Disclaimer: Nội dung của blog này mang tính tham khảo, không thể thay thế việc đi bác sĩ cũng như được chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bệnh cúm là gì?
Bệnh cúm là bệnh hệ thống hô hấp của cơ thể, bao gồm mũi, cổ họng, và phổi. Bệnh cúm, the flu, là cách gọi tắt của “influenza”. Bệnh cúm do siêu vi (virus) gây ra. Lưu ý bệnh cúm khác với bệnh cảm (the common cold) mà mình đề cập trong một blog khác Bệnh cảm- Đừng uống thuốc kháng sinh!
Tại những vùng lạnh phía bắc, bệnh cúm theo mùa hàng năm thường bắt đầu từ tháng mười hai đến cuối tháng ba. Bệnh cúm thường xảy ra vào mỗi mùa đông gọi là “bệnh cúm theo mùa” (seasonal influenza). Có những siêu vi mới và rất khác nhau xuất hiện mỗi 30-40 năm, như siêu vi bệnh cúm H1N1 2009, gọi là “cúm đại dịch”. Bệnh cúm theo mùa và cúm đại dịch có các triệu chứng tương tự, được lan truyền và phòng ngừa theo cùng phương cách.

Triệu chứng của bệnh cúm là gì?
Triệu chứng thông thường nhất của bệnh cúm là sốt, ho và viêm họng, đặc biệt là đau nhức toàn thân, nhức khớp, nhức đầu, ớn lạnh, sổ mũi và mệt mỏi nhiều. Vài người, nhất là trẻ nhỏ, cũng bị tiêu chảy và ói mửa. Triệu chứng kéo dài từ vài ngày đến một tuần hay lâu hơn. Bệnh cúm thường xảy ra nhanh chóng hơn cảm, triệu chứng đến dồn dập và bạn thường mệt lả chỉ nằm ngủ cả ngày không làm được gì cả. Còn bệnh cảm nhiều lúc chúng ta chỉ sổ mũi nhức đầu chứ không bị ảnh hưởng toàn thân và phải nghỉ ở nhà.
Bệnh cúm có nghiêm trọng không?
Có, bệnh cúm có thể rất nghiêm trọng, nhất là những người có nguy cơ cao (high risk). Mỗi năm tại Mỹ, bệnh cúm theo mùa làm cho hàng ngàn người nhập viện và một số ít tử vong. Vài người có nguy cơ cao hơn, khi họ bị cúm có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Những người này bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người có bệnh sử y tế như bệnh suyễn (asthma), tiểu đường (diabetes), bệnh tim (cardiovascular disease), bệnh thận (renal disease) và hệ thống miễn dịch yếu (immunocompromised).
Bệnh cúm lan truyền ra sao?
Siêu vi bệnh cúm có trong bụi nước ẩm ướt (bụi nước bọt và dịch nhầy- water droplets) đi ra từ mũi và miệng của người bệnh khi ho hay hắt hơi. Nếu ở gần kề với người bị bệnh cúm khi họ ho hay hắt hơi, thì bạn có thể hít siêu vi vào và bị bệnh. Triệu chứng của bệnh cúm bắt đầu từ 1 đến 4 ngày (thường là 2 ngày) sau khi có hít siêu vi vào.

Bệnh cúm lan truyền dễ dàng từ người này sang người khác. Từ lúc bị phơi nhiễm virus cho đến khi có triệu chứng khoảng 1 đến 4 ngày, trung bình là 2 ngày. Siêu vi cũng có thể sống trong thời gian ngắn trên những thứ bạn sờ vào như tay nắm cửa, điện thoại, và đồ chơi con nít, v.v. Sau khi sờ vào những đồ vật này, bạn có thể bị nhiễm siêu vi khi sờ vào miệng, mũi hay đôi mắt của mình. Vì vậy mình luôn luôn khuyên mọi người rửa tay bằng xà bông thường xuyên và ho hay hắt xì hãy lấy khuỷu tay che miệng!
Người lớn bị bệnh cúm có thể truyền siêu vi từ khoảng một ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện đến khoảng một tuần sau đó. Trẻ em có thể truyền bệnh cúm lâu hơn sau khi bị bệnh. Vì vậy nên ở Mỹ, khi nhân viên bị cúm công ty khuyên nên ở nhà, đừng cố gắng lết vào làm thì không được bao nhiêu mà lây cho người khác thì nhiều hơn.
Làm sao biết mình bị cúm?
Nếu bị sốt, ho, đau nhức, và viêm họng thì bạn có thể bị bệnh cúm. Tuy nhiên, có những virus khác cũng gây ra triệu chứng gần như cúm, vì vậy việc chẩn đoán chính xác có phải cúm hay không khá là khó. Nếu nghĩ mình bị bệnh cúm, nên nghỉ ngơi ở nhà, tránh nơi làm việc và trường học cũng như tránh tiếp xúc với người khác để không lan truyền siêu vi. Bác sĩ ở Mỹ có thể khuyên bạn thử nghiệm bệnh cúm, còn ở Việt Nam thì mình không chắc.
Bệnh cúm có thuốc chữa không?
Bệnh cúm có thể được chữa bằng thuốc chống siêu vi (antiviral drug), không phải thuốc kháng sinh! Thuốc kháng sinh chỉ diệt được vi khuẩn và không chữa được cảm hay cúm!

Thuốc chữa bệnh cúm chỉ có tác dụng nhất khi được bắt đầu sớm sau khi triệu chứng bắt đầu, và nó không chữa hết ngay mà chỉ hạn chế thời gian và mức độ bị bệnh của bạn. Ở Mỹ mình thấy ít người dùng thuốc cúm trừ khi có nhiều yếu tố nguy cơ và phát hiện bệnh kịp thời. Thuốc này cũng không rẻ. Ở Việt Nam mình không rõ thuốc chữa cúm có phổ biến hay không, nên trong blog sau mình sẽ chú trọng đến những phương thức chăm sóc không cần nhiều thuốc. Và nhắc lại: cúm ĐỪNG UỐNG KHÁNG SINH vì đây là bệnh do virus gây ra!
Trong bài tiếp theo, mình sẽ bàn chi tiết về vaccine bệnh cúm để mọi người hiểu rõ về biện pháp phòng ngừa này. Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!
-Ngọc Bích, PharmD, RPh
Photo credit: Featured image, Influenza structure, Tamiflu, Sick, Sneeze cloud
Information: Massachusetts Public Health.
Mình mỗi năm cũng bị cúm một lần. Triệu chứng rất điển hình và lặp lại hàng năm:
– Giai đoạn 1: hắt hơi khoảng 1 ngày
– Giai đoạn 2: chảy nước mũi khoảng 2 ngày. Chảy rất nhiều, dịch mũi trong vắt, và loãng, để tự nhiên có thể chảy thành dòng. Thường không sốt hoặc sốt nhẹ không đáng kể, không đau nhức các cơ.
– Giai đoạn 3: Nghẹt mũi. Sau khi chảy mũi được 2 ngày thì sẽ không còn hiện tượng này nữa nhưng thay bằng nghẹt mũi. Nhìn chung thì hơi khó ngủ vào ban đêm thôi còn ban ngày cũng không đáng kể.
– Giai đoạn 4: ho triền miên. Đến ngày thứ 5 thì ho bắt đầu, Ho nhiều hay ít tùy từng thời điểm nhưng nhìn chung thì ho kéo dài ít nhất 1 tuần, nhiều nhất là 2 tháng. Giai đoạn này cũng khá là khó chịu do ho nhiều nhưng sẽ giảm dần và hết bệnh khi nào cũng không hay.
Các thuốc sử dụng:
– Kháng histamin, co mạch niêm mạch: hiệu quả cũng tương đối nhưng thuốc kháng histamin có nhiều tác dụng phụ gây bần thần, buồn ngủ, khô miệng,
– Ức chế ho: thông thường hiệu quả cũng chẳng bao nhiêu, ức chế ho nhưng vẫn ho như thường
Biện pháp không dùng thuốc:
Bên cạnh thuốc, phương pháp giữ ấm cơ thể và uống một số thực phẩm có tính ấm (như trà gừng) tỏ ra rất hiệu quả để phòng ngừa ho dai dẳng. Ngoài ra, tiêm vaccine cúm là một phương pháp rất hiệu quả để phòng bệnh.
LikeLiked by 1 person
Bị bệnh cúm 2 tuần liền và thường xuyên bị thì có phải do vấn đề gì không ad!
LikeLiked by 1 person
Mình nghĩ bạn nên đi bác sĩ để được kiểm tra cho chính xác. Bệnh cúm theo mùa thường ít ai bị đi bị lại, nếu thường xuyên thì nên đi kiểm tra.
LikeLike