Ở post trước Phỏng vấn kiểu Mỹ (Phần 1), mình bàn cụ thể về STAR interview. Ở post này, mình sẽ tập trung vào những vấn đề dạng câu hỏi khác cũng quan trọng không kém trong một buổi phỏng vấn.
Tell me about yourself- Hãy kể cho tôi nghe về bản thân bạn
Hầu như ai cũng mở đầu bằng câu này. Tuy dễ mà khó, vì nó không có cấu trúc nhất định nên bạn muốn nói gì cũng được. Vì thế nên nhiều người trả lời rất chán– em sinh ra ở đây lớn lên ở kia, nhà có mấy anh chị em, học trường cấp 3 nào, thời gian rảnh em xem phim, v.v. Là người phỏng vấn một ngày gặp nhiều ứng viên và còn phải tranh thủ làm công việc thường nhật, thật sự họ sẽ không nhớ. Nếu bắt đầu bạn đã không gây được ấn tượng thì bạn vừa đi họ quên ngay. Trừ khi, bạn có câu chuyện đời tư rất là extraordinary phi thường, đã ảnh hưởng đến sự lựa chọn nghề nghiệp của bạn. Nhưng cái này cũng cần suy nghĩ vì đôi khi kể riêng tư quá người khác sẽ bị khớp hoặc ngại vì bạn chia sẻ hơi bị nhiều trong khi lần đầu gặp nhau vẫn còn là người lạ. Một lần mình phỏng vấn, có anh ứng viên kia vừa ngồi xuống, được mình hỏi câu này thì kể về chuyện anh ấy bị cướp dí súng nhưng thoát chết. Rồi anh kể tiếp một thôi một hồi, nhưng không thấy liên quan đến việc anh đi xin việc. Mình thấy khó xử trong trường hợp này vì ngoài câu chuyện đó ra, kinh nghiệm và những khả năng anh ấy chứng tỏ trong cuộc phỏng vấn đó không có gì thuyết phục hơn các bạn khác.
Mình thích hỏi các em sinh viên câu này vì đây là dịp để xem họ có sắc bén và chuẩn bị hay không. Như mình, luôn bắt đầu bằng tốt nghiệp trường nào ngành gì, đã làm internship ở đâu (rất ngắn thôi như là nêu tên chức vụ và công ty, rồi mồi chài thêm “nếu chị muốn biết thêm thì trên CV có viết và em sẵn sàng giải thích thêm). Tiếp theo là lí do vì sao em ứng tuyển cho công việc này và em có 1, 2 điểm tốt này rất phù hợp với vị trí chị đang tuyển. Chấm hết. Mình luôn tập dượt thử ở nhà, nếu dài quá 45-60 giây là cắt, vì càng dài người nghe cũng chỉ chú ý nghe hết 45-60 giây đầu thôi.
Be prepared for any oddball question- Chuẩn bị tinh thần cho bất kì câu hỏi kì cục nào
Trong một buổi phỏng vấn fellowship, đang trả lời mọi câu trôi chảy thì mình được hỏi “Nếu bạn bị lạc trên hoang đảo và chỉ được mang theo một loại thuốc thì bạn sẽ mang gì?” Mình ngớ ra vài giây rồi bảo sẽ mang paracetamol, vì thuốc này khá hiền và trị được nhức đầu đau cơ (thank you quảng cáo Panadol thời thơ ấu!). Thực tế là không có câu trả lời đúng hay sai, người phỏng vấn chỉ muốn quan sát xem bạn nắm bắt tình huống như thế nào, có bị đứng hình hay toát mồ hôi hột run rẩy mếu máo hay không.
Một số câu hỏi độc địa khác mình được biết như Nếu có thể là bất cứ loại thuốc nào, bạn sẽ chọn thuốc gì? Nếu bị lạc trên hoang đảo và chỉ được mang theo 3 thứ, bạn sẽ chọn gì? Chị bạn kể có em khi được hỏi trong thời gian rảnh thích làm gì (câu hỏi này thật ra vô cùng bình thường chứ chẳng oddball gì), em này thì nhanh miệng bảo là em đi tình nguyện. Chị ấy tò mò hỏi em tình nguyện ở đâu, thì em này ngớ đực ra vài phút, lắp bắp nói dối vài ba câu, rồi khóc tại chỗ luôn (?!). Đây là trường hợp mà mọi người nên tránh xảy ra bằng mọi giá. Một số câu hỏi oddball của các công ty khác trong năm 2015 độc đáo như là:
- Airbnb: Bạn sẽ làm gì nếu là người sống sót duy nhất trong tai nạn máy bay?
- Dropbox: Nếu bạn thức dậy và thấy 2,000 email chưa đọc trong inbox, và chỉ được chọn 200 để đọc và trả lời, bạn sẽ chọn như thế nào?
- Stanford University: Batman và Spiderman đánh nhau ai thắng?
- Spirit Airlines: Bạn hãy miêu tả màu vàng cho một người mù
Những câu hỏi thường gặp khác
- Nếu được nhận vào làm công việc này, em nghĩ mình sẽ gặp những khó khăn gì? (Câu trả lời tệ nhất là “Em sẽ không gặp khó khăn gì cả”)
- Ngoài công việc chính thức, em có đam mê gì? (nên chọn cái gì thú vị một chút, hạn chế trả lời em đam mê xem truyền hình thực tế hay chơi điện tử)
- Hãy kể về một thành quả đáng tự hào nhất mà em từng đạt được (Thành quả không nhất thiết phải trong việc học tập, bạn có thể kể về những đam mê khác, thể thao, văn nghệ, v.v)
- Khi nghĩ về tương lai trong 5 năm tới, bạn hình dung bản thân ra sao? (Sếp thực tập của mình có hỏi 1 em câu này, câu trả lời của em là “Trong 5 năm nữa em hi vọng mua được một chiếc BMW” No no no!)
Đây là những câu hỏi mình đã từng gặp qua nhiều vòng phỏng vấn. Có thể những ngành nghề khác có các câu hỏi đặc trưng riêng, bạn nên tìm hiểu qua forum và hỏi những người đi trước để biết công ty hay ngành nghề đó thường quan tâm gì ở ứng viên.
Have good questions to ask- Chuẩn bị câu hỏi cho nhà tuyển dụng
Sau khi đã hỏi tới tấp về bản thân và kinh nghiệm của bạn, sẽ đến lúc người phỏng vấn hỏi Thế em có gì muốn hỏi chúng tôi không? Và câu trả lời tệ nhất quả đất lúc này là “DẠ KHÔNG”. Phải có câu hỏi chuẩn bị sẵn, vì đây là cơ hội để bạn được trực tiếp tìm hiểu về môi trường mà mình có thể sẽ làm việc. Và câu hỏi càng tinh ý và sâu sắc thì sẽ gây ấn tượng mạnh hơn với nhà tuyển dụng. Họ sẽ gật gù À, em này rất am hiểu và quan tâm đến công ty chúng ta, câu hỏi rất hay.
Be authentic and genuine
Hãy là chính mình nghe có vẻ sến sẩu, nhưng thực tế là nếu bạn giả vờ làm một người hoàn toàn khác thì dù có được nhận làm việc cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra. Bạn có thể đi làm đối mặt với những người làm chung hằng ngày và giả vờ mãi được không? Tuy nhiên, là chính mình cũng không có nghĩa là bạn chỉ có một khuôn cứng nhắc. Người khéo léo là phải biết thay đổi chủ đề câu chuyện đây một chút, kia một chút, hay tỏ ra cởi mở hơn nếu gặp người hướng ngoại, và từ tốn khiêm nhường hơn khi gặp những người hướng nội. Không nên nói dối, phóng đại hay nói xấu sếp và đồng nghiệp vì người phỏng vấn tinh ý sẽ dễ dàng nhận ra. Mỗi người có thể có nhiều phiên bản khác nhau để phù hợp với mọi trường hợp mình gặp phải. Như ông bà ta thường nói Quân tử ở bầu thì tròn ở ống thì dài. Quan trọng vẫn là quân tử, vẫn giữ được bản chất của mình.
—–
Trong phần tiếp theo, mình sẽ đề cập đến những kiểu interview khác và làm thế nào để cảm ơn đúng cách sau buổi phỏng vấn. Nếu có câu hỏi gì, mọi người cứ comment phía dưới hoặc Like và post trên Facebook Page của trang để mình trả lời hoặc sẽ viết một blog khác đầy đủ hơn nếu vấn đề được nhiều người quan tâm.
-Ngọc Bích, PharmD, RPh
Souce: Island, Interview Questions, Image
- Phỏng vấn kiểu Mỹ (Phần 1)- Behavioral Interview & STAR technique
- Phỏng vấn kiểu Mỹ (Phần 3)- Phone interviews, Thank you note, Bad experiences
- Trang phục phỏng vấn- Tuân thủ quy tắc nhưng vẫn tạo điểm nhấn riêng
- 5 điều quan trọng để phỏng vấn thành công
- Resume/CV (Phần 1): Bắt đầu từ đâu?
- Resume/CV (Phần 2): Nội dung, câu chữ, action words
- Resume/CV (Phần 3): Viết xong resume, tiếp theo làm gì?
Thank you so much for your advice! They are so great! Even though I always prepare a list of questions that can be asked, I often get so nervous when some new questions arise during interviews. I usually know what I want to tell the interviewer. But it is hard to put the ideas in words and I could not say the whole answer smoothly. Do you find that common in interviewees? Do you have any advice how to improve that?
LikeLiked by 1 person
I can think of 2 things that might help
– Mock interview: Ask your advisor or even your friends to give you one or two practice runs. It helped me with calming the nerves and preparing for unexpected questions. Even though it’s someone you know, it still helps when they throw random questions at you
– Practice at home: you can write out the answers if you find it difficult to be articulate on the spot. Practice these at home. Have flash cards with random questions and flip through them and try to answer within the time frame
And like I said before you can always ask for 30 seconds to think instead of rambling on when you’re nervous 🙂 Hope that helps
LikeLiked by 1 person
This is awesome! Thank you so much!
LikeLiked by 1 person