“Integrity is doing the right thing, even when no one is watching.”
-C.S. Lewis
Có bạn nào còn nhớ học về Đạo đức ở tiểu học? Có ai còn nhớ mình học những gì? Mỗi khi phải đối diện với một vấn đề về đạo đức, bạn dựa vào đâu để quyết định? Như mình, mỗi khi đối mắt với “moral dilemma”- tiến thoái lưỡng nan về đạo đức, thì mình sẽ dựa vào những giá trị đã được gia đình truyền dạy, nhìn vào cách sống của bố mẹ. Hơn nữa, từ khi sống ở Mỹ trong xã hội phát triển này, một phần lớn đạo đức của mình được hình thành từ xã hội văn minh.
Đạo đức ở xã hội Mỹ có những điểm nổi bật như thế nào? Theo mình, người Mỹ vô cùng trọng danh dự và chữ tín. Khi đi học, đi làm, bạn phải tự hiểu Honor Code là gì- đó là không nói dối, không gian lận, không trộm cắp, không làm những việc trái với đạo đức. Họ có thể sẽ không kiểm tra mỗi ngày xem bạn có vi phạm hay không, nhưng một khi đã phát hiện thì hình phạt rất nặng nề. Ví dụ em mình học trường nội trú, một học sinh bị phát hiện nói dối là đánh mất một dữ liệu để làm bài. Đến khi bị phát hiện thì trường đuổi học ngay. lập. tức. Không có cơ hội thứ hai. Cũng như chuyện visa ở Mỹ. Đến ngày hết hạn thì không ai tự đến nhắc hay đuổi bạn ra khỏi nước Mỹ, nhưng nếu đã ra khỏi và bị nhìn lại hồ sơ thì đừng mong có cơ hội khác. Không có nhờ quen biết, hay hối lộ, hay là thành viên tổ chức băng đảng nào mà được miễn tội cả.
Tất nhiên không phải ở Mỹ ai cũng tốt và có đạo đức tốt, nhưng nhìn chung phần lớn mọi người biết tự giác vì xã hội kì vọng mỗi công dân như vậy. Và xã hội sống làm gương cho công dân, khi những người có quyền chức làm sai thì luôn chịu trách nhiệm, đa số xin từ chức, còn sai nặng thì bị kiện vào tù. Những vấn đề đạo đức cá nhân vô cùng quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến đạo đức doanh nghiệp.
Lawful but awful- Hợp lệ nhưng tồi tệ
Ở One Young World, mình được nghe về đạo đức doanh nghiệp từ ông Emmanuel Lulin, Senior Vice President of Ethics ở L’Oreal. Chức này có lẽ ít ai nghe, vì thường công ty làm gì có lãnh đạo về đạo đức. Theo ông Emmanuel, vấn đề này cực kì quan trọng, đặc biệt trong thời điểm lên ngôi của “big data”- những dữ liệu khổng lồ, trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence), quản lý địa phương và toàn cầu.
Ông giới thiệu một trang web khá thú vị gọi là The Moral Machine, được tạo ra bởi đại học MIT. Đây là một ví dụ về trí thông minh nhân tạo của xe không người lái. Trong những trường hợp mà con người thường phải xử lí bằng cách cân bằng giữa lợi và hại, bây giờ máy móc đã bắt đầu thay thế chúng ta đưa ra những quyết định đó.
Như hình dưới đây, nếu chiếc xe đang chạy chở 5 người, sắp sửa tông vào một hàng người đi bộ cũng 5 người, thì chiếc xe nên tông vào đâm chết họ, hay tông vào tảng xi măng và 5 người trong xe mất mạng? Đây là một trong những scenario khá thật về việc áp dụng đạo đức trong đời sống hằng ngày.
Theo ông Emmanuel, chúng ta nên tránh những trường hợp “lawful but awful“, tuy đúng quy trình, đúng luật pháp, nhưng dẫn đến hậu quả tồi tệ. Đó là chưa nói đến những việc không hề đúng pháp luật hay quy trình, hay lúc cần thì đẻ ra quy trình để bắt bớ, uy hiếp người yếu thế, ăn chặn bòn rút tiền cứu trợ, v.v. Một xã hội không đạo đức vì những người dẫn đầu không đạo đức thì khó có thể hi vọng có những doanh nghiệp thực hành pháp luật, đừng nói gì đến doanh nghiệp phục vụ xã hội (social enterprise).
Tại sao chúng ta nên quan tâm?
Nếu bạn muốn đi du học, việc quan trọng là sống theo luật lệ của nước khác, trong khuôn khổ xã hội văn minh của họ mà trở thành công dân tốt. Đừng sống kiểu cái nào có lợi thì làm, miễn đừng bị bắt. Môi trường giáo dục và kinh doanh ở Mỹ rất đề cao danh dự, sự thật thà, và những ai sai phạm sẽ bị trừng phạt nặng nề, như mình có nói về plagiarism trong một bài khác. Một khi từng công dân có ý thức sống đúng đạo đức thì mới có hi vọng xã hội sẽ văn minh và đất nước phát triển để sánh cùng hàng với những quốc gia tiên tiến.
-Hoàng Ngọc Bích- One Young World Ambassador
“Đạo đức là một vẻ đẹp toát ra từ bên trong”
– Emmanuel Lulin, Senior Vice President về Đạo Đức ở L’Oreal