôm đồm mà không nhận ra những yếu tố khách quan chung quanh sẽ có thể gây lợi hay hại cho sự thăng tiến của mình.

Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!

-Ngọc Bích, PharmD, RPh
Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s