Bệnh cúm (Phần 2): Hiểu rõ về tiêm ngừa bệnh cúm

Disclaimer: Nội dung của blog này mang tính tham khảo, không thể thay thế việc đi bác sĩ cũng như được chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Có thuốc ngừa bệnh cúm không?

Có.  Chích ngừa cúm (flu vaccine hay flu shot) giúp cơ thể bạn tự bảo vệ chống lại bệnh tật.  Loại thường dùng nhất là thuốc chích thường nơi bắp tay (intramuscular injection). Trước đây thì có thuốc xịt mũi cho những người sợ chích, nhưng năm vừa rồi các bác sĩ phát hiện thuốc xịt mũi không có tác dụng bảo vệ như mong muốn và nhiều người vẫn bệnh.

Tuy nhiên, mình nhấn mạnh là thuốc chích ngừa cúm chỉ ngừa bệnh cúm thôi, không có làm người khoẻ hơn hay chống lại các bệnh khác! Mình có nghe gia đình bà con ở Việt Nam đồn đại như vậy là không đúng khoa học.

Flu shot.jpg

Vaccine cúm hoạt động như thế nào và được bào chế ra sao?

Vaccine cúm (flu vaccine) có chứa virus cúm mà các nhà khoa học đoán là sẽ phổ biến trong một năm nhất định. Tại sao gọi là đoán? Vì virus gây bệnh cúm liên tục thay đổi (antigenic drift) cấu trúc, từ mùa này sang mùa khác, và ngay cả trong cùng một mùa. Để sản xuất kịp vaccine cho hàng triệu người, các nhà khoa học phải đoán từ nhiều tháng trước, vì vậy khả năng đoán trật hoàn toàn nằm trong dự đoán.

Khi tiêm vào người, vaccine sẽ khiến cơ thể tạo ra kháng thể (antibodies) để khi tiếp xúc với virus gây bệnh, cơ thể có hệ miễn dịch để chống lại nó. Flu vaccine thông thường bảo vệ bạn khỏi ba loại virus (gọi là trivalent vaccine): một virus influenza A (H1N1), một virus influenza A (H3N2), và một virus influenza B. Có một số vaccine có thể chống lại 4 virus, bao gồm 3 tên kể trên cộng thêm 1 virus influenza B.

Nếu các nhà nghiên cứu đoán chính xác được virus sẽ gây bệnh thì gọi là “good match”, thì hiệu quả của vaccine sẽ cao hơn, nhưng không phải lúc nào cũng đoán trúng phóc. Có năm vaccine sẽ có hiệu quả cao hơn nếu đoán đúng, hoặc có năm thì rất thấp, không bao giờ là 100%. Vì vậy ngay cả khi chích ngừa bạn vẫn có thể bị cúm, nhưng có thể bị nhẹ hơn hoặc ngắn ngày hơn.

Nếu muốn tìm hiểu thêm những thông tin quan trọng về bệnh cúm, bạn có thể vào trang web của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ CDC Flu Key Facts.

Ai nên chích ngừa bệnh cúm?

Ở Mỹ, khuyến cáo của bộ Y tế là mọi người từ 6 tháng trở lên nên được chích ngừa bệnh cúm.  Chỉ ngoại lệ là những người bị dị ứng nghiêm trọng với trứng hay vài thứ khác trong thuốc ngừa.  Điều quan trọng là những người liệt kê bên dưới được chích ngừa mỗi năm trước mùa cúm.

  • Trẻ từ 6 tháng đến 18 tuổi
  • Những người từ 50 tuổi trở lên
  • Phụ nữ mang thai và sau khi sanh
  • Những người ở mọi lứa tuổi bị vài bệnh sử y tế mãn tính như bệnh suyễn, tiểu đường, bệnh tim, bệnh thận và hệ thống miễn dịch suy yếu
  • Những người bị rối loạn cơ và thần kinh làm cho khó hít thở hay nuốt
  • Trẻ em từ 6 tháng đến 18 tuổi đang trị liệu aspirin dài hạn
  • Người cư ngụ trong nhà dưỡng lão và cơ sở nuôi dưỡng dài hạn khác
  • Người có nguy cơ có thể truyền bệnh cúm sang nhiều người. Ví dụ: nhân viên chăm sóc sức khỏe (healthcare workers), kể cả trong lúc được huấn luyện, nhân viên cứu ứng khẩn cấp (emergency medical service), nhân viên chăm sóc trực tiếp (như viện dưỡng lão), người sống cùng hoặc chăm sóc cho mọi người trong danh sách bên trên và người sống cùng hoặc chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 6 tháng, kể cả cha mẹ, anh chị em ruột và người giữ trẻ ban ngày.
flu-vaccine.jpg
Chích ngừa cúm (flu shot)
Ai không nên chích ngừa bệnh cúm hoặc phải cẩn trọng?

Trẻ em dưới 6 tháng tuổi còn quá nhỏ để chích ngừa cúm. Ngoài ra, những người có bệnh sử hoặc nguy cơ dị ứng nặng với vaccine hay các thành phần của vaccine (bao gồm gelatin hay kháng sinh nhất định) không nên chích ngừa. Nếu từng có bệnh sử Guillain-Barre Syndrome thì không nên chích ngừa cúm. Hãy hỏi kĩ bác sĩ và nhân viên y tế trước khi chích ngừa nhé.

Những ai có dị ứng với trứng hay một số thành phần nhất định trong vaccine có thể hỏi bác sĩ để có loại vaccine thích hợp.

Bạn có thể phòng ngừa bị bệnh cúm ra sao?
  • Chích ngừa bệnh cúm mỗi năm, nhất là khi mang thai hay có vấn đề sức khỏe mãn tính.
  • Rửa sạch tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc dùng thuốc diệt trùng có cồn.
  • Ho hay hắt hơi trong khăn giấy hay bên trong khuỷu tay áo. Vứt bỏ khăn giấy và rửa sạch tay.  Luôn rửa sạch tay trước khi sờ vào mắt, mũi hay miệng
  • Lau sạch đồ vật sờ vào thường xuyên, như tay nắm cửa, đồ chơi và điện thoại
  • Tránh thân thể tiếp xúc gần với người bị bệnh. Nên giữ khoảng cách ít nhất vài mét xa người nào bị bệnh cúm.
  • Những người có trẻ nhỏ, hệ thống miễn dịch yếu hay bệnh mãn tính nên tránh đám đông
  • Nên ở nhà, tránh nơi làm việc và trường học nếu cảm thấy mình bị bệnh giống như bệnh cúm (sốt cùng với ho hay viêm họng) và tránh tiếp xúc với người khác để siêu vi không lan truyền. Nên ở nhà cho đến khi không bị sốt ít nhất 24 giờ sau khi dùng liều lượng thuốc giảm sốt cuối cùng (như paracetamol/Tylenol, Advil hay Motrin). Đối với nhiều người, điều này sẽ có nghĩa là ở tại nhà khoảng 4 ngày.

Screen Shot 2017-03-30 at 11.46.46 PM

Rửa tay, rửa tay, rửa tay

Mình muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng chúng ta phải tập thói quen rửa tay thường xuyên và đúng cách! Rửa tay trước khi ăn, nhất là sau khi đi vệ sinh và ra nơi công cộng về. Không nên đưa tay lên mặt, mũi, miệng. Nên rửa tay bằng nước sạch và xà bông. Đánh cho xà bông ra bọt và chà lòng bàn tay, mu bàn tay, các ngón tay thật kĩ trong vòng ít nhất 15-20 giây (tính bằng thời gian hát hết bài Happy Birthday).

wash ur hands.jpg


Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!

-Ngọc Bích, PharmD, RPh 

Photo credit: Featured image, Influenza vaccine, Vaccination

Information: CDC Key Facts about Flu Vaccine

Bài liên quan:

Advertisement

One thought on “Bệnh cúm (Phần 2): Hiểu rõ về tiêm ngừa bệnh cúm

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s