Ở bài trước, mọi người đã cùng tìm hiểu khái quát về Bệnh cúm (Phần 1): Phòng ngừa và đừng uống kháng sinh! và cách phòng ngừa qua tiêm phòng Bệnh cúm (Phần 2): Hiểu rõ về tiêm ngừa bệnh cúm. Vì thuốc chữa cúm chỉ có tác dụng trong 1-2 ngày đầu tiên của triệu chứng, nên đa số mọi người không dùng và nhiều nơi cũng không thể mua loại thuốc này. Mình sẽ chú trọng đến những phương pháp không dùng thuốc (non-pharmacological treatments) mà lớp học dược nào cũng đề cập đến. Không phải lúc nào thuốc cũng là giải pháp!
Disclaimer: Nội dung của blog này mang tính tham khảo, không thể thay thế việc đi bác sĩ cũng như được chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đối với người bệnh nói chung

Người bị bệnh cúm nên nhớ uống nhiều chất lỏng, nghỉ ngơi và ngủ thật nhiều, ăn những thực phẩm lành mạnh để cơ thể có thể tự chống lại virus bằng một hệ miễn dịch khoẻ. Chất lỏng (liquid) ở đây chủ yếu là nước lọc, nước trái cây, tránh thức uống có caffeine vì nó sẽ khiến bạn khó ngủ và bị mất nước (dehydrated).
Luôn rửa sạch tay thường xuyên và nghỉ ngơi tại nhà để tránh lan truyền bệnh cúm sang người khác. Những nơi dễ lây như nắm cửa, không gian chung quanh người bệnh nên được lau chùi diệt khuẩn để tránh lây cho người trong nhà.
Thuốc giảm đau không cần toa (over the counter painkiller)
Thuốc giảm đau mua tự do có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn nếu nhức đầu, đau mình, ê vai. Thuốc bao gồm hoạt chất paracetamol (tên VN) hay acetaminophen (tên Mỹ) là thuốc giảm đau (analgesic) và giảm sốt (antipyretic), không phải là kháng sinh. Đây có vẻ là hiểu lầm của nhiều bệnh nhân VN.
Trẻ em và trẻ vị thành niên bị bệnh cúm đừng bao giờ dùng aspirin. Tuy hiếm thấy. nhưng dùng aspirin có thể dẫn đến tác dụng phụ nghiêm trọng gọi là hội chứng Reye (Reye’s syndrome). Không dùng thuốc ho hay cảm lạnh cho trẻ nhỏ hơn 4 tuổi.
Sốt có cần phải điều trị?
Sốt (fever) là một triệu chứng rất thông thường của bệnh cúm. Mọi người thường lo âu khi thấy bản thân hay con cái sốt, nhưng đó là một hiện tượng bình thường, chứng tỏ cơ thể đang chống lại nhiễm khuẩn và thường không nguy hiểm. Cơn sốt của người bị cúm có thể gia tăng nhanh, lên đến 38-40 độ C (101-104 độ F) trong vòng 12-24 tiếng. Nếu dùng thuốc hạ sốt, thì khi hết thuốc sẽ có thể tăng lại. Sốt thường kéo dài 3-5 ngày, và có khi cảm thấy ớn lạnh (chills).
Đối với trẻ em trên 6 tháng và người lớn, nếu sốt không quá 38.3 độ C hay 101 độ F thường không cần phải uống thuốc, trừ khi cảm thấy rất khó chịu hay sốt kéo dài. Một số thuốc có thể dùng sau khi đọc kĩ hướng dẫn sử dụng:
- Paracetamol (brand name Panadol) hay acetaminophen (tên ở Mỹ, brand name Tylenol)
- Ibuprofen, brand name Advil hay Motrin hay generic
- Aspirin chỉ dùng cho người lớn. Đừng bao giờ cho trẻ dưới 19 tuổi uống aspirin trừ khi được chỉ định của bác sĩ
Những điều có thể làm để người sốt được thoải mái
- Nằm trong phòng mát
- Mặc quần áo mỏng, thoát hơi như chất liệu cotton
- Uống nhiều chất lỏng, tránh đồ uống có caffeine như trà hay cà phê vì sẽ dẫn đến mất nước
- Lau người bằng nước ấm khi có nhiệt độ trên 40 độ C (104 độ F), bị ói mửa và không thể dùng thuốc, hay đã bị động kinh do sốt trước đây
- Đừng dùng nước lạnh, vì có thể làm cho họ run và khiến cơn sốt tệ hơn
- Đừng xoa bằng chất rượu để giảm nhiệt độ. Rượu có thể thấm vào da và gây những vấn đề về sức khoẻ khác nhất là với trẻ em.
Chữa nghẹt mũi và đau họng hiệu quả cao
Năm nay mình cũng vừa qua một cơn cúm khá nghiêm trọng, đến 2 tuần mới hết. Sau vài ngày đầu chảy mũi, mình chuyển sang nghẹt mũi, kín mít không thở được. Bác sĩ đã khuyên một vài cách như sau:
- Mua thuốc xịt mũi bằng nước muối (nasal saline) để giúp đỡ nghẹt (thuốc mua ở tiệm chứ không tự sản xuất ở nhà nhé)
- Nếu quá nghẹt thì có thể dùng steroid nasal spray như Nasacort hay Flonase trong thời gian ngắn ngày
- Nếu đau họng hãy mua kẹo ngậm, mình thường dùng hiệu Con tàu (Fisherman’s cough drops), Ricola, hay Hall’s có vị bạc hà. Bạn cũng có thể thử pha trà nóng với một hai muỗng mật ong.
- Một chiêu thần kỳ mà mình cực kì tâm đắc là Neti Pot, một phát minh thấy buồn cười nhưng rất hiệu quả để rửa sạch đường mũi họng khỏi chất đàm và giúp bớt nghẹt mũi. Ở Mỹ bạn có thể mua ở nhiều tiệm thuốc tây. Brand name là NeilMed, đắt hơn brand thường của tiệm một tí (15$ vs. 10$). Trước khi dùng hãy rửa tay sạch, và nhớ dùng nước tinh lọc, đã đun sôi, hay nước cất! Đừng tự pha nước thường với muối ăn ở nhà, vì dung dịch này đi thẳng vào mũi và họng nên nếu nó không sạch bạn sẽ bị viêm nhiễm những thứ khác!

Ở Việt Nam không khí ẩm quanh năm thì không sao, nhưng ở Mỹ mùa đông rất hanh khô. Không khí quá khô sẽ dẫn đến ho và đau họng nhiều hơn. Mình từng bị rát cổ họng không thể tưởng tượng được, như nuốt cả trăm cây kim. Đi tắm nước nóng hay sắm một cái máy làm ẩm sẽ giúp bạn đỡ đau họng và ho.
Khi nào nên đi bác sĩ
Nên đi khẩn cấp nếu bạn hay người bệnh bị khó thở (shortness of breath), đau ngực (chest pain), ói mửa nhiều và liên tục (vomiting), hoặc lẫn lộn không biết mình ở đâu (mental confusion). Ngoài ra, hãy gọi/đi bác sĩ nếu bị sốt hơn 3 ngày, sốt trên 40 độ C không giảm trong vòng 2 tiếng sau khi dùng thuốc tại nhà. Đối với trẻ em nếu bị sốt cao và lâu thì nên đi bác sĩ.
Nếu phải đi máy bay hãy nhớ
Khổ nhất là chưa hết bệnh mà đã phải đi làm, nhất là bay máy bay tới lui, chỗ đông người, lại càng dễ lây bệnh tùm lum tà la. Một điểm quan trọng cần nhớ là máy bay thay đổi độ cao và áp suất, đối với người bị nghẹt mũi hay còn cúm là một tai hoạ. Vì các xoang mặt, mũi, họng, và ống tai không thông bạn sẽ không điều chỉnh áp suất được khiến cho tai rất đau nhức khi cất cánh hoặc hạ cánh. Vì thế trước khi lên máy bay và 20 phút trước khi hạ cánh hãy dùng thuốc xịt mũi Afrin (oxymetazoline). Afrin là thuốc decongestant, nó sẽ giúp thông mũi ngay tức khắc và hỗ trợ việc đi máy bay.
Afrin cũng có thể được dùng khi không đi máy bay, nhưng không thể dùng quá 2 lần một ngày và quá 3 ngày, vì nó sẽ có tác dụng ngược làm nghẹt mũi hơn gấp nhiều lần (rebound congestion).
Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!
-Ngọc Bích, PharmD, RPh
Photo credit: Featured image, Sick, Netipots, Afrin, Steps to hand washing
Information source: Massachusetts Public Health
Chào chị. Em không biết chị đã tìm được những thông tin nào. Sau đây là link em thấy đáng tin cậy, thông tin về bệnh này cũng không được nhiều. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2947962/
https://rarediseases.info.nih.gov/diseases/1084/systemic-capillary-leak-syndrome
Theo như em tìm hiểu sơ thì bệnh này không có thuốc chữa, chỉ khi phát thì có các biện pháp điều trị triệu chứng và cố gắng phòng ngừa. Có người chỉ bị 1 lần, có người bị vài lần trong 1 năm.
Một số tài liệu có gợi ý dùng IVIG để phòng ngừa, nhưng có vẻ như không có thí nghiệm lâm sàng nào chứng minh hiệu quả rõ rệt. Và muốn để một thuốc có chỉ định trong HDSD thì bắt buộc phải có thông tin từ thí nghiệm lâm sàng. Và đối với một bệnh hiếm như vầy, khả năng công ty thuốc đầu tư thực hiện nghiên cứu là không cao.
Tuy nhiên ở Mỹ, đôi khi một số cty bảo hiểm có giải quyết trường hợp ngoại lệ cho những bệnh hiếm như vầy vì họ biết không có nhiều thông tin và bệnh nhân không có options khác. Và để thuyết phục họ thì bác sĩ phải cung cấp rất nhiều tư liệu về việc sử dụng thuốc này trong căn bệnh này ở những bệnh nhân khác.
Đa số các công ty dược có hàng brand name đều có chương trình patient assistance để giúp đỡ bệnh nhân không thể trả nổi chi phí của thuốc, nhưng ở VN thì em không biết như thế nào. Các tổ chức từ thiện thì em chưa nghe qua.
Ngoài IVIG, em thấy có thông tin là có thể dùng theophylline hoặc terbutaline để phòng ngừa. Chị có thể hỏi bác sĩ thử để họ tìm thông tin và tư vấn.
Hi vọng em trả lời phần nào được thắc mắc của chị.
LikeLiked by 1 person