Bạn có bao giờ nghe về global warming? Bạn có tin vào hiện tượng trái đất nóng lên hay thay đổi khí hậu (climate change)? Ở một đất nước tiên tiến như Mỹ, thật khó tin rằng đây vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Vì sao? Vì nước Mỹ vẫn còn phụ thuộc vào dầu khí. Vì đất nước to, người dân chạy xe đi khắp nơi và dầu hoả vẫn còn rất rẻ, khiến xăng rẻ hơn nhiều so với việc đầu tư vào năng lượng tái sử dụng (renewable energy). Việc tranh cãi xem trái đất có nóng lên hay không là một việc vô nghĩa, vì dù bạn tin hay không tin thì nó vẫn đang xảy ra, môi trường vẫn đang bị huỷ hoại, và ta đang sống bằng những thứ vay mượn từ con cháu chúng ta.
Climate Justice: Thay đổi khí hậu không chỉ là vấn đề môi trường
Ở One Young World, mình còn được học thêm một concept mới: Climate Justice. Cựu tổng thống Ireland, bà Mary Robinson giải thích: ngày nay, khi nói về global warming, chúng ta hay hình dung đến một chú gấu Bắc Cực tội nghiệp thoi thóp trên một tảng băng vỡ, vì khối băng đã tan thành nước, cuốn đi nguồn sống, đất đai, ngôi nhà của nó. Nhưng ít ai nghĩ đến những đảo quốc nhỏ bị mực nước biển nhấm chìm, hay những người phụ nữ phải đi bộ xa hơn để mang nước về cho gia đình họ. Hiện tượng thay đổi khí hậu tác động tiêu cực nhiều hơn đến phụ nữ, đặc biệt là những người sống ở các nước nghèo hay đảo quốc (island states).

Vì vậy, thay đổi khí hậu không còn là vấn đề môi trường mà nó đã trở thành công lý khí hậu, làm sao để đảm bảo công bằng và nguồn sống cho những người và quốc gia bị ảnh hưởng. Nếu không làm gì cả, trong tương lai sẽ có một loại người tị nạn mới- climate refugee. Tị nạn khí hậu. Vì những quốc gia đóng góp nghiêm trọng nhất về xả thải carbon như Mỹ và Trung Quốc vẫn là những nước khá giàu có. Họ có đất đai, tài nguyên, tiền bạc. Trong khi đó, những quốc gia đóng góp ít nhất trong vấn đề tai hại này lại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (hãy nhìn hình minh hoạ trên). Những đảo quốc nhỏ nằm trên đại dương có thể sẽ biến mất trong vài chục năm tới vì mực nước biển dâng cao. Trước khi mất nước thì họ đã mất nguồn sống vì nước biển quá ấm dẫn đến san hô và động vật biển như cá tôm chết hết.
Các bạn trẻ đã làm gì cho đất nước họ?
Thay vì ngồi khóc lóc than oán các nước khác, một người mẹ trẻ ở Micronesia đã đi kêu gọi cộng đồng hãy thức tỉnh vì nguồn sống của thế hệ này và về sau. Cô ấy giúp tạo nên các máng thu nước mưa để dùng và giáo dục cộng đồng chuẩn bị đối phó với thảm hoạ môi trường. Một cô gái trẻ ở Sri Lanka mở lớp cho mọi người học nghề khác, vì một khi không còn đánh cá được nữa, ngư dân đảo này sẽ thất nghiệp và đói. Cô bắt đầu khuyến khích họ học lập trình, để một ngày nào đó phải rời quê hương vì mất nước, ít ra họ có thể trở thành công dân có ích ở một nước khác.
Tại sao chúng ta phải quan tâm?
Hãy đối mặt với sự thật là Việt Nam cũng đang và sẽ chịu ảnh hưởng của thay đổi khí hậu, của những hoạt động công nghiệp, ô nhiễm môi trường do xe cộ, do nhiên liệu dầu khí gây ra. Không còn không khí trong lành và nước sạch thì người chết, biển quá ấm hay quá ô nhiễm thì biển chết, nguồn sống của người dân và du lịch cũng chết theo. Ở Mỹ đang báo động về hạn hán quá dài ở California, về bão táp áp thấp nhiệt đới ở miền Nam, hay ngập lụt ở Florida, về động đất ở Oklahoma do khoan dầu fracking quá nhiều. Không ở đâu là an toàn!
Đừng nghĩ một người nhỏ bé không thể làm gì lớn để giải quyết vấn đề môi trường. Hiểu biết là bước đầu tiên. Hãy tìm hiểu tầm ảnh hưởng của thay đổi khí hậu đến môi trường sống của chúng ta, đến địa phương của bạn. Nếu bạn có thể thay đổi bản thân có ý thức hơn về môi trường, và khuyến khích gia đình bạn bè cùng những người xung quanh bạn quan tâm, thì mới có thể hành động cứu thế giới.