Ông Tim Cook, CEO của Apple, thức dậy trước 4 giờ sáng mỗi ngày. Diễn viên Jennifer Aniston dậy lúc 4 rưỡi sáng để ngồi thiền, và cựu phu nhân tổng thống bà Michelle Obama cũng dậy giờ này để đi gym. Một số người nổi tiếng khác như Steve Harvey còn nói “Người giàu không ngủ 8 tiếng một ngày”.
Việc ngủ ít được ca tụng như một life hack giúp chúng ta làm việc hiệu qủa hơn và làm giàu giỏi hơn không phải hiện tượng mới từ các nhà tỉ phú, mà từ thời ông Thomas Edison đã bảo “Tôi chỉ cần ngủ 4 tiếng”. Nhưng thật ra ông ấy quên không đề cập việc ổng ngủ trưa thường xuyên. Việc những người nổi tiếng, giàu có khoe việc ngủ ít khiến mọi người ngưỡng mộ hay làm theo khá là tai hại, vì đa số người bình thường sẽ gặp nhiều vấn đề sức khoẻ nếu thiếu ngủ như vậy.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ta không ngủ đủ giấc?
Trong một nghiên cứu khoa học từ University of Pennsylvania và trường y khoa Harvard, những người ngủ ít hơn 6 tiếng một đêm có kết qủa làm việc giống như không ngủ 2 ngày. Một nghiên cứu khác ở trường đại học Chicago theo dõi một nhóm người chỉ ngủ 4 tiếng một đêm trong 6 ngày liền. Họ nhanh chóng sản xuất ra nhiều hormone stress, huyết áp tăng, và có khả năng chống lại cúm yếu hơn.
Giáo sư Czeisler ở trường y khoa Harvard chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ, gọi việc ngủ ít dậy quá sớm là giết chết khả năng hoạt động “performance killer”, ngủ thường xuyên 4 tiếng một đêm chẳng khác nào thức trắng trong vòng 24 tiếng.

Vậy ngủ đủ 8 tiếng nhưng thức dậy 4 giờ đêm có hết tác hại không?
Các chuyên gia cho biết, con người ta có cơ chế sinh học không quen thức dậy sớm như vậy. Nếu cố gắng đẩy nhanh, hoặc làm chậm hơn đồng hồ sinh học của cơ thể, sẽ có tác hại cũng giống như ngủ không đủ.
Các lợi ích của việc ngủ đủ giấc
Một nghiên cứu chỉ ra rằng việc thiếu ngủ dẫn đến hệ miễn dịch yếu và dễ bị cảm. Thiếu ngủ còn có thể dẫn đến việc tăng cân. Nếu ngủ dưới 7 tiếng một đêm, chúng ta có thể dễ tăng cân vì thiếu ngủ dẫn đến thiếu cân bằng hormone, ảnh hưởng đến việc thu nạp vào đào thải năng lượng. Thiếu ngủ còn dẫn đến trầm cảm, hay lo lắng, và các bệnh tâm lý này cũng sẽ dẫn đến nhiều mất ngủ hơn.
Mình có nói trong bài về luyện thi là ngủ không đủ giấc tai hại vô cùng, đừng nghĩ thức đêm nhồi nhét mà bù lại được, vì khả năng suy nghĩ sẽ chậm hơn nhiều. Tóm lại là, liều thuốc giúp sống lâu, ít bệnh tim mạch, béo phì, trầm cảm mà lại miễn phí- hãy ngủ đủ giấc.
Kĩ năng chọn lọc ưu tiên đi cùng với quản lý thời gian- prioritization & time management skills
Nếu cái nào cũng quan trọng thì chẳng có cái nào quan trọng hết! Prioritization skill là một trong những kĩ năng cực kì quan trọng trong, không chỉ giúp bạn thành công ở trường lớp, mà hầu như người phỏng vấn lúc nào cũng sẽ nhắm vào kĩ năng prioritization của bạn.
Trong công việc, prioritization skill giúp bạn biết project nào là quan trọng, cần dành nhiều thời gian và bàn bạc với nhiều người, cần báo cáo thường xuyên hơn với sếp, project nào có thể làm sau, ít chú ý hơn. Nghe đơn giản, chứ nhiều người không biết cái nào phải ưu tiên, dẫn đến ôm một đống rồi bị ngợp, chẳng làm nên cái nào hay hỏng việc hết.
Trong học tập, prioritization đối với từng lớp để sắp xếp đủ thời gian học, đối với hoạt động ngoại khoá để chú tâm nhưng không lơ là, biết lúc nào học lúc nào chơi lúc nào xã giao. Lớp nhiều tín chỉ (credit) thì chú tâm hơn vì nó ảnh hưởng nhiều đến GPA, hoạt động ngoại khoá nào giúp rèn luyện kĩ năng lãnh đạo thì cần đầu tư thêm giờ và công sức, v.v.

Đôi khi có càng nhiều việc để làm, chúng ta sẽ quy củ và hiệu quả hơn
Academic advisor của mình từng khuyên khá đúng. Đối với những ai chưa quen cách học đại học ở Mỹ, sẽ thấy sao nhiều thời gian nhưng không ai sắp xếp cho mình. Vì ngoài giờ lên lớp, còn lại là bạn hoàn toàn tự quyết định, chứ không có lớp học thêm phải chạy theo, hay ba mẹ thầy cô vẽ sẵn phải làm gì. Và nếu bạn không tự biết và sắp xếp được để nắm lấy cơ hội phát triển bản thân, bạn sẽ thụt lùi lại sau bạn đồng lứa rất nhanh.
Quản lý thời gian với sự giúp ích của công cụ
Mình ghi từng thứ phải làm vào lịch máy tính (Outlook Calendar hay các bạn sinh viên dùng Google Calendar). Lịch không chỉ giúp bạn nhớ khi nào có meeting, họp nhóm ban đêm, chừng nào thi, deadline bài vở ngày nào tháng nào. Có lịch hoạt động hàng ngày giúp mình có động lực hơn khi nào phải làm bài tập, môn này cần mấy tiếng.
Nếu không khi ra, chúng ta hay nhởn nhơ, câu giờ procrastinate. Đến giờ học thì tự giao kèo với bản thân thôi xem nốt tập phim này đã đang gay cấn. Nếu không ghi ra, bạn sẽ không biết sợ rằng có môn học cần đến cả 5-10 tiếng để làm bài tập và học kiểm tra trong tuần và sắp xếp làm dần. Nước đến chân mới hốt hoảng không còn thời gian.

Bạn thấy đó, khi xếp ra hết ta mới thấy một tuần thời gian không có nhiều, còn ăn uống, ngủ nghỉ, thư giãn, giao tiếp xã hội nữa. Mỗi người sẽ có một style quản lý thời gian khác nhau. Theo mình, ghi ra chưa chắc đã có đủ động lực làm theo. Nhưng không sắp xếp gì hết thì nhiều phần dẫn đến quên này kia, không quy củ, khó thành công.
Xếp ngăn- Compartmentalization
Là người cả lo, mình có tính cái gì cũng lo, lúc đang làm chuyện này thì lo chuyện khác, khi đi ngủ vừa nhắm mắt thì lại nghĩ đến ngày mai mốt phải làm gì. Xếp ngăn đối với mình là đặt ra luật- khi đi làm thì không nghĩ đến đi học, trừ giờ trưa hay sau giờ làm việc. Khi làm bài tập ở nhà thì không nghĩ chuyện đi làm. Chủ nhật ở nhà chơi đi dạo ăn uống với ông xã thì không nghĩ chuyện học hay làm. Phải đặt ra luật cho bản thân như vậy mình mới có thể yên ổn và chuyên tâm làm cái nào ra cái đó.
Một mẹo của mình là viết hết ra. Lúc nào trong đầu ôm nhiều thứ quá thì lấy tờ giấy viết hết ra- từ chuyện trường học, chuyện phải làm ở nhà như dọn phòng, đi chợ, trả đồ mua online, đi bác sĩ, sinh nhật bạn, v.v. Một khi viết hết ra rồi thì bạn không cần phải nhớ và sợ quên, có thể làm dần, gạch nó ra khỏi list.
Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!
-Ngọc Bích, PharmD, RPh
Nguồn: Bài viết trên The New York Times về giấc ngủ