Entrepreneurship hay start-up có thể bạn đã nghe nhiều. Nhưng đây là lần đầu tiên mình nghe về intrapreneurship. Nó nghĩa là gì?
Hình trên là hai đại sứ One Young World, Tim Heard và David Spears là một trong những thanh niên đi đầu về Intrapreneurship. Hai người đều làm cho Barclays, một công ty rất lớn ở Mỹ. Họ luôn khao khát được giúp đỡ cộng đồng, nhưng vẫn rất yêu thích công việc của mình. Họ đã cân bằng hai đam mê đó như thế nào?
Social Intrapreneurship là khi những người làm việc cho các công ty lớn dùng những yếu tố có sẵn trong công ty để giải quyết những vấn đề xã hội. Với nhiều start-up, ta hay thấy mọi người bỏ hẳn công việc chính thức của mình để toàn tâm toàn ý làm start-up, không có hai chân đi hai đường. Còn hai anh bạn trẻ này hỏi: Nếu chúng ta yêu thích công việc và sự nghiệp của mình, tại sao ta không thể mang tinh thần start-up vào trong môi trường công ty lớn. Nếu bạn là người quan tâm sâu sắc đến các vấn đề xã hội, tại sao khi đi làm bạn phải bỏ lại bản thân ở nhà?
Ví dụ về Intrapreneurship
Tim và David đưa ra một project mà họ đang phát triển, chương trình Round Up, nôm na là “làm tròn”. Khi mọi người sử dụng thẻ ATM hay thẻ tín dụng để mua hàng và đồng ý dùng Round Up, số dư sẽ được làm tròn (như 4.5 đô thành 5 đô), 50 cent đó sẽ được đóng góp vào quỹ từ thiện. Ở Anh có 23 triệu thẻ tín dụng, họ hi vọng một khi project này đưa vào hoạt động, tiềm năng sẽ huy động được hàng triệu đô mỗi năm.
Một ví dụ khác là ở công ty Accenture, một công ty consulting lớn và nổi tiếng thế giới, có chương trình Accenture Development Partnership. Nếu bạn có biết về thế giới consulting, bạn sẽ biết là công việc đòi hỏi rất cao, phải di chuyển nhiều, một tháng ở khách sạn nhiều hơn ở nhà. Vì thế nhân viên rất dễ chuyển ngành sau một thời gian ngắn vì bị quá tải. Để giữ nhân viên lâu hơn, công ty cho phép họ dành thời gian trong giờ làm việc để đi consult miễn phí cho các tổ chức từ thiện, NGOs và nhận lương thấp hơn một tí. Bù lại, nhân viên cảm thấy mình làm được việc tốt giúp đỡ cho những người cần chuyên môn của họ và cảm thấy hứng thú với công việc và ở lại công ty lâu hơn.
Vài lời khuyên dành cho các bạn trẻ
Ở One Young World, mình được dịp vào Breakout group do hai anh này hướng dẫn. Hội trường chia thành nhiều nhóm và trong 20-30 phút phải nghĩ ra một ý tưởng cho social intrapreneurship, tận dụng kiến thức và quan hệ từ các thành viên trong nhóm. Tim và David đã có những lời khuyên như sau:
- Có một business case– Have a business case: Ý tưởng của bạn phải có ảnh hưởng tốt phần nào đến công ty mà bạn làm, ví dụ như ảnh hưởng về tiếng tăm khiến hình ảnh của công ty tốt hơn
- Phải có một ý nghĩa xã hội– Have a social purpose
- Phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng– Know what your customers want
Một điểm quan trọng nữa là phải biết cách pitch ý tưởng của bạn cho các sếp trên để nhận được sự ủng hộ. Hãy dùng những từ ngữ “sexy” để thu hút sự chú ý, và để sếp bạn có thể đi thuyết phục sếp của anh/chị ấy dể dàng. Vài tips khác:
- Có thể họ nói không, nhưng đó không có nghĩa là cánh cửa đã đóng hẳn. Hãy thử vào dịp khác, hoặc cách khác.
- Nếu sếp trực tiếp không có hứng thú, bạn có thể “vô tình” nhắc đến với một sếp khác, hay sếp của sếp, biết đâu họ sẽ muốn tìm hiểu thêm. Rồi bạn sẽ có sự ủng hộ từ trên xuống nếu biết khéo léo
- Tangible vs. tacit support: Nếu sếp nói “uh ok” rồi thôi, đó là tacit support. Bạn hãy hỏi cụ thể hơn “anh/chị có thể giúp em A, B, C được không” và nhận được sự đồng ý từ họ. Đó mới là tangible support.
Intrapreneurship khác với entrepreneurship ở chỗ nó khó hơn để bắt đầu vì bạn bị ràng buộc bởi luật lệ và quy trình của công ty, nhưng vì tầm ảnh hưởng và tầm vóc của công ty lớn, nên một khi đã bắt đầu thì bạn sẽ dễ dàng phát triển hơn (scale up).
Năm ngoái, hai anh bạn trẻ này đã thành lập nên Circle of Young Intrapreneurs, để những người cùng chí hướng kết nối và học tập lẫn nhau. Mình khuyến khích các bạn hãy tìm hiểu thêm về chủ đề này và thử xem có thêm ý tưởng nào để giải quyết vấn đề xã hội xung quanh ta 🙂