Phụ nữ và con gái

“Có gia đình chưa?”

Gần như là câu hỏi cửa miệng của y tá bác sĩ ở Việt Nam khi bước vào phòng khám phụ khoa. Nếu bảo là chưa thì người ta sẽ hiển nhiên cho là bạn “còn con gái”. Còn nếu bạn đính chính là đã có quan hệ tình dục nhưng chưa lập gia đình, thì sẽ bị ném cho cái nhìn khinh khinh- mặc dù không có nghĩa vụ nào của người làm y tế bao gồm phán xét lối sống của bệnh nhân cả.

Phụ nữ được định nghĩa bằng gì?

Mình luôn thắc mắc vậy những người không phải “phụ nữ đã có gia đình”, nhưng không “còn con gái” thì là gì? Hay bằng con số không? Thời điểm người con gái nhận ra và chấp nhận mình đã trưởng thành, trở thành người phụ nữ là khi nào? Theo quan niệm hiện nay, có vẻ như một người con gái chỉ được trở thành phụ nữ khi họ được định nghĩa bằng một người đàn ông và những đứa trẻ. Còn theo các sách truyện tình yêu thì sau khi cô gái ngủ với đàn ông, tác giả sẽ dùng từ suồng sã hơn như “từ nay cô đã thành đàn bà”.

Ngay cả trong tiếng Anh, con trai con gái được gọi là “boys and girls” khi bọn trẻ còn nhỏ đến lúc lớn khoảng vị thành niên. Sau đó thì không ai gọi là “boys” nữa, “man” thì cũng ít dùng mà mọi người chuyển sang “guys”. Còn con gái dưới cỡ 30 thì ai cũng gọi là “girl”. “Woman” thì thường dành cho mấy chị mấy cô xồn xồn và có gia đình. Hiếm lắm mình mới nghe vài người gọi là “young woman”.

Trong cách gọi này có một sự phân biệt giới tính và làm cho người phụ nữ nhỏ bé. Chỗ đứng trong xã hội, bản sắc, và thành tựu của người phụ nữ dường như không được công nhận nếu như họ không chồng con hay đã ngủ với một người nào đó.

Tại sao định nghĩa là quan trọng?

Tự định hình được mình là phụ nữ, chúng ta mới có thể bảo vệ quyền lợi giới tínhđảm bảo bình đẳng trong xã hội, dù mình có gia đình con cái hay không. Phụ nữ có quyền được trau dồi kiến thức, theo đuổi công việc ngành nghề mình muốn và được trả lương bằng như đàn ông, có quyền được mưu cầu hạnh phúc bản thân mà KHÔNG bị định hình bởi bóng dáng người đàn ông trong cuộc đời họ.

Nhu cầu sức khỏe của phụ nữ cũng khác với mọi người, khác con gái, và khác với đàn ông. Phụ nữ cần phải chăm sóc phụ khoa và sức khỏe sinh sản, bị trầm cảm sau sinh, dễ thiếu chất sắt và canxi, lớn tuổi nhiều nguy cơ loãng xương, dễ bị đau đầu, phải chịu đựng hết đau kinh nguyệt đến triệu chứng tiền mãn kinh v.v và v.v. Ngay cả những bệnh thường gặp trong cả 2 giới tính, ảnh hưởng đến phụ nữ cũng khác biệt như đột quỵ, thấp khớp, các bệnh trầm cảm. Thế nên mới có khoa chỉ dành riêng chăm lo sức khỏe cho phụ nữ (women’s health).

Như mình, từ khi ý thức được chỗ đứng của bản thân trong xã hội này, mình không tự gọi bản thân là “girl” nữa. Không còn “I’m a girl” thế này thế kia. Mình là một người phụ nữ đã trưởng thành, sống một mình, làm việc và cống hiến, chăm sóc cho cha mẹ anh em, không phụ thuộc vào ai cả. Mình cũng luôn ý thức gọi các em sinh viên thực tập là young women, không có “hey girls” hay “hey guys” nữa. Có thể việc mình quan tâm đến cách xưng hô là nhỏ nhặt, nhưng nếu cách xưng hô không thay đổi thì trong tiềm thức của mỗi người, cũng như của chính người phụ nữ, vai trò và bản sắc của họ trong xã hội sẽ không tồn tại và phát triển được. Khi phụ nữ được giáo dục và được truyền sức mạnh, họ sẽ thay đổi cộng đồng xung quanh, thay đổi đất nước, và cả xã hội sẽ được lợi.

Cô gái trong ảnh là Malala Yousafzai, sinh năm 1997, là một nhà hoạt động vì nữ quyền người Pakistan và là người trẻ tuổi nhất được trao giải Nobel Hòa Bình. Cô từng bị ám sát bởi nhóm Taliban khi 15 tuổi vì những hoạt động chính trị của mình. Sau khi thoát chết, cô vẫn tiếp tục đấu tranh không ngừng nghỉ cho trẻ em được quyền đi học và chống lại việc phân biệt đối xử đối với nữ giới.

Còn bạn thì sao? Từ khi nào bạn cảm thấy mình trở thành người phụ nữ? Bạn có bao giờ cảm thấy mọi người không kính trọng bạn đúng mực như một người phụ nữ trưởng thành hay không?

Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!

-Ngọc Bích

Image source: Malala Yousafzai

2 thoughts on “Phụ nữ và con gái

  1. Cám ơn tác giả của bài viết này nhé! Bài viết của bạn rất hay và đề cập đến nhiều quan điểm khác nhau về người phụ nữ hiện nay, đánh động nhiều suy ngẫm cho các bạn nữ có nghị lực…
    Mình đã đọc ‘I am Madala’ và rất cảm phục về ý chí của cô gái trẻ này, như là 1 dạng thức truyền nghị lực cho bản thân.
    Mình cũng có đọc được nhiều cảm nhận rất sâu sắc về người phụ nữ qua tác phẩm ‘Vagina’ của Naomi Wolf.
    Do vậy, mình thiển nghĩ rằng thân phận và cách đối xử của người khác đối với bạn, với 1 người phụ nữ như thế nào thì phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của bạn, có cho phép người khác làm vậy hay không.
    Một lần nữa, cám ơn nhé!

    Liked by 1 person

    1. Cảm ơn bạn đã theo dõi và ủng hộ nhé! Khi nào có thời gian mình cũng muốn tìm đọc I am Malala. Chúc bạn một năm mới nhiều hạnh phúc 🙂

      Like

Leave a comment