Những ai đi xa nhà, từ Việt Nam qua Anh qua Mỹ, hay từ quê nhà lên thành phố đi học, đều biết là khi bệnh là lúc nhớ nhà nhất. Bệnh một thân một mình không ai lo, nằm bẹp trên giường, không người nấu cháo hay nước xông. Vì vậy bạn cần trang bị đủ kiến thức để tự chăm sóc bản thân khi một mình, và quan trọng là phòng ngừa tránh lây lan cho người khác hay bị lây.
Disclaimer: Nội dung của blog này mang tính tham khảo, không thể thay thế việc đi bác sĩ cũng như được chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bệnh cảm và cúm khác nhau như thế nào?
Bệnh cảm, hay tiếng Anh thường gọi là “the common cold” là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Bệnh cảm ảnh hưởng đến hệ hô hấp trên, nhất là mũi và họng. Bệnh cảm có thể được gây ra bởi một trong những 100 loại virus khác nhau, cho nên triệu chứng có thể khác nhau rất nhiều. Bệnh cúm, “the flu” có những biểu hiện nặng hơn cảm, như là sốt rất cao, đau nhức khắp cả người, rất mệt mỏi. Nếu một người đã ốm yếu sẵn, hay người lớn tuổi mắc bệnh cúm thì có nhiều nguy hiểm và dẫn đến biến chứng (complications). Bệnh cúm có thể chích vaccine (flu shot) mỗi năm nhưng cảm thì không.
Mỗi năm ở Mỹ có cả triệu người bị cảm. Người lớn thường cảm 2-3 lần trong 1 năm, và trẻ em đôi khi còn nhiều hơn. Cảm lây từ người này sang người khác qua đường không khí nếu có người hắt xì xung quanh bạn. Và nếu bạn có bắt tay hay đụng vào đồ vật của người bị cảm và đưa tay lên mũi miệng của mình, đó là cách lây nhiễm từ người này qua người khác ở nơi công cộng như là xe buýt hay máy bay.
Triệu chứng bệnh cảm
Triệu chứng bệnh cảm xuất hiện 1-3 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Một số triệu chứng bao gồm:
- Chảy mũi hay nghẹt mũi
- Ngứa họng, đau họng, ho
- Nghẹt mũi, hắt xì
- Đau đầu, đau người
- Mệt mỏi, sốt nhẹ
Bệnh cảm sẽ tự hết trong vòng 1 tuần, nhiều nhất là 2 tuần. Nếu sau đó vẫn không hết thì bạn nên đi bác sĩ. Vì nếu cơ thể không tự hồi phục, hoặc là đó không phải bệnh cảm, hay là hệ miễn dịch suy yếu nên dẫn đến biến chứng như viêm phổi viêm họng, v.v..
Tại sao bạn không được uống thuốc kháng sinh khi bị cảm?
Bệnh cảm do virus gây ra và không. có. thuốc. chữa! Còn nhớ khi nhỏ, ba mình hay cho uống amox (kháng sinh amoxilin) và paracetamol. Mình lớn lên cứ thuộc lòng 2 thứ thuốc đó mỗi khi bị cảm. Đển khi đi du học mới biết là uống như vậy là sai! Thật ra người Mỹ cũng hiểu sai như vậy không phải là hiếm, chỉ có khác là người ta không tự ra nhà thuốc mua kháng sinh tràn lan như bên mình thôi. Nên mình thấy vấn đề này rất quan trọng, mọi người nên hiểu để bảo vệ sức khỏe cho chính mình.
Bệnh cảm không có thuốc chữa là vì kháng sinh chỉ diệt vi khuẩn (bacteria, vì thế nên tên kháng sinh là antibiotic), chứ không có tác dụng đối với virus (thuốc chống virus là antiviral). Uống vào không những không khỏi bệnh mà còn gây hại. Vì kháng sinh không phải là thuốc lành. Tự uống kháng sinh không đúng có thể bị dị ứng, tiêu chảy cùng các tác dụng phụ khác, và quan trọng nhất là đến khi mình bị viêm nhiễm cần đến kháng sinh thì thuốc sẽ không có tác dụng. Cơ chế của sự lờn thuốc nói đơn giản là khi bạn uống kháng sinh không cần thiết, bạn sẽ diệt hàng loạt vi khuẩn trong cơ thể, nhưng sẽ còn sót lại những con có biến đổi gene mà thoát chết. Những con này được dịp sẽ sinh sôi nảy nở trong người bạn. Có thể bình thường không hại gì, nhưng khi hệ miễn dịch suy giảm, những vi khuẩn này tấn công thì dù có uống thuốc cũng sẽ không có tác dụng nữa.

Vậy bạn có thể uống thuốc gì?
Thuốc giảm đau (Pain killer). Nếu có triệu chứng sốt, đau họng, nhức đầu, bạn có thể uống paracetamol, hay ở Mỹ là acetaminophen. Nếu bạn có thấy hàng xách tay nước ngoài tên là Tylenol, thì chính là nó. Còn Việt Nam thì paracetamol có nhiều tên khác nhau như thuốc sủi Efferalgan, và thuốc viên Panadol. Nên cẩn thận và đọc kĩ liều dùng cho trẻ em, và không dùng paracetamol cho trẻ em dưới 3 tháng. Những năm sau này mình cũng chẳng uống thuốc nữa, trừ khi có việc rất cần thiết phải đi làm hay đi học. Thuốc chỉ cầm chừng triệu chứng thôi. Nên mình hay nằm ở nhà hẳn 1 ngày, uống nước chanh liên tục, ngủ cho nhiều vào. Và nếu có thể thì nướng vài lát gừng bỏ vào nước sôi làm trà. Một số nghiên cứu cho thấy gừng có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, ấm bụng, chống buồn nôn. Thật ra nếu không có lợi thì cũng ít hại, trừ khi bạn là người có huyết áp cao thì không nên uống liên tục nhiều.
Nếu đau họng, bạn có thể dùng kẹo ngậm. Một số loại kẹo ngậm khi bị cảm như kẹo con Tàu (Fisherman’s friend) hay Ricola, hay là các loại kẹp chứa menthol có tính sát khuẩn.
Ngoài thuốc thì có nhiều thứ khác bạn có thể làm để tăng cường sức đề kháng giúp mau khỏi bệnh (Non-pharmacological treatments)
- Nghỉ ngơi thật nhiều. Nghỉ ngơi nhiều giúp cơ thể có thời gian hồi phục và nhanh loại bỏ virus. Nghỉ ở nhà để tránh lây lan cho người khác ở công ty hay trường học cũng là điều tốt.
- Uống nhiều nước. Nước, nước trái cây, nước chanh đều tốt. Trà gừng cũng giúp tăng sức đề kháng và ấm bụng. Tránh uống đồ uống có caffeine hay chứa cồn vì 2 thứ này làm cơ thể mình bị mất nước (dehydration). Bởi vậy uống trà cũng nên hạn chế.
- Súc miệng và họng bằng nước muối. Hòa ¼ hay ½ muỗng cà phê muối vào 1 cốc nước ấm. Súc miệng như thế này giúp tạm thời chữa đau họng hay ngứa họng.
- Nhỏ mũi bằng nước muối. Bạn có thể mua nước muối (Neti Pots) để nhỏ mũi, giúp chữa nghẹt mũi.
Phòng chống bệnh cảm như thế nào?
Cách phòng chống tốt nhất là rửa tay thường xuyên, nhất là khi ra nơi công cộng về. Rửa tay trước khi ăn, không nên đưa tay lên mặt lên miệng. Nên rửa tay bằng nước sạch và xà bông. Đánh cho xà bông ra bọt và chà lòng bàn tay, mu bàn tay thật kĩ trong vòng ít nhất 15-20 giây (tính bằng thời gian hát hết bài Happy Birthday). Khi ho hay hắt-xì nên che miệng bằng khuỷa tay. Người Việt Nam hay che miệng bằng lòng bàn tay, rồi cũng cái tay đó cầm vào nắm cửa, thức ăn, vô tình lây lan virus sang cho mọi người.
Tóm lại là bệnh cảm là điều không tránh khỏi. Bệnh cảm không có vaccine. Không có thuốc chữa. Chỉ có một cơ thể và một hệ miễn dịch mạnh khỏe mới có thể phòng bệnh lẫn hết bệnh nhanh chóng.
- Kháng sinh (Phần 1): Cơ chế hoạt động của kháng sinh chống lại vi khuẩn
- Kháng sinh (Phần 2): Vi khuẩn kháng thuốc là vấn đề cực kì nghiêm trọng
- Kháng sinh (Phần 3): Hãy dùng kháng sinh sao cho đúng
- Bệnh cúm (Phần 1): Phòng ngừa và đừng uống kháng sinh!
Sources: The Mayo Clinic, Featured Image, Cold virus, Sneeze
Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!
Cám ơn những chia sẻ bổ ích của chị ạ.
LikeLiked by 1 person
Chị thấy bên Mỹ cũng hay dùng Ibuprofen (Advil) để giảm đau đúng không em (Dù Ibupofen là NSAID)? Theo em thì Acetaminophen hay Ibuprofen giảm đau tốt hơn? Nên dùng loại nào hơn?
LikeLike
Cả hai thuốc đều có tác dụng giảm đau tốt chị. Hai thuốc có profile khác nhau về tác dụng phụ và đường chuyển hóa trong cơ thể. Cụ thể như uống ibuprofen nhiều hại bao tử, còn uống acetaminophen nhiều hại gan. Em không biết chị dùng giảm đau cụ thể như thế nào (viêm khớp, đau đầu, đau bụng kinh, v.v) nên em không cho lời khuyên cụ thể được. Nếu dùng thỉnh thoảng ở nhà thì chắc hai cái như nhau. Chị có thể tham khảo thêm ở đây ạ http://health.clevelandclinic.org/2013/09/acetaminophen-vs-ibuprofen-which-works-better/
LikeLike
Thường chị hay dùng Ibuprofen khi đau đầu, sốt, đau răng vì thấy thuốc tác dụng nhanh, kéo dài hiệu quả hơn Acetaminophen, và thường uống sau khi ăn no. Cám ơn em vì tip rất hay “khi ho hay hắt xì nên CHE MIỆNG BẰNG KHUỶU TAY”, mẹ chồng chị ở Mỹ vẫn hay dạy cháu như vậy khi facetime, trong khi phần lớn người VN mình lại có thói quen CHE MIỆNG BẰNG LÒNG BÀN TAY khi ho hay hắt xì.
Cho chị hỏi thêm câu nữa: kháng sinh nếu phải uống vì viêm nhiễm tụ mủ, nên uống trước, hay trong, hay sau khi ăn? (Ví dụ Augmentin?)
Cám ơn em.
LikeLiked by 1 person
Mỗi thuốc kháng sinh sẽ có cách sử dụng khác nhau chị nhé. Còn Augmentin như chị hỏi thì uống không cần quan trọng bữa ăn, tuy nhiên uống trong hay sau lúc ăn thì đỡ bị khó chịu trong bụng hơn (stomach upset) là lúc đói. Mỗi khi dùng thuốc mới chị có thể đọc phần in hướng dẫn sử dụng để biết cụ thể yêu cầu khi đói hay no. Chắc chị cũng biết rồi nhưng em quen nhắc cho chắc ăn là kháng sinh phải uống hết liều được kê, không dài hơn hoặc ngắn hơn 🙂
LikeLike
bài viết rất bổ ích chị ạ! em phải áp dụng ngay mới được 😀
LikeLiked by 1 person
Thường thì em sẽ ra nhà thuốc bảo các triệu chúng cho họ để họ kê đơn nhưng có lắm khi có cả kháng sinh….
LikeLike
Mình hay hắt hơi, sổ mũi thì là triệu chứng bệnh cảm cúm thông thường ạ?
LikeLike
This is amazing information. This is helpful for me na nahihirapan sa pagtulog at nalilito sa kung anong vitamins ang i-take para maging healthy. But yes, having a healthy lifestyle is still the best answer.
LikeLike