Biết cách để học không chỉ có lợi cho những ai vừa bước vào giảng đường đại học bỡ ngỡ, hay lên cấp 3 cảm thấy đuối, qua Mỹ lo lắng không bắt kịp bạn bè. Vì việc học là cả đời, nên biết thế mạnh và điểm yếu của bản thân để hoàn thiện trong việc tiếp thu kiến thức sẽ giúp thích nghi với cuộc sống thay đổi khi ta lớn, và không bị lùi lại phía sau.
Đừng bỏ qua việc đọc syllabus
Trước mỗi học kì, giáo sư hay thầy cô nào cũng đều có syllabus mà bạn nên hết sức chú ý. Syllabus liệt kê ra mục tiêu của từng lớp (learning objective) để bạn biết rằng qua khoá học này, mình cần phải hoàn thiện được những kiến thức hay kĩ năng gì. Syllabus cũng là nơi thầy cô nêu ra cách giảng dạy và yêu cầu của họ đối với học sinh/ sinh viên.
Syllabus rất quan trọng vì nó liệt ra deadline của những bài tập về nhà, hay project phải làm và khi nào phải nộp. Lên đại học, thầy cô sẽ không nhắc đò đò mai làm gì, tuần tới thi những gì. HỌ hoàn toàn để cho sinh viên biết tự lo, nên không hiếm trường hợp sáng ngủ dậy vào lớp ngồi mới tá hoả là có một project phải nộp.
Syllabus cũng giúp bạn hiểu rằng thầy cô chấm điểm dựa vào những yếu tố nào, họ tìm kiếm những gì, và cần giúp đỡ thì phải đi gặp ai. Đừng đợi đến khi quá muộn mới vội vàng tìm giáo sư năn nỉ giúp đỡ vì bạn không chú tâm khi lên lớp hay làm bài tập về nhà.
Đọc sách giáo khoa- Giáo sư không thể nào truyền đạt hết trên lớp
Nếu trong syllabus yêu cầu phải đọc sách hay article trước khi lên lớp thì bạn nên làm, vì nó sẽ giúp tiếp thu bài giảng tốt hơn. Còn nếu không có thời gian thì khi về nhà tự học, mình luôn đọc sách giáo khoa để có kiến thức đầy đủ hơn. Và việc lặp đi lặp lại nhiều lần chỉ có lợi mà thôi.
Kiến thức trên lớp khá ngắt quãng vì cách trình bày (như trong PowerPoint), và thầy cô cũng chỉ có vài tiếng một tuần để tóm tắt và hướng dẫn cách học, cũng như kiến thức quan trọng nhất. Nhưng nó không bao giờ là đủ nếu bạn muốn nắm vững thật sự. Vì vậy, việc đọc sách giáo khoa là điều không thể thiếu trong quá trình học của mình.

Hạn chế dùng thiết bị technology
Tuy cuộc sống hiện đại có nhiều cám dỗ cũng như công cụ, nhưng theo mình, giấy mực và viết tay vẫn là đơn giản và hiệu quả nhất. Nhiều lúc, mình thấy các bạn học sinh sinh viên vào Starbucks ngồi thường xuyên với máy tính và bạn bè, nhưng xong toàn tán gẫu, hay lên Facebook check và comment liên tục.
Tất nhiên, đối với thế hệ các em sau này, việc học bằng máy tính hay iPad đã trở nên quá bình thường, từ khi còn rất nhỏ. Ngay cả những bài thi standardized tests như TOEFL, SAT, GMAT giờ cũng bằng máy tính. Nếu bạn thấy nó là phù hợp, có hiệu quả cho bản thân thì vẫn nên vận dụng. Nhưng đừng đua theo trend chỉ vì mọi người chung quanh nên làm, dù nó không có tác dụng tốt với mình.
Tóm lại, mình không khuyên các bạn đi ngược lại dòng chảy của công nghệ hiện đại. Nhưng việc sử dụng công cụ vẫn còn khá mới, và hiệu quả có cao hơn cách học truyền thống hay không thì còn chờ lịch sử trả lời.
Thiên tài là 1% từ năng khiếu và 99% từ sự lao động cần cù.
Genius is 1% talent and 99% hard work…
Albert Einstein
Giáo sư tiến sĩ Barbara Oakley đã viết sách và phát triển một khoá học miễn phí về chủ đề Học cách để học- Learning to learn, mình thấy khá thú vị. Ngẫm lại, bản thân mình cũng đã dùng những cách này để giúp bản thân qua nhiều năm trường lớp.
Học từ từ, không học dồn
Sau mỗi giấc ngủ, não bộ của bạn sẽ có thời gian sàng lọc, phát triển mạng lưới neuron để lưu trữ thông tin hiệu quả và dài lâu hơn. Khi học dồn, bạn chỉ có 1 đêm để não bộ hoàn thành công việc này, dẫn đến kém hiệu quả trong việc học và nhớ lâu.
Hơn nữa, nhiều nghiên cứu còn gợi ý rằng một ngày chúng ta làm việc hiệu quả nhất chỉ trong 4 tiếng. Tất nhiên là học hay làm việc liền tù tì 10 tiếng cũng được, nhưng hiệu suất sẽ giảm sau 4 tiếng, vì vậy hãy ôn bài rèn luyện sau mỗi lớp học, hàng tuần, chứ đừng chờ đến khi thi mới hấp tấp luýnh quýnh nhé.

Ngủ đầy đủ, không thức trắng đêm
Giấc ngủ cực kì quan trọng trong việc giúp não bộ nghỉ ngơi, hồi phục. Khi bạn học nhồi nhét đã đời, nghĩ là ngủ sợ quên nên thức trắng, thì dù có nhớ kiến thức đi chăng nữa thì đầu óc cũng chậm chạp trong việc vận dụng khi thi. Mình cũng từng là dân thức đêm, có vài kì thi mình ở nguyên ngày trong thư viện, không dám về nhà ngủ vì sợ không đủ thời gian ôn thi, hay sợ ngủ dây kiến thức sẽ quên.
Mình nhận ra rằng những lo lắng đó là thừa, vì khi ngủ dậy, bạn vẫn có thể dành 15 phút nhìn qua hết bài vở, rồi tự tin vào thi vì não bộ đã làm phận sự của nó rồi. Còn hôm nào mình thức trắng đêm, thấy đầu óc chậm chạp hơn hẳn.
Nên thay đổi chỗ ngồi học
Việc thay đổi chỗ ngồi học thay vì chỉ cày đúng 1 vị trí duy nhất giúp tránh việc mình phải vào đúng không gian đó mới tiếp thu được, còn chỗ lạ thì không làm được gì hết. Khi ở trường đại học nhiều không gian, mình thường xuyên chuyển từ góc này sang góc khác, lầu này sang lầu khác, và bàn học trong thư viện, chui vào phòng học trống ban đêm, ôn bài ở kí túc xá với bạn.
Điều này đặc biệt quan trọng với người học visual như mình. Vì nếu không giúp não bộ thích ứng, đến khi vào phòng thi không giống chỗ ngồi ở nhà sẽ khiến hồi hộp lo lắng sợ quên.
Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!
-Ngọc Bích, PharmD, RPh
- Học sao để đứng đầu lớp (Phần 1): Sống sót trường dược, sắp xếp kiến thức hiệu quả
- Học sao để đứng đầu lớp (Phần 3): Đừng tưởng ngủ ít là hay và kĩ năng chọn lọc ưu tiên quan trọng
- Du học Mỹ- 5 cách học ai cũng cần biết
- Chiến lược và kĩ năng học ở Mỹ hiệu quả
Các bạn có thể tham khảo thêm
10 ý tưởng giúp học tốt (File PDF)
Bài phỏng vấn bà Oakley trên Quartz
Khoá học online trên Coursera: Learning how to learn