Disclaimer: Nội dung của blog này mang tính tham khảo, không thể thay thế việc đi bác sĩ cũng như được chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bệnh lậu là gì?
Bệnh lậu (gonorrhea hay còn gọi là “the clap”) là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD), được gây ra bởi vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae, có thể lây nhiễm cho cả nam và nữ. Bệnh có thể gây nhiễm trùng cơ quan sinh dục ngoài, trực tràng và cổ họng. Ðây là một bệnh lây nhiễm rất phổ biến, đặc biệt là ở thanh niên trong độ tuổi từ 15-24.

Bệnh lậu lây truyền như thế nào? Làm sao để tránh?
Bạn có thể bị nhiễm bệnh lậu khi quan hệ tình dục qua hậu môn, âm đạo hay bằng miệng với người mắc bệnh lậu. Phụ nữ mang thai mắc bệnh lậu có thể truyền bệnh sang em bé trong quá trình sinh nở. Bạn có thể tự bảo vệ mình khỏi bị nhiễm bệnh lậu bằng cách:
- Không quan hệ tình dục;
- Duy trì mối quan hệ với một người lâu dài với người đã được xét nghiệm và có kết quả kiểm tra âm tính với bệnh lây qua đường tình dục.
- Sử dụng bao cao su latex và đê nha khoa đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục.
Làm sao biết mình có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh lậu hay không?
Bất kỳ ai có quan hệ tình dục đều có thể bị lây nhiễm bệnh lậu khi quan hệ tình dục không an toàn qua đường hậu môn, âm đạo hoặc bằng miệng.
Hãy nói chuyện cởi mở và trung thực với bác sĩ, hay ở Mỹ bạn có thể đi khám ở nurse practitioner, bác sĩ trong trường đại học và hỏi xem bạn có nên đi xét nghiệm bệnh lậu hoặc các STD khác hay không. Nếu là người đồng tính nam, lưỡng tính hoặc nam giới có quan hệ tình dục với đàn ông, bạn nên xét nghiệm bệnh lậu hàng năm.
Làm sao biết mình đã bị nhiễm?
Một số nam giới mắc bệnh lậu có thể không có triệu chứng nào cả. Tuy nhiên, ở những nam giới có triệu chứng, đó có thể là:
- Cảm giác nóng rát khi tiểu tiện;
- Dịch trắng, vàng hoặc xanh lá cây tiết ra từ dương vật;
- Tinh hoàn bị đau hoặc sưng (mặc dù triệu chứng này ít gặp).
Hầu hết phụ nữ nhiễm bệnh lậu đều không có bất kỳ triệu chứng nào. Ngay cả khi phụ nữ có triệu chứng, chúng cũng thường nhẹ và có thể bị nhầm là nhiễm trùng âm đạo hoặc bàng quang. Phụ nữ mắc bệnh lậu có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng do nhiễm trùng, ngay cả nếu họ không có triệu chứng. Những triệu chứng ở phụ nữ có thể bao gồm:
- Cảm giác đau hoặc nóng rát khi tiểu tiện;
- Tăng dịch tiết âm đạo;
- Chảy máu âm đạo giữa các chu kỳ kinh nguyệt.
Nhiễm trùng trực tràng có thể không gây ra triệu chứng nào hoặc gây ra các triệu chứng ở cả nam và nữ, gồm có: Tiết dịch, ngứa hậu môn, đau nhức, chảy máu, đại tiện đau.
Bác sĩ thử và chẩn đoán bệnh cho bạn bằng cách nào?
Trong hầu hết các trường hợp, có thể sử dụng nước tiểu để xét nghiệm bệnh lậu. Tuy nhiên, nếu bạn quan hệ tình dục qua đường hậu môn và/hoặc đường miệng, có thể sử dụng gạc để thu thập mẫu xét nghiệm từ cổ họng và/hoặc trực tràng của bạn. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng gạc để thu thập mẫu từ niệu đạo (đường tiểu) của nam giới hoặc cổ tử cung của phụ nữ.
Hậu quả của việc không điều trị
Ở nữ, bệnh lậu không được điều trị có thể lan tới tử cung và ống dẫn trứng (ống mang trứng đã thụ tinh từ buồng trứng vào tử cung), gây bệnh viêm vùng chậu (pelvic inflammatory disease hay PID). PID thường không có triệu chứng, một số người có thể bị đau bụng và đau vùng chậu. Ngay cả khi không có biểu hiện ban đầu, PID có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn đến hệ sinh sản (reproductive system) và dẫn đến đau vùng chậu lâu dài, mất khả năng mang thai, mang thai ngoài tử cung, và gây tử vong tiềm ẩn.
Ở nam giới, bệnh lậu có thể gây ra tình trạng đau đớn trong các ống nối với tinh hoàn. Trong các trường hợp hiếm gặp, bệnh này có thể khiến cho nam giới bị vô sinh mất khả năng làm cha. Bệnh lậu không được điều trị còn có thể lan vào máu hoặc khớp (arthritis) trong một số trường hợp hiếm gặp, có thể đe dọa đến tính mạng. Bệnh lậu nếu không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ nhiễm hoặc lây truyền HIV, virus gây bệnh AIDS cho cả nam lẫn nữ.
Đối với người mang thai, bệnh lậu ảnh hưởng đến thai nhi ra sao?
Phụ nữ đang mang thai và nhiễm bệnh lậu có thể truyền bệnh sang con mình trong quá trình sinh nở. Ðiều này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho con. Phụ nữ đang mang thai cần phải nói chuyện với bác sĩ để được kiểm tra, xét nghiệm và điều trị phù hợp, nếu cần. Ðiều trị bệnh lậu càng sớm thì có thể sẽ làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng về sức khỏe cho con.
Bệnh lậu được chữa trị như thế nào?
Bác sĩ sẽ cho bạn thuốc kháng sinh. KHÔNG PHẢI LOẠI NÀO CŨNG CHỮA ĐƯỢC BỆNH LẬU. Mình la làng như vậy là vì người Việt Nam uống thuốc tràn lan, tự mua kháng sinh uống dẫn đến nhiều hậu quả cực kì nghiêm trọng.
Theo guideline năm 2015, thuốc được Center for Disease Control & Prevention khuyên dùng tuỳ vào triệu chứng có phức tạp hay không. Triệu chứng không phức tạp (uncomplicated) sẽ được chữa bằng hai loại kháng sinh kết hợp (thường là ceftriaxone và azithromycin). Bệnh phức tạp có thể biểu hiện ra da, gây viêm não, viêm màng tim, viêm mắt (mình không để hình vì nó rất là ghê).
KHÔNG ĐƯỢC TỰ MUA THUỐC VỀ UỐNG. Kháng sinh không phải là thuốc hiền, đều có tác dụng phụ riêng. Mỗi người tuỳ cơ địa, dị ứng, hay các bệnh khác mà bác sĩ sẽ chọn loại này so với loại khác.
Bạn nên đợi bảy ngày sau khi dùng hết tất cả các loại thuốc trước khi quan hệ tình dục. Bạn phải uống hết tất cả thuốc được cho! Không được thấy đỡ đỡ rồi bỏ, vì sẽ dẫn đến vi khuẩn kháng kháng sinh (antibiotic resistance bacteria), sẽ có lúc bệnh cần thuốc sẽ không thuốc nào có tác dụng!
Bệnh lậu có thể được chữa khỏi hay không?
Có, nếu được điều trị thích hợp và dứt hẳn.Bạn phải dùng đúng cách và dứt điểm những thuốc mà bác sĩ cho để chữa khỏi bệnh này. Khi dùng đúng hướng dẫn, thuốc sẽ ngăn lây nhiễm và giảm khả năng mắc các biến chứng về sau. Không nên dùng chung thuốc điều trị với bất kì ai. Tuy nhiên, thuốc chỉ chữa khỏi vi khuẩn, còn những tổn thương vĩnh viễn vi khuẩn đã gây ra với cơ quan sinh dục sẽ không để hồi phục được. Vì vậy việc cẩn trọng trong chẩn đoán và chữa trị là vô cùng cần thiết để tránh bị vô sinh.
Ðiều trị bệnh lậu đang ngày càng trở nên khó khăn hơn, vì các biến thể kháng thuốc của bệnh lậu đang ngày càng gia tăng. Nếu các triệu chứng của bạn kéo dài nhiều hơn một vài ngày sau khi được điều trị, bạn nên quay lại bác sĩ để được khám lại.
Tài liệu tiếng Việt: Tờ rơi Gonorrhea- Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ
Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!
-Ngọc Bích, PharmD, RPh
Sources: Featured image, Neisseria gonorrhoeae, Gonorrhea- CDC Fact Sheet, Gonorrhea treatment guidelines, Antibiotics, Mayo Clinic
Bài viết rất hữu ích cung cấp cho những ai còn chưa hiểu hết về cách chữa trị hay đang tìm thông tin chính xác. Bên cạnh đó cũng phải tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây bệnh để có thể được tư vấn liệu trình chữa phù hợp.
LikeLike
Mấy hôm vừa rồi cô bạn mình có lên mạng tìm hiểu thông tin này mà đọc toàn không chi tiết đầy đủ. Nay cô bạn mới tìm được nên chia sẻ với mình. Đúng là rất bổ ích. Cám ơn bạn đã chia sẻ bài viết này để cho mọi người hiểu sâu hơn.
LikeLiked by 1 person
Cam on ban da theo doi 🙂
LikeLike
Very useful for my thesis
LikeLike
Bài viết là cái nhìn tổng quát về bệnh lậu. Triệu chứng chảy mủ dương vật là triệu chứng điển hình của bệnh lậu ở nam giới. Bệnh lậu cấp nếu ko được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ chuyển thành lậu mạn tính, lúc này triệu chứng ít rầm rộ hơn tuy nhiên sẽ để lại nhiều biến chứng.
LikeLike