“No one leaves home unless Không ai rời quê hương trừ khi
home is the mouth of a shark… quê hương là miệng cá mập…
no one puts their children in a boat không ai đặt con mình lên chiếc thuyền
unless the water is safer than the land. trừ khi biển cả an toàn hơn đất liền.”
– Nhà thơ Warsan Shire
Người tị nạn trước nhất là người
Ở Mỹ, dịp bầu cử này đã khơi dậy những nỗi sợ về người nước ngoài (xenophobia) và người tị nạn, so sánh họ với khủng bố, với rắc rối, nhiễu loạn. Khi ứng cử, Donald Trump hứa hẹn sẽ xây một bức tường giữa Mỹ và Mexico, cấm người Hồi Giáo vào Mỹ, và thường xuyên nói những điều không tốt về người tị nạn. Ngày này qua ngày khác nghe những lời lẽ tiêu cực như thế này khiến mọi người sợ hãi rằng người tị nạn toàn là dân khủng bố, mang đến nguy hiểm cho nước Mỹ.

Ngược lại, ở One Young World, mình được tận tai nghe những bạn trẻ tị nạn từ Syria và South Sudan. Họ kể về cuộc sống phải bỏ ngôi nhà với chăn êm nệm ấm đi tránh nạn, bị các nước khác hắt hủi trong sợ hãi. Có bạn từ năm 8 tuổi bỏ trốn South Sudan vào trại tị nạn ở Kenya và lớn lên ở đó hơn chục năm, được chọn vào đội Olympics của người tị nạn thi đấu ở Rio, sau khi thi lại trở về trại tị nạn tiếp tục sống. Vì lớn lên ở trại tị nạn, nên khi nhà tổ chức Olympics đến tuyển vận động viên, cô còn không biết Olympics là gì, Rio ở đâu. Các thành viên trong trại không biết đến cái tivi, cho đến khi tổ chức từ thiện mua tặng tivi để cả trại cùng theo dõi cô thi đấu.
Bạn hãy tưởng tượng trong thế kỉ 21 này mà vẫn còn hàng nghìn người không biết đến cái tivi, đến thế giới bên ngoài vì hậu quả của chiến tranh và mâu thuẫn. Lá cờ mà bạn thấy ở trên là lá cờ của người tị nạn, được thiết kế bởi Yara Said, một cô sinh viên vừa tốt nghiệp đại học ở Syria đã bắt đầu con đường tị nạn gần một năm trời qua 9 quốc gia khác nhau. Lá cờ màu cam với một vạch đen là biểu tượng của chiếc áo phao mà người tị nạn mặc khi vượt biển tìm nơi an toàn, nhiều người sống để mà nhớ về kí ức khủng khiếp đó, và nhiều người bỏ mạng cũng trong chiếc áo phao đó. Yara nói “it’s a powerful memory“.
Tại sao chúng ta nên quan tâm?
Có thể bạn nghĩ những mảnh đời này quá xa vời, chỗ mình làm gì có khủng bố, không phải đối mặt với người tị nạn vượt rào vào đất nước mình. Nhưng mình hi vọng các bạn vẫn nên quan tâm, vì hai lí do:
- Là con người sống trong một xã hội nhân văn, hãy biết quan tâm đến đau khổ của người khác. Hãy khóc cùng nỗi đau của những người mất gia đình, mất quê hương, mất mạng sống. Và hãy tìm hiểu thêm nguyên nhân đã dẫn đến những thảm hoạ này, thay vì nhìn hình người chết vùi trong đống đổ nát mà comment chia buồn rồi thôi. Chỉ khi hiểu biết về nguyên nhân và hậu quả, ta mới có thể học hỏi từ lỗi lầm của những nơi khác mà áp dụng cho hoàn cảnh của mình, để tránh những thảm hoạ tương tự
- Đừng nghĩ vấn đề quá xa về địa lí không ảnh hưởng đến bản thân. Hãy nhìn lại chỉ khoảng 40 năm về trước, chính người Việt Nam, Lào, Campuchia cũng là người tị nạn. Sau chiến tranh Việt Nam, các tổ chức nhân đạo trên thế giới đã giúp 1.3 triệu người tị nạn tìm được miền đất mới. Đừng vô tâm vì biết đâu mai này đến lượt mình và lúc đó ai sẽ quan tâm đến ta?
Trong video dưới, anh bạn trẻ bị mù người Syria tị nạn đã kết thúc buổi nói chuyện bằng một câu hỏi cho khán giả “Nhà là gì? Đối với mình nhà là nơi có bố ngồi dang tay bảo vệ cho mình. Hãy nghĩ đến khi bạn đi du học ở nước khác, nhà là đâu? Khi bạn nằm trên giường bệnh truyền thuốc cho căn bệnh hiểm nghèo, nhà mà bạn nghĩ đến là đâu? Khi bạn xa quê, cô đơn lạc lõng, nhà là đâu? … Thứ duy nhất mà người tị nạn muốn là một nơi họ thuộc về, một nơi an toàn để sống hạnh phúc, một nơi gọi là nhà“.
Trong hội trường ở One Young World, người tị nạn không còn là những hình ảnh đoàn người chạy loạn lạc, chen chúc lên chiếc tàu nhỏ vượt biển sang Tây Âu. Ở đây, trước mắt mình, họ là những con người với mỗi câu chuyện rất riêng, họ từng có gia đình, ngôi nhà, quê hương. Và đâu ai muốn phải rời bỏ quê hương vì sự an toàn tính mạng để trở thành kẻ lưu vong? Họ cũng như chúng ta, chỉ muốn có một nơi để gọi là NHÀ.