Sau khi hì hục viết đi viết lại, sửa tới sửa lui, tiếp theo làm gì? Trong những bài trước, mình hướng dẫn các bước quan trọng để bắt đầu và làm sao để nội dung hấp dẫn có sức nặng. Khi bạn nghĩ đã viết xong, hãy nghỉ một hai ngày, rồi lại ngồi xuống đọc lại. Hãy in ra một bản, vì khi đọc trên giấy nó khác hẳn trên máy tính.
Phải nhờ ít nhất 2-3 người khác xem resume để giúp chỉnh sửa. Một người có thể là bạn, một người nên là mentor hay sếp thân thiết khi đi thực tập, hoặc các anh chị lớp trên. Dù bạn có duyệt tới lui bao nhiêu lần cũng không bằng một cặp mắt khác, đặc biệt là cặp mắt của người đi trước biết rõ người tuyển dụng thích đọc gì, cái nào nên hay không nên nhấn mạnh.
Hãy có nhiều phiên bản (version) khác nhau của resume/CV cho từng công việc bạn apply. Mỗi công việc, công ty đều tìm kiếm những vị trí khác nhau, cần highlight những điểm khác nhau của bạn, dù là cùng một ngành. Không bao giờ nên dùng duy nhất 1 phiên bản nộp đại trà cho tất cả các chỗ. Đi tìm việc làm là chuyện khó khăn nên càng đầu tư thời gian và công sức, bạn sẽ tăng cơ hội thành công.
Yếu tố tuyệt đối quan trọng
- Không được phép sai bất kì một lỗi chính tả nào. Thử đặt mình vào vị trí nhà tuyển dụng, mỗi ngày nhận được vài chục hay vài trăm resume. Đây đều từ những người háo hức muốn chứng mình bản thân là ứng cử viên lý tưởng, thế mà ngay cả chuyện đơn giản nhất là viết resume hoàn hảo cũng không xong thì làm sao chứng mình được gì?
- Resume/CV phải được update thường xuyên khoảng vài ba tháng 1 lần, không phải khi cần đi tìm việc mới lôi ra. Vì trong quá trình làm việc, có thể bạn sẽ có những project hay và lúc đó viết xuống liền thì lời lẽ sẽ hấp dẫn hơn, so với 1 năm sau ngồi nhớ lại rồi mới bắt đầu diễn ta
Resume/CV trong ngày phỏng vấn
Viết xong, nộp xong, chưa phải là xong. Trong ngày phỏng vấn, có nhiều thứ liên quan đến CV/resume mà bạn nên lưu ý.
- In nhiều bản cầm theo: Thường thì nhân sự sẽ in sẵn resume cho người phỏng vấn bạn. Nhưng bạn luôn luôn phải mang theo extra copies phòng hờ, nhỡ người ta bước vào phòng quên mang theo thì có đưa ngay. Nếu không sẽ mất thiện cảm một tí. Và khá nhiều người bước vào phòng phỏng vấn mới bắt đầu đọc resume, và nếu họ quên mang và bạn cũng quên mang thì khá thất bại
- In trên giấy tốt: Chịu khó tốn kém một xíu và in trên giấy tốt, đừng quá mỏng nhưng cũng đừng quá dày gây cộm. Giấy sang và tốt sẽ mang đến cảm giác chuyên nghiệp khi người ta cầm vào resume của bạn. Nhưng giấy quá giày có thể khiến người khác khó cầm, gây bực mình
- Bấm ghim hay kẹp: Tìm việc làm là chuyện hệ trọng, vì thế ngay cả chuyện bấm ghim hay kẹp giấy cho CV của bạn cũng là một vấn đề nhiều tranh cãi. Có người cho là bấm ghim dễ lật từ trang này sang trang khác. Có người lại cho là kẹp giấy thì người ta dễ dàng gỡ ra, trải mấy tờ giấy ra trước mặt cho dễ đọc. Theo mình thì không có cái nào đúng cái nào sai, bạn chỉ cần chọn một trong hai, miễn là đừng đưa một đống giấy không kẹp để người ta tự ngồi mò
- Kẹp resume vào portfolio cho chuyên nghiệp: Đừng nhét resume vào cặp rồi lôi ra, ai biết được nó sẽ bị nhăn, mực bị nhoè. Nên sắm cho mình một cái bìa da giả gọi là portfolio (như hình). Nó có chỗ để được vài cái resume, ít card visit (business card), kẹp cây bút, và có một quyển sổ mỏng để bạn ghi chép nếu có câu hỏi chuẩn bị sẵn hay cần ghi lại thông tin.

Một số ý tưởng mới
Trong vòng mấy chục năm qua, có thể nói cách phỏng vấn, nộp resume, cách viết resume không thay đổi gì mấy, thật là trang trọng và không kém phần cũ kĩ. Dạo gần đây mình thấy một số người bắt đầu thử nghiệm phong cách mới lạ bắt mắt hơn. Đây là một ý tưởng hay, nhưng mình có lời khuyên chung như sau: Hãy biết ngành, biết người. Một số ngành đòi hỏi nhiều sáng tạo thì việc nộp resume bắt mắt, khoe được kĩ năng thiết kế đồ hoạ và trí sáng tạo phong phú của bạn là lựa chọn khá phù hợp. Dưới đây là ví dụ mình thấy khá tốt, nó nổi bật nhưng không quá mức, và vẫn còn giữ một chút truyền thống.
Còn hai ví dụ tiếp theo, theo mình cần phải thật chuyên nghiệp mới làm được infographics như thế này mà không bị hỏng (Mình thích cái bên trái hơn cái bên phải). Mà dù bạn có làm được đi nữa, mình cũng khuyên không nên đối với ngành dược vì nó hơi quá xa ý tưởng thông thường.
Nhìn chung, ngành dược theo mình vẫn còn khá trang trọng, cũ kĩ, có nhiều người đi trước khá lớn tuổi và ưa chuộng những gì họ đã quan sẵn. Vì vậy thử nghiệm với format mới có thể tác dụng ngược, nhất là sinh viên dược thường cũng không giỏi đồ hoạ nên sẽ làm chưa tới, trở thành làm quá, rối rắm, gây ấn tượng xấu tức thì.
Lời kết
Đi tìm việc làm là chuyện không dễ, nhất là việc làm chính thức đầu tiên. Mặc dù kinh nghiệm làm part-time và internship tổng cộng gần 2 năm, khi đi tìm việc làm chính thức mình vẫn gặp rất nhiều trở ngại. Vì vậy những gì trong tầm kiểm soát của mình, bạn hãy cố gắng làm cho thật hoàn hảo. Trong mùa tìm việc, ngày nào sau giờ làm fellowship mình cũng ngồi lại 1-2 tiếng để sửa CV, in ra đọc, sửa tiếp, làm nhiều version để nộp nhiều nơi. Để tìm được công việc đầu tiên, mình submit hơn 30 CV đến những chỗ khác nhau, mới được khoảng 5 chỗ gọi đi phỏng vấn. Sau khi tìm được công việc đầu tiên thì head hunter mới bắt đầu gọi đi làm ở những chỗ khác, trong khi trước đó họ không thèm nhìn đến.
Hãy tiếp tục cố gắng đừng nản chí, vì sau khi gõ cửa đập cửa và đạt được một cơ hội đầu tiên thì các nhà tuyển dụng khác sẽ tìm đến bạn trong tương lai.
Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!
-Ngọc Bích, PharmD, RPh
Bài liên quan:
- Resume/CV (Phần 1): Bắt đầu từ đâu?
- Resume/CV (Phần 2): Nội dung, câu chữ, action words
- Phỏng vấn kiểu Mỹ (Phần 1)- Behavioral Interview & STAR technique
- Phỏng vấn kiểu Mỹ (Phần 2)- Nếu bị lạc trên hoang đảo, bạn sẽ mang theo thuốc gì?
- Phỏng vấn kiểu Mỹ (Phần 3)- Phone interviews, Thank you note, Bad experiences
- Trang phục phỏng vấn- Tuân thủ quy tắc nhưng vẫn tạo điểm nhấn riêng
- 5 điều quan trọng để phỏng vấn thành công
Photo credit: Featured image, Interview, Example 1, Example 2, Example 3, Resume portfolio