Từ ngày bước chân đi là đã vất vả hơn nhiều rồi

Cơm cha áo mẹ ăn chơi
Cất bát cơm người đổ bát mồ hôi

Lúc mình học lặn phải tập nín thở dưới nước lâu, thầy bảo khi em cảm thấy hết hơi và muốn trồi lên ngay, thật ra không phải vì em không còn đủ oxy, mà phần lớn vì CO2 trong phổi tăng lên, em có cảm giác sợ hãi. Và em để sự sợ hãi trong đầu chiến thắng giới hạn thể lực của em. Đi du học cũng thế, nhiều khi hết sức, hết tiền, không còn đủ sự chịu đựng, bạn nghĩ không đi tiếp nổi nữa thì hãy tự hỏi có phải đó chỉ là khí CO2 xâm chiếm và bạn sợ hãi hay không. Thật ra mỗi người có giới hạn XA HƠN NHIỀU so với mức bản thân nghĩ, chỉ cần hít thở, can đảm bước tiếp thì bạn sẽ nhận ra.

Lúc đi giao lưu văn hóa năm lớp 10, host mom lúc nào cũng ngạc nhiên sao con bé người Việt tí teo mà ăn khỏe thế, vừa tan trường 3 giờ chiều về là ăn, đến tối lại xơi thêm một bữa đủ. Thật ra năm đó ngày nào mình cũng không ăn trưa. Nhịn đến tan trường rồi mới về nhà ăn cho tiết kiệm. 10 năm nay chưa khi nào mình ăn một bữa mà không quy đổi trong đầu xem ở Việt Nam là bao nhiêu tiền, có đáng không, ở nhà ba mẹ có được ăn như vậy chưa thì tại sao mình lại phung phí. Chưa khi nào mình hết lo lắng về tương lai ngày mai ra sao. Từ ngày bước chân ra khỏi nhà cha mẹ là cuộc đời đã vất vả hơn nhiều rồi.

Nhiều người khi đi du học ít ai muốn kể khổ, vì không muốn gia đình lo hay tỏ ra yếu đuối trước mặt bạn bè. Nhưng mọi người nên biết cuộc sống xứ người nhiều góc tối chứ không chỉ tốt đẹp bên ngoài như báo chí hay lời truyền miệng. Vừa bước chân đến Mỹ mình được xếp vào gia đình host rất tệ, ở 2 tháng không được muốn dọn đi thì tức khắc bị đuổi ra khỏi nhà, không cho cả thời gian kịp dọn đồ đạc. Trong 3 năm mình dọn nhà tới lui 4, 5 lần, ở với người lạ hay người quen cũng cực, có lúc đi học bị ông già đáng tuổi ông ngoại gạ gẫm sợ chạy không kịp thở rồi không bao giờ dám quay lại trạm xe buýt đó nữa. Mỗi lúc nhìn các bạn khác kể về thời gian học cấp 3, về những kỉ niệm năm tháng đẹp nhất đời, mình buồn. Vì đối với mình, những năm tháng đó là thời gian không bao giờ muốn nhớ đến nữa như sự việc đó chưa từng xảy ra trong kí ức của mình.

Trường cấp 3 mình rất nhỏ, ít hoạt động để tham gia, mà tham gia gì cũng tốn tiền nên mình chỉ đi học rồi về nhà, dành thời gian cố gắng tình nguyện chỗ này kia để có cái mà nộp đơn vào đại học. Thi SAT, TOEFL tự ôn, trường tự tìm, đơn xin vào đại học tự điền, tự viết cả phần của bố mẹ. Lên đại học, cũng giống như nhiều bạn du học cố gắng trang trải, mình tranh thủ tìm được 2-3 công việc, cái thức đêm, cái dậy sớm đi làm đỡ tiền ăn ở. Thời đó có tiền đi học là may mắn rồi, đâu dám ước ao gì hơn. Được 5 năm sau em mình cũng đi du học. Lúc này cuộc sống khá hơn được vào trường nội trú to hơn cả trường đại học, có thầy cô bạn bè nói tiếng Anh, phòng lab hiện đại, được tham gia thể thao, đơn vào đại học có người kèm cặp sửa câu chữ, luyện thi. Mình cũng đôi khi ghen tị một tí, vì hay ao ước nếu được như thế thì có lẽ sự phát triển tiềm năng và lối đi cuộc đời của mình sẽ khác đi rồi.

Nhưng thôi cuộc đời mỗi người một nghĩa vụ và số phận riêng. Mình chỉ có thể thay đổi được những gì trong tầm tay, nếu chúng ta cứ ngồi ước ao cuộc sống mình được như người khác thì mãi mãi sẽ không hạnh phúc. Người trong một gia đình mà số phận lại còn khác nhau, chị em họ hàng sinh cùng năm lớn lên cùng nhà mà người sung sướng người vất vả, cùng đi du học nhưng bạn chắc chắn sẽ thấy có người nhịn đói, người vi vu du lịch khắp nơi. Chẳng ai chọn được nơi mình sinh ra và số phận mình sẽ ra sao. Chúng ta cần có “perspective”, cần phải nhìn sự việc bằng quan điểm khác lạc quan hơn. Mình luôn tự nhắc bản thân lúc nào trên thế gian này cũng có người thiếu thốn vất vả hơn rất nhiều. Chúng ta có quyền ngồi than thở một chút, bình tâm lại, nhìn xung quanh, rồi đứng dậy bước tiếp. Mỗi tối trước khi ngủ mình hay ngẫm nghĩ và cảm thấy biết ơn vì có mái nhà che đầu, có cơm ăn, có cái giường tối về ngủ, có niềm hạnh phúc được đi học mỗi ngày. Còn dám mong gì hơn.

sunset-summer-beauty-golden-hour.jpg

Các bạn đừng nản lòng khi cuộc sống nơi xứ người vất vả. Bạn dám bước chân ra khỏi ngôi nhà của cha mẹ, TỒN TẠI và SỐNG một mình là đã dũng cảm rồi. Đi nghĩa là bạn phải từ bỏ tuổi thơ sớm hơn một tí, và thành người lớn nhanh hơn rất nhiều. Nỗi cô đơn, nhớ nhà, tủi thân, sự thiếu thốn, hay một chút ganh tị với người khác là điều không tránh khỏi. Nhưng bạn không một mình đâu. Cũng có nhiều đứa như mình đây lâu lâu ngồi khóc hu hu, xong lại sắp xếp tập vở vào thư viện chiến đấu tiếp. Hay sau khi lết qua những kì nghỉ trong kí túc xá vắng hoe một mình, thì vào học với bạn bè vui vẻ trở lại. Bây giờ đi làm rồi mình vẫn sống tiết kiệm như khi đi học, vì không khi nào hết lo lắng về tương lai và gia đình, lúc nào cũng cần phải cố gắng nên cuộc sống thế này là hạnh phúc rồi.

Không có điều gì đáng có đến một cách dễ dàng. Cứ lao động hết mình và sống tốt thì cuộc đời sẽ đền đáp. Đường còn dài, cố lên nhé!

Ngọc Bích

Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!

Advertisement

9 thoughts on “Từ ngày bước chân đi là đã vất vả hơn nhiều rồi

  1. Dung nhu chi noi. Khong co gi de dang ca. Em dang tung trai qua nhung gi chi chia se. Nhieu luc muon tu bo nhung roi Co gang vuot qua. Chuc chi dat duoc nhung gi minh mong uoc!

    Liked by 1 person

    1. Cảm ơn em 🙂 Chúc em nhiều sức khoẻ và may mắn trên con đường của mình

      Like

  2. Em rất ngưỡng mộ và trân trọng những người dám “bước đi” như chị. Em thực sự muốn tự lập để tìm giới hạn của bản thân, muốn biết mùi “khổ” là như thế nào, nhưng lại không có cơ hội, một phần vì bị bố mẹ quan tâm quá mức, một phần là do em không biết phải bắt đầu từ đâu. Nếu có cơ hội được gặp chị ở Mỹ, đó thực sự là một vinh hạnh cho em 🙂

    Liked by 1 person

    1. Bố mẹ chị hồi xưa cũng quan tâm lắm không bắt làm gì hay bắt chịu khổ đâu, nhưng khi quyết định đi rồi cái gì cũng tự làm mới nên người được. Nếu em thật sự muốn thì nên cố gắng thử tìm cơ hội học tập/làm việc ở nơi khác để thử thách bản thân và mở rộng tầm nhìn 🙂 There’s a will, there’s a way. Cảm ơn em đã theo dõi blog nhé

      Like

  3. Tu luc qua My den gio la 7 nam ma em chuyen nha cung 10 lan roi. Co nhung luc nan chi khong tuong duoc. Nhat la khi khong dat duoc nhung gi minh muon. Nhung ma nhin lai thay minh co co hoi duoc hoc tap thi em tu noi voi minh phai co gang hon nua!

    Liked by 1 person

  4. Hi Tiny, chị đọc bài này và bài nói về lĩnh vực Medical Afairs của Tiny thấy rất thích. Chị đã học bên ngành Dược ở VN và đi làm một thời gian rồi. Chị từng làm bên mảng Regulatory Afairs và cũng thích làm về training bên Medical lắm. Hiện tại chị rất muốn được ra nước ngoài để bổ sung kiến thức và mở mang thêm một chút về bên ngoài.
    Không biết là Tiny có biết một số khoá học bổ sung nghiệp vụ/chuyên ngành ngắn hạn nào để có thể hỗ trợ trong công việc mảng Medical Affairs không? Chị dự tính sang Úc thời gian ngắn khoảng 3-6 tháng trước khi về lại Việt Nam để apply vị trí này. Hy vọng Tiny có thể tư vấn thêm giúp chị với nhé, chị đang rất là băn khoăn và rối ren quá 😓. Chị cám ơn Tiny trước nhé.

    Like

    1. Chào chị. Theo em biết từ kinh nghiệm đi làm thì không có training ngắn hạn cho Medical Affairs vì phần nhiều là kĩ năng mềm và on-the-job training chứ không có khoá học structure đầy đủ. Và mỗi công ty đều khác nhau về cách họ sắp xếp Medical Affairs.
      Cách tốt nhất em có thể nghĩ đến là trong công ty chị đang làm, chị cố gắng xin additional project hoặc là như “tour of duty” trong bộ phận medical affairs một thời gian ngắn (1-3 tháng gì đó). Vì cùng công ty nên có thể họ sẽ dễ dàng cho cơ hội để chị develop professionally.

      Medical Affairs ở thị trường Việt Nam cũng chưa phát triển lắm nên thường là chỉ có bác sĩ làm chứ ít dược sĩ, em cũng không biết công ty chị thế nào?
      Cảm ơn chị đã theo dõi blog 🙂

      Like

      1. Hi Tiny, cám ơn Tiny đã reply chị nhé! Blog Tiny có rất nhiều thông tin thú vị và thiết thực, chị sẽ tiếp tục đón đọc những bài viết khác của Tiny nữa đó, thanks Tiny đã chia sẻ với mọi người nhiều thông tin bổ ích! 🙂

        Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s