Ở post trước Dinh dưỡng bổ sung (Phần 1)- Biết luật để bảo vệ bản thân, mình đề cập đến việc không nên cả tin dùng sản phẩm theo lời người quen mà không xem xét kĩ lưỡng về thành phần cũng như công dụng. Ở post này mình bàn thêm về các loại claim khác nhau trên sản phẩm dinh dưỡng bổ sung.
Disclaimer: Những thông tin dưới đây được áp dụng cho các sản phẩm sản xuất cho thị trường Mỹ. Quy định ở Việt Nam thì mình không biết thế nào. Nhưng khi nào không biết chắc ăn, mình đều theo luật của Mỹ vì tất cả mọi sản phẩm đều được quản lý vô cùng chặt chẽ để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
Các loại claim khác nhau của dinh dưỡng bổ sung
Nutritional hay dietary supplement (dinh dưỡng bổ sung) ở Mỹ tuy không được quản lý chặt chẽ như dược phẩm nhưng vẫn có đầy đủ luật lệ từ Cục quản lý Dược và Thực Phẩm (Food and Drug Administration mà mình sẽ viết là FDA cho gọn) về những gì công ty sản xuất có thể quảng cáo hay in trên bao bì. Ở phần này mình sẽ chú trọng về claims (dịch nôm na là những câu quảng cáo về công dụng cho sức khỏe của sản phẩm).
Structure/Function claim

Dạng claim này miêu tả vai trò của chất được nêu trong việc giữ gìn chức năng (function) và cấu trúc (structure) của cơ thể. Nhấn mạnh chữ giữ gìn (maintain), mà không phải là tăng cường nhé. Mục đích của claim này dùng để nêu lên chức năng của thành phần trong thức ăn, chứ không được trực tiếp quảng cáo sản phẩm đó với những công dụng ABC hay XYZ về một bệnh cụ thể nào cả.
Ví dụ: Một cốc sữa tươi Con heo cười chứa 30% lượng canxi cần thiết trong ngày. Canxi giúp cho xương chắc khỏe. Chứ không được ghi là Một cốc sữa tươi Con heo cười mỗi ngày tốt cho sức khỏe vì nó quá chung chung.
Dạng structure/function claim này không cần phải được duyệt bởi FDA trước khi ra thị trường, nhưng bắt buộc phải đi kèm với lời chú thích (disclaimer) “Câu này chưa được kiểm duyệt bởi Cục Quản Lý Dược và Thực Phẩm. Sản phẩm này không được dùng để chẩn đoán, điều trị, ngăn ngừa bệnh” vì chỉ có dược phẩm mới được đề các tác dụng này một cách hợp pháp.”
Health claim
Health claim miêu tả tác dụng của một chất trong việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh nhất định. Nhấn mạnh vào “giảm nguy cơ”, chứ không phải ngăn ngừa. Ví dụ: Canxi giúp giảm nguy cơ bị loãng xương. Health claim không chỉ bao gồm câu chữ in trên bao bì, mà ngay cả hình ảnh như là hình trái tim (vì đây có thể gợi ý sai cho người tiêu dùng nghĩ là sản phẩm này tốt cho tim mạch). Health claim cần được FDA xem xét và duyệt trước khi được đưa sản phẩm ra thị trường.
Nutrient Content claim

Claim về hàm lượng dinh dưỡng trong thực phẩm chức năng hay dinh dưỡng bổ sung. FDA có rất nhiều quy định xung quanh từ ngữ có thể dùng để miêu tả hàm lượng dinh dưỡng, không phải muốn để gì cũng được. Ví dụ như “good” (như là nguồn dinh dưỡng tốt cung cấp canxi), hay “low-fat” (ít chất béo), “fat-free” (không béo) đều phải được định nghĩa rõ ràng, bao nhiêu thì được gọi là ít hay không béo. Hơn nữa, các claim này nếu muốn so sánh với các sản phẩm khác thì phải có bằng chứng cụ thể là so với sản phẩm nào, có hợp lý hay không. Ví dụ như so sánh Măng cụt có ít chất béo hơn khoai tây chiên là hoàn toàn không hợp lý vì đó là điều hiển nhiên.
Nếu muốn tìm hiểu thêm thông tin về các loại claim này cũng như quy định của FDA, mọi người có thể tham khảo tại trang web của FDA. Thông tin trên trang này thì nhiều và hơi technical nên mình sơ lược những điều cơ bản trong post này thôi.
—
Những quy định trên của FDA được áp dụng cho nhãn hàng và bao bì. Còn quảng cáo thì được kiển duyệt bởi một bộ phận khác– Federal Trade Commission (FTC), có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng khỏi những quảng cáo cường điệu và thiếu chính xác. Vài năm trước, một hãng nước uống chuyên sản xuất nước từ trái lựu (pomegranate) phải gỡ bỏ chiến dịch quảng cáo như trên vì bị FTC phản đối. Nước uống POM Wonderful không thể nào giúp bạn đánh lừa thần chết được. Uống nước lựu có thể là tốt nhưng đến lúc chết thì ai chả chết, và làm gì có nghiên cứu nào chứng minh cho tác dụng này.
Lời cuối
Tóm lại, như mọi người thấy đó, không có dược phẩm hay thực phẩm chức năng nào dám khẳng định chắc như đinh đóng cột là sẽ giúp tăng cường sinh lý, chữa nhức đầu, đau khớp, tiền mãn kinh, đẹp da, dài tóc, nói chung là có lợi cho tất cả các bộ phận từ đầu đến chân.
Nếu đọc quảng cáo như này thì bạn nên cao chạy xa bay đi nhé. Đùa thôi, ít ra nên cẩn trọng trước những gì nạp vào người.
Hãy nhớ là không có sản phẩm nào mà giải quyết được “mọi vấn đề” hay cho “tất cả mọi người” hết. Có tác dụng với người này chưa chắc với mình. Thêm nữa, nên tìm hiểu về nguồn gốc ở Mỹ hay châu Âu của những thuốc được quảng cáo xem có thật không, đừng chỉ tin giá trị của lời truyền miệng.
Dùng những chất này có thể sẽ có tác dụng với một số người nên mình không ngăn cản ai muốn dùng cả, như dầu cá đúng là có tác dụng với thị lực, glucosamine có thể giúp khớp xương, đậu nành giúp cho các triệu chứng tiền mãn kinh, v.v. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là hàm lượng và chất lượng của những sản phẩm này. Ngay cả ở Mỹ, khi cơ quan chức năng đi kiểm tra chất lượng vẫn phát hiện một số sản phẩm chứa rất ít hoạt chất so với hàm lượng nêu trên bao bì (ví dụ như viên dầu cá chỉ chứa chất làm đầy (filler) chứ chẳng có dầu hay vitamin gì cả). Thêm nữa công ty kém chất lượng sẽ dễ làm nhiễm bẩn sản phẩm (contamination) với nhiều chất độc hại khác trong quá trình sản xuất.
Cuối cùng, thật ra có một tác dụng mà bất cứ thuốc hay sản phẩm nào cũng có thể có- Đó là hiệu ứng giả dược (placebo effect). Nếu sản phẩm bổ sung không có hại, có chất lượng được kiểm tra đàng hoàng, hướng dẫn sử dụng hợp lý, không kháng với các thuốc khác bạn đang dùng thì thích cứ xài. Biết đâu cũng có hiệu ứng giả dược thấy mình thoải mái khoẻ khoắn thêm thật sự.
Điều quan trọng mình hi vọng đã truyền đạt đến mọi người là hãy tự trang bị kiến thức để làm người tiêu dùng hiểu biết (informed consumer). Điều này không chỉ có lợi cho bản thân, cho gia đình, mà còn giúp những doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng trở nên lương thiện hơn vì nếu không sẽ không còn khách hàng ủng hộ.
Source: Feature Image, FDA Claim Photos, POM
Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!
-Ngọc Bích