Gender Equality: Không chỉ là vấn đề của phụ nữ

Có thể bạn đã nghe nhiều về Feminism hay những người tự xưng là Feminist. Đó là phong trào quyền phụ nữ và những người ủng hộ phong trào đó. Tuy nhiên vài năm gần đây, những ai tự gọi mình là feminist sẽ bị ném cho những cái nhìn thiếu thiện cảm, vì mọi người cho là feminist là những phụ nữ không thèm chăm chút bên ngoài theo như xã hội muốn, họ căm ghét đàn ông, hay phàn nàn về những vấn đề xã hội. Từ từ có vẻ như ít người tự nhận mình là feminist hơn.

Đó là họ đã hiểu sai. Ai ủng hộ quyền phụ nữ được bình đẳng sẽ hiểu, tất cả những gì chúng ta muốn là được đối xử như một con người bình thường trong xã hội, được đi học, đi làm và thăng tiến, được trả lương bằng đàn ông trong cùng một công việc, nghỉ sinh chăm con mà không phải lo lắng mất việc, ra đường một mình không sợ bị quấy rầy hay nguy hiểm cho bản thân.

Nhưng bạn thấy đó, trong blog mình đã không ít lần viết về sự phân biệt đối xử, trong hành động cũng như tiềm thức, đối với phụ nữ. Từ việc chỉ chú trọng đến phụ nữ, phong trào Gender equality bao gồm cả bình đẳng cho đàn ông, để họ không phải bị ràng buộc vào khuôn mẫu giới tính (stereotype) xưa nay như “trụ cột gia đình”, đi làm mang tiền về nuôi cả nhà, đàn ông không được yếu đuối, v.v. Trong một xã hội lý tưởng, đàn ông sẽ được nghỉ khi vợ sinh con bằng với thời gian vợ nghỉ, hoàn toàn thoải mái ở nhà chăm con khi vợ đi làm, không sợ bì dè bỉu là “núp váy vợ”.

Những người trẻ đã làm được gì cho Gender Equality?

Ở One Young World, nhiều bạn trẻ tường trình về những gì họ đã làm được trong cộng đồng để giúp các em gái được đến trường, hướng dẫn (mentor) cho các em tự tin, rèn luyện kĩ năng, chọn nghề nghiệp. Câu chuyện mà mình ấn tượng nhất là từ chị Lina Khalifeh đến từ Jordan. Cô gái 30 tuổi tên Lina đã sáng lập ra SheFighter, câu lạc bộ gym đầu tiên ở đất nước này chuyên rèn luyện kĩ năng tự vệ cho phụ nữ. Nếu bạn nghĩ đó là bình thường thì hãy biết rằng ở Jordan và nhiều nơi ở vùng Trung Đông, phụ nữ phải sống dưới một xã hội với những luật lệ vô lý và khắt khe. Có trường hợp người phụ nữ bị hãm hiếp sẽ bị ném đá đến chết hoặc bị gia đình giết chết, và có luật đề rằng nếu kẻ hãm hiếp lấy nạn nhân làm vợ thì mọi tội lỗi sẽ được xoá hết, và cô gái đó sẽ bị kẻ tội phạm kia tiếp tục hãm hiếp cả đời.

SheFighter.jpgỞ trong xã hội như vậy, Lina cảm thấy mình phải làm điều gì đó để giúp phụ nữ có thể tự bảo vệ bản thân khỏi tội phạm và cả những ông chồng hay đánh đập. Tập võ từ năm 15 tuổi, Lina biết rằng ngoài khả năng tự vệ, cô còn tự tin hơn, không luôn sống trong sợ hãi. Sau khi chứng kiến người bạn thân bị anh trai đánh đập, cô thành lập SheFighter năm 2012 trong tầng hầm nhà của bố mẹ. Đến nay, SheFighter đã huấn luyện cho hơn 3000 phụ nữ ở Jordan. Cô mở rộng ra nhiều thành phố khác, các lớp ngắn hạn tại các trường đại học, và đã được cả Tổng Thống Obama khen ngợi năm 2015.

Ở One Young World, khi được hỏi về một kỉ niệm thú vị trong quá trình này, Lina nói năm ngoái cô đã bị kiện. Một học viên của lớp khi bị chồng quát mắng doạ đánh đã tự bảo vệ mình và trong lúc cãi vã đã tát chồng. Ông chồng này lại là luật sư, và quyết định kiện Lina vì đã dạy võ cho vợ mình. Ở Jordan có cả luật xử phạt người phụ nữ tội đồng loã khi dám ủng hộ bạn mình li dị chồng. Và ông luật sư dựa vào luật này mà kiện Lina tội liên quan. Đọc thêm về SheFighter ở đây.

Ở One Young World, Lina đã được gặp Emma Watson và còn tranh thủ dạy chị diễn viên này vài chiêu 🙂

emma-watson-stills-at-shefighter-training-with-lina-khalifeh-in-ottawa-photos-01-1200x801.jpg

Con đường phía trước

Theo mình, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm để một ngày con cháu được sống trong một thế giới bình đẳng hơn. Tuy bây giờ chưa làm được gì nhiều, nhưng đam mê của mình là giúp phụ nữ hiểu biết hơn về chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ bản thân khỏi phân biệt đối xử, giúp các em gái theo đuổi và thực hiện ước mơ trong sự nghiệp chứ đừng chỉ bằng lòng với những gì xã hội hay gia đình cho là đủ. Emma Watson nói một câu mình tâm đắc: “Trong những lúc hoài nghi bản thân, tôi tự nhủ với lòng rằng: Nếu không phải tôi, thì là ai? Nếu không phải lúc này, thì khi nào?” Sự thay đổi trên thế giới không cần phải chờ đợi, chính bạn sẽ là người tiếp theo thay đổi thế giới.

In my moments of doubt, I’ve told myself firmly…
If not me, then who? If not now, then when?
-Hoàng Ngọc Bích- One Young World Ambassador 

one-young-world-ribbon

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s