Kháng sinh (Phần 2): Vi khuẩn kháng thuốc là vấn đề cực kì nghiêm trọng

Trong bài trước, mình giới thiệu về vi khuẩn và cơ chế hoạt động của kháng sinh để mọi người có khái niệm cơ bản để hiểu về việc kháng thuốc. Trong bài này, mình chú trọng vào mối nguy hiểm chực chờ không chỉ bệnh nhân mà cả ngành y tế với vấn nạn sử dụng kháng sinh tràn lan.

Cuộc đời của mỗi kháng sinh là có hạn 

Khi còn học ở trường dược, giáo sư luôn luôn căn dặn là thuốc kháng sinh là một trong những bước tiến vĩ đại trong y học hiện đại, và hiện nay chúng ta đang tự huỷ hoại đường sống của bản thân và thế hệ sau với việc sử dụng tràn lan này. Cuộc đời của một thuốc kháng sinh là nhất định, nó chỉ có thể được dùng bao nhiêu lần trên bao nhiêu người đó thôi, trước khi vi khuẩn kháng thuốc bắt đầu xuất hiện và mọi người lây lan cho nhau.

Các nhà khoa học luôn phải tiếp tục nghiên cứu thuốc mới để chống chọi nạn dịch này. Họ cẩn thận đến nỗi khi thuốc kháng sinh mới được nghiên cứu và phát triển thì ai cũng tung hô, nhưng đến khi ra thị trường thì không ai dám dùng vì toàn.. để dành. Đến khi nào có bệnh nhân lờn hết các thuốc hiện có thì mới lôi ra dùng như biện pháp cuối cùng.

Vi khuẩn kháng thuốc bắt đầu như thế nào?

Chúng ta hay nói nôm na là vi khuẩn rất thông minh (smart) vì nó sẽ có cơ chế chống lại thuốc kháng sinh. Thật ra vi khuẩn không có não bộ suy nghĩ tính toán gì đâu, mà tất cả chỉ là sinh tồn. Trong hàng triệu con thì sẽ có con này con khác, và vô tình sẽ có con trời sinh với cơ chế kháng thuốc. Như hình dưới đây, bạn có thể thấy nhiều cách chúng khống chế kháng sinh như: có bơm để bơm thuốc ra ngoài tế bào, hay có enzyme phá hủy kháng sinh khiến nó mất tác dụng, hay enzyme khống chế kháng sinh, hay vô tình con vi khuẩn trao đổi gene (plasmid) với một con khác, và trong đó có gene đề kháng thuốc.

co-che-khang-sinh.jpg

Cơ chế của sự lờn thuốc nói đơn giản là khi bạn uống kháng sinh không cần thiết, bạn sẽ diệt hàng loạt vi khuẩn trong cơ thể, nhưng sẽ còn lại những con có biến đổi gene mà thoát chết. Những con này được dịp sẽ sinh sôi nảy nở trong người bạn vì đất rộng ít người. Có thể bình thường không hại gì, nhưng khi hệ miễn dịch suy giảm, những vi khuẩn này tấn công thì dù có uống thuốc cũng sẽ không có tác dụng nữa.

antibiotic_resistance-a.png

Nhiều nguyên nhân dẫn đến vi khuẩn kháng kháng sinh 

Theo tổ chức y tế thế giới (World Health Organization), một số nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc là:

  • Bác sĩ và các nhân viên y tế cho thuốc tràn lan. Còn ở Việt Nam lại thêm nhà thuốc bán thuốc tá lả không cần toa, bệnh nhân cả thấy mệt mỏi có triệu chứng cảm thì nhân viên bán cho bịch kháng sinh dễ dàng. Hoặc bệnh nhân đi bác sĩ mà không được cho thuốc thì.. đòi. Bác sĩ mà bảo không cần thuốc chỉ nên nghỉ ngơi thì có thể chê bác sĩ dỏm.
  • Bệnh nhân uống thuốc không đúng cách: bỏ nửa chừng khi chưa hết thuốc, uống không đúng thời gian (sáng trưa tối) hay liều lượng (thay vì ngày 3 viên thì chỉ uống 2 viên)
  • Sự sử dụng tràn lan của kháng sinh trong nông nghiệp. Nông nghiệp chiếm một phần lớn trong tiêu thụ kháng sinh. Heo gà chúng ta ăn toàn được bơm kháng sinh, vì nuôi công nghiệp chen chúc trong một trại thì một con bệnh sẽ dẫn đến hàng loạt, nên con nào cũng cho kháng sinh cho.. chắc ăn.
  • Bệnh viên và trung tâm y tế không kiểm soát dịch tễ tốt, để bệnh lây lan từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác.
  • Môi trường kém vệ sinh 
  • Thiếu thốn đầu tư cho việc nghiên cứu và phát triển thuốc kháng sinh mới. Thuốc kháng sinh không còn sexy và hot như vài thập kỉ trước. Hiên nay các công ty dược đầu tư nghiên cứu kháng sinh không còn nhiều, dẫn đến tình trạng khan hiếm khi các thuốc khác đã bắt đầu bị kháng khuẩn khá nhiều

Antibiotic resistance causes.jpg

Vi khuẩn kháng kháng sinh lây lan như thế nào?

Theo di truyền, các tính năng kháng thuốc có thể được truyền từ đời bố mẹ vi khuẩn đến đời con theo chiều dọc (vertically), hoặc giữa các con vi khuẩn cùng đời theo chiều ngang (horizontally), có thể trong cùng một loài hay khác loài. Trong môi trường, vi khuẩn kháng kháng sinh có thể lây từ người này sang người khác, theo máy bay, nước, gió.

Vi khuẩn kháng nhiều thuốc (Multi-drug Resistance)

Khi bạn bị viêm nhiễm, uống thuốc mà không hết vì vi khuẩn có dấu hiệu kháng, bác sĩ sẽ cho một loại kháng sinh khác. Nếu thuốc này cũng kháng nữa thì vi khuẩn đó đã trở thành multi-drug resistant. Sau nhiều năm sử dụng kháng sinh bừa bãi và hết thuốc này đến thuốc khác, việc vi khuẩn kháng nhiều thuốc đã trở thành rất đỗi bình thường chứ không còn là hàng hiếm nữa. Bệnh lao kháng nhiều thuốc (MDR TB) đang là một vấn nạn nhức nhối ở những nước kém phát triển, cộng với việc con người di chuyển ngày càng nhiều trên thế giới, chuyện lây lan thành đại dịch có thể trong một ngày không xa.


Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!

-Ngọc Bích, PharmD, RPh 

Info source: Tufts Alliance for the Prudent Use of Antibiotics

Photo credit: Featured imageMechanism of resistanceAntibiotic resistanceAntibiotic resistance causes

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s