Shhhh…chuyện khó nói: Sức khoẻ giới tính

Sức khoẻ giới tính (sexual health) là một phần cực kì quan trọng để bảo vệ sức khoẻ và là những kiến thức tất yếu cho thanh niên nam nữ. Là một thanh thiếu niên ở Việt Nam, bạn đã biết là không có hệ thống giáo dục sức khoẻ chính thức để trang bị kiến thức giới tính cho người vị thành niên. Những nỗi sợ mơ hồ “vẽ đường cho hươu chạy” khiến mọi người giấu diếm ngại ngùng khi phải bàn đến vấn đề này. Nhưng sức khoẻ giới tính là một kiến thức cực kì quan trọng, vì không chỉ ở mỗi cá nhân, nó là một vấn đề sức khoẻ cộng đồng (public health) to lớn.

Hậu quả của việc không được trang bị kiến thức là sự lây lan của những bệnh tình dục phổ biếntrong xã hội, sự dè dặt không dám đi bác sĩ để tìm cách chữa trị, và dẫn đến nhiều ca vô sinh hay vấn đề khó khăn về sinh nở sau này. Các bạn gái và phụ nữ Việt Nam đặc biệt thiếu thốn kiến thức và lại gặp nhiều nguy hiểm trong vấn đề này, vì mọi người thường tránh tình dục trước hôn nhân nên nghĩ là mình không bị nhiễm bệnh. Nhưng một số bạn trai đàn ông thoải mái vui chơi trước khi lấy vợ nhưng không đủ kiến thức về bệnh tình dục sẽ là mối đe doạ đến sức khoẻ của họ, cũng như của chị em phụ nữ và thai nhi sau này.

lets-talk-about-sex

Vì sao The Tiny Pharmacist chú trọng đến sức khoẻ giới tính và bệnh lây lan qua đường tình dục?

Là dược sĩ, đam mê của mình là mang đến kiến thức sức khoẻ cho mọi người, bằng những từ ngữ dễ hiểu, dễ nhớ, và cung cấp vừa đủ để ai cũng có thể bàn bạc hiểu biết với bác sĩ của mình, cũng như truyền đạt cho người thân. Blog trước của mình về Bệnh cảm đừng uống kháng sinh được rất nhiều người quan tâm, cho thấy một niềm khao khát thông tin không nhỏ của bạn đọc. Phần lớn bạn đọc của The Tiny Pharmacist là người trẻ từ 15-30 tuổi, mình hi vọng đây là một đề tài thú vị và bổ ích cho mọi người.

Các bài viết của mình khác những trang mạng khác như thế nào?

Mình luôn luôn dẫn nguồn và kiểm tra thông tin trước khi chia sẻ. Hơn nữa, những nơi mình tham khảo và chắt lọc thông tin đều là nguồn đáng tin cậy như Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention), Viện y tế quốc gia Hoa Kỳ (National Institute of Health), trung tâm sức khoẻ nổi tiếng The Mayo Clinic, v.v. Quan trọng nhất, mình không có ý muốn bán thuốc, bán hàng, bán bao cao su gì hết. Mình chia sẻ thông tin với mong muốn duy nhất là để mọi người hiểu biết và tự chăm sóc sức khoẻ cho bản thân.

Đừng ngại ngùng 

Được huấn luyện là một nhân viên y tế, điều khó khăn đầu tiên ở trường dược là không ngại ngùng trước những concept mà người Việt ít khi đụng tới, và phát âm những từ ngữ chuyên môn mà mình không dám nói hằng ngày như dương vật (penis), âm đạo (vagina). Các giáo sư phải nhấn mạnh với sinh viên đó là điều bình thường mà nhân viên y tế phải bàn bạc với bệnh nhân, các em đừng có mặt đỏ bừng hay cười rúc rích khi phải đề cập đến nó.

“Có gia đình chưa?”

Gần như là câu hỏi cửa miệng của y tá bác sĩ ở Việt Nam khi bước vào phòng khám phụ khoa. Nếu bảo là chưa thì người ta sẽ hiển nhiên cho là bạn “còn con gái”. Còn nếu bạn đính chính là đã có quan hệ tình dục nhưng chưa lập gia đình, thì sẽ bị ném cho cái nhìn khinh khinh- mặc dù không có nghĩa vụ nào của người làm y tế bao gồm phán xét lối sống của bệnh nhân cả. Nghĩa vụ của họ là truyền đạt kiến thức, chăm sóc sức khoẻ, và đặt sức khoẻ mạng sống của bệnh nhân lên hàng đầu. Chỉ có sự trao đổi cởi mở và thành thật mới là liều thuốc tốt nhất cho bệnh nhân.

Words.jpg

Những khái niệm cơ bản ai cũng nên biết
  • Sexually active: Bạn đang quan hệ tình dục, đồng nghĩa với việc bạn có thể bị lây nhiễm những gì mà các bạn tình của mình đang có
  • Safe sex: Tình dục an toàn, có bảo vệ bằng các biện pháp cần thiết để tránh lây nhiễm bệnh tình dục và tránh thai ngoài ý muốn
  • Unprotected sex: Tình dục không an toàn, không được bảo vệ bằng các biện pháp cần thiết để tránh lây nhiễm bệnh tình dục và tránh thai ngoài ý muốn
  • Sex partner: Bạn tình, bao gồm những người nam quan hệ với nam, nam quan hệ với nữ, nữ quan hệ với nữ
  • Contraception: Biện pháp tránh thai, bao gồm nhiều dạng sẽ được đề cập sau
  • Sexually transmitted diseases (STDs): Các bệnh lây qua đường tình dục
  • Sexually transmitted infections (STIs): là tên gọi mới hơn của STD. Vì đa số các bệnh lây qua đường tình dục là do vi khuẩn hoặc virus gây ra, nên gọi là bệnh viêm nhiễm qua đường tình dục có phần chính xác hơn
  • Antibiotics: Thuốc kháng sinh. STDs hay STIs thường do vi khuẩn gây ra, nên sẽ được chữa trị bằng thuốc kháng sinh. Không có cây cỏ thuốc nam thuốc bắc (natural remedies) nào chữa được hết nên bạn đừng nghe đồn đại và sử dụng tràn lan mấy thứ đó và chậm trễ việc chữa trị.
  • Antivirals: Thuốc kháng siêu vi/virus. Một số STDs hay STIs do virus gây ra. Thuốc kháng siêu vi thường chỉ giúp hết triệu chứng khi bộc phát, chứ không thể chữa hết bệnh vì virus còn ẩn náu ở nhiều nơi trong tế bào cơ thể
  • Antibiotic resistance: Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Nhiều người Việt Nam uống thuốc kháng sinh vô cùng sai khoa học!
Làm sao để cải thiện hoá vấn đề antibiotic resistance?
  • Không bao giờ tự mua kháng sinh mà không có toa.
  • Dược sĩ và dược tá không được bán kháng sinh không toa và phải giáo dục bệnh nhân vì sao làm như vậy là nguy hiểm
  • Những bệnh không thể chữa bằng kháng sinh thì bác sĩ đừng kê!
  • Không bao giờ có thể ngừng thuốc chỉ vì thấy bệnh giảm. Bạn phải uống hết thuốc đã cho (finish a course of antibiotics) mới có thể tiêu diệt hết vi khuẩn, và nếu bỏ nửa chừng sẽ tăng nguy cơ mang trong người vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Đến khi cần, những loại thuốc hay dùng sẽ không còn tác dụng nữa và bạn sẽ thật sự gặp nguy hiểm.
Một số nguồn thông tin bổ ích về sức khoẻ giới tính
  • Go ask Alice!: Một trang web cực kì bổ ích được quản lý bởi đội ngũ chuyên viên y tế từ trường đại học Columbia ở New York. Trên đây có tất tần tật những vấn đề mà thanh niên có thể quan tâm
  • Love Matters: Một forum để bàn bạc chuyện trò một cách trung thực về tình yêu, tình dục, và quan hệ tình cảm, thắc mắc về ảnh hưởng tôn giáo, v.v từ những bạn trẻ trên thế giới
  • It’s your (sex) life: Một trang web của MTV, khá bắt mắt nhiều sắc màu về vấn đề sức khoẻ giới tính
  • American Sexual Health Association: cũng là một nguồn thông tin quan trọng
  • Planned Parenthood Federation of America: Đây là một trong những nguồn cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ phụ khoa miễn phí cho người nghèo và không có bảo hiểm cực kì quan trọng ở Mỹ. Vì tầm quan trọng của nó mà nhiều chính trị gia hay nhắm tới để ủng hộ hoặc chỉ trích, vì Đảng Cộng hoà thường bảo thủ (conservative) và kịch liệt phản đối phá thai (abortion) nên họ luôn hăm he rút quỹ đầu tư và dẹp tiệm Planned Parenthood.

Hi vọng mọi người sẽ đón đọc những bài sau và thu thập nhiều kiến thức bổ ích!


Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!

-Ngọc Bích, PharmD, RPh 

Photo credit: Talk about sex, CDC logo, NIH logoMayo Clinic logo,  Words

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s