Trong đời, có lẽ không ai chưa từng trải qua việc dùng kháng sinh. Từ nhỏ mấy em bé hay mắc bệnh viêm tai, đến lớn thì viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu, v.v., và khi phải mổ xẻ hay làm răng nghiêm trọng đều cần kháng sinh phòng viêm nhiễm.
Như ở blog trước, mình đã đề cập là cuộc đời của mỗi kháng sinh là có hạn. Chúng ta không thể dùng unlimited dùng hoài dùng mãi được. Vì vậy, mỗi khi dùng không đúng bệnh, dùng không cần thiết, là ta góp phần gây hại cho sức khoẻ bản thân mình, hại cho hệ thống y tế cộng đồng không chỉ ở đất nước mà còn rộng hơn. Hãy dùng kháng sinh một cách hiểu biết. Nhưng đừng hoàn toàn tin tưởng là bác sĩ này kia biết dùng kháng sinh hiểu biết hơn mình. Đây là một vấn đề mà cả người làm y tế và người bệnh cần chung tay góp sức.
Nếu cần kháng sinh, hãy dùng thuốc đúng như đã được kê.
Điểm quan trọng ở đây là “như đã được kê” (as prescribed).
Điều này cần ý thức từ chuyên gia y tế trong việc kê đơn kháng sinh, và cần sự hiểu biết trong cách chúng ta dùng kháng sinh. Nó không chỉ giúp chúng ta duy trì sức khỏe, giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh, và đảm bảo rằng những loại thuốc cứu sinh mạng này sẽ có tác dụng cho các thế hệ tương lai.
Thứ nhất, đừng tự ra nhà thuốc mua kháng sinh, phải uống đúng bệnh. Ở các nước có hệ thống quản lý dược chặt chẽ, điều này là hiển nhiên. Nhưng ở Việt Nam, vẫn còn nhiều người tự mua kháng sinh và nhà thuốc bán không cần toa hay biết lý do. Hi vọng trong tương lai, điều này sẽ ít xảy ra hơn vì nhà thuốc có ý thức và giúp người dân cũng có ý thức. Uống sai bệnh không chỉ gây ra lờn thuốc, mà còn bạn có thể chịu những tác dụng phụ không đáng có và nghiêm trọng.
Thứ hai, hãy uống thuốc chính xác như bác sĩ hướng dẫn. Đừng tự tăng liều, giảm liều gì hết nha! Thuốc dặn uống khi đói hay khi no thì phải làm y như vậy
Thứ ba, hãy hoàn thành liệu trình theo quy định ngay cả khi bạn đang cảm thấy tốt hơn. Nếu điều trị ngừng quá sớm, một số vi khuẩn có thể tồn tại và tái nhiễm bệnh. Và những con vi khuẩn chưa bị diệt hết sẽ bắt đầu kháng thuốc, sinh sôi nảy nở thêm, coi như việc chữa trị bằng thuốc kháng sinh đó là công cốc.
Không giữ lại thuốc để sử dụng sau này. Đôi khi thuốc bán theo hộp, uống đúng liều mà còn dư vài viên thì vứt đi, không để dành vì chẳng có ích lợi gì hết.

Kháng sinh có thể có những tác dụng phụ gì?
Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu có bất kỳ câu hỏi nào về kháng sinh, hoặc bạn gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào. Các tác dụng phụ phổ biến xảy ra từ các vấn đề sức khỏe nhẹ cho đến nghiêm trọng và có thể bao gồm:
- Phát ban trên da
- Chóng mặt
- Buồn nôn: vì vậy nên uống theo hướng dẫn khi đói hoặc no
- Tiêu chảy: tiêu chảy nhẹ khá thường gặp, nhưng nếu nặng phải coi chừng
- Bị viêm nấm phụ khoa (do kháng sinh làm đảo lộn sự cân bằng sinh thái của chúng ta): ngứa bộ phận sinh dục, rát, và đôi khi có chất dịch trắng
Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn có thể bao gồm:
- Nhiễm trùng Clostridium difficile: tiêu chảy cực nặng, nặng đến nhiều lần một ngày và đến ra nước không ấy, nó có thể dẫn đến thương tổn đại tràng nghiêm trọng và tử vong.
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng

Ở trẻ em, phản ứng từ kháng sinh là nguyên nhân phổ biến nhất của các ca cấp cứu liên quan đến thuốc
Giúp hệ sinh thái vi khuẩn trong cơ thể lành mạnh sau kháng sinh
Như mình đã nói trong blog trước, “microbiome”, hệ sinh thái vô vàn vi khuẩn sống trong ruột của chúng ta là một phần rất quan trọng cho sức khoẻ mà khoa học vẫn chưa hiểu biết hết được. Vì cùng là vi khuẩn, nên khi mình uống thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn xấu gây bệnh thì hệ sinh thái này cũng bị ảnh hưởng nhiều, tiêu diệt cả những con vi khuẩn tốt. Sau mỗi lần uống kháng sinh, một số vi khuẩn tốt có thể mất đến 6 tháng sau mới quay trở lại hệ sinh thái này.
Vì vậy, khi uống kháng sinh, mình hay tăng cường ăn ya-ua, phô mai, những thức ăn lên men để cấy lại vi khuẩn tốt. Bạn cũng có thể uống thêm probiotic dạng viên để bổ sung (theo hướng dẫn trên lọ, đừng làm quá nha). Ngoài ra, bạn nên ăn uống phong phú nhiều rau, củ, kim chi, đậu để hệ sinh thái microbiome ngày càng khoẻ mạnh.
Kháng sinh và thuốc tránh thai
Một số loại kháng sinh, đặc biệt là rifampin và các thuốc liên quan dùng chữa bệnh lao, có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai. Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện về vấn đề này, nhưng kết quả không được rõ ràng cho lắm đối với các loại kháng sinh chuyên dụng. Vì vậy, nếu lo lắng về khả năng hiệu quả của thuốc tránh thai trong khi phải uống kháng sinh, bạn có thể dùng thêm biện pháp tránh thai khác như bao cao su khi dùng thuốc kháng sinh và 7 ngày sau khi hết thuốc.
Tại sao có ý thức về kháng sinh lại có quan trọng đến thế?
Kháng sinh cứu sinh mạng. Khi một bệnh nhân cần kháng sinh, những lợi ích của kháng sinh vượt trội so với những rủi ro của tác dụng phụ hoặc kháng kháng sinh. Khi không cần kháng sinh, chúng sẽ không giúp ích cho bạn, và tác dụng phụ vẫn có thể làm hại bạn. Các phản ứng từ kháng sinh gây ra 1 trên 5 các ca cấp cứu liên quan đến thuốc.
- Kháng sinh (Phần 1): Cơ chế hoạt động của kháng sinh chống lại vi khuẩn
- Kháng sinh (Phần 2): Vi khuẩn kháng thuốc là vấn đề cực kì nghiêm trọng
Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!
-Ngọc Bích, PharmD, RPh
Nguồn: CDC