Ở phần Resume/CV (Phần 1)- Bắt đầu từ đâu?, mình đề cập đến những kiến thức và kĩ năng cơ bản để tạo resume/CV. Phần này, mình bàn thêm về nội dung (content), câu chữ, ý, lời từ kinh nghiệm viết resume/CV trong ngành dược.
Thông tin cá nhân & điểm trung bình cao bao nhiêu mới kê?
Trước khi viết resume/CV, hãy suy nghĩ kĩ về công việc bạn muốn theo đuổi và đọc nhiều miêu tả công việc (job descriptions) để viết cho phù hợp, highlight những kĩ năng mà họ muốn tìm kiếm. Ngoài ra, hãy để ý những văn hoá khác nhau về cách trình bày resume/CV và những lời khuyên mà bạn nhận được. Khi tìm hiểu, mình thấy nhiều trang web VN gợi ý điền thông tin về tuổi tác, tình trạng hôn nhân, dân tộc, sức khoẻ, v.v và kèm theo hình. Ở Mỹ, nhân sự và nhà tuyển dụng tuyệt đối không được phép hỏi về những vấn đề này, để tránh việc phân biệt đối xử đối với ứng cứ viên.
Đôi lúc chúng ta không có ý phân biệt đối xử, nhưng những ý trong tiềm thức không biết (unconscious bias) thì không kiểm soát được. Phân biệt đối xử ở Mỹ tuyệt đối cấm kị, về sức khoẻ/khuyết tật (disability), tuổi tác (kì thị người lớn tuổi), giới tính (sexual orientation). Vì vậy, cả việc để hình lên resume cũng là một điểm tranh cãi, thường không ai kèm hình cả.
Ngoài ra, nếu ở Mỹ và dự định post resume/CV lên những trang mạng hàng loạt, bạn có thể bỏ số điện thoại và địa chỉ nhà ra. Xã hội ở đây việc bảo vệ thông tin cá nhân là cần thiết, nếu người ta cần liên lạc thì có thể email dễ dàng, chứ trưng bày địa chỉ và số điện thoại nhiều khi chỉ nhận toàn spam quảng cáo tùm lum suốt ngày. Như ví dụ dưới đây, mình chỉ để thông tin căn bản, và không để trường trung học nữa vì nó không còn là quan trọng. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì các trường chuyên tuyển rất có giá tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, nên việc để là tuỳ bạn.
Ngoài ra, việc để thông tin điểm trung bình (grade point average hay GPA) cũng là điều cần lưu ý. Có người khuyên là nếu trên 3.5/4 thì hãy để, không thì đừng khai vì chẳng giúp ích gì mà lại tạo ấn tượng xấu. Nhưng cũng tuỳ, vì nếu bạn học trường rất nổi tiếng, chấm điểm khó, có thể 3.23 đã là cao. Và mỗi ngành có thể khác nhau. Nếu học Psychology mà điểm 3.25 thì mình nghĩ là hơi thấp. Những nếu học Chemical Engineering, Computer Science, Architecture thì mình nghĩ trên 3.0 là khá rồi. Cái này bạn có thể hỏi thêm thầy cô hướng dẫn trong trường, chứ mình không cho ý kiến về trường bạn được.
Những gợi ý cho nội dung của resume/CV tốt và ví dụ cụ thể
- Trình bày nên có thứ tự rõ ràng, logic như đã nói trong phần outline ở blog trước. Hãy suy nghĩ kĩ xem nên xếp các vị trí đi làm/kinh nghiệm từ mới nhất rồi đến những cái cũ hơn, hay là muốn nhấn mạnh một số internship nhất định thì mang lên trước. Như khi mình apply vào công ty dược, trang đầu tiên là các internship và kinh nghiệm ở các công ty dược khác mình từng thực tập.
Hãy nhớ là các nhà tuyển dụng nhiều lúc không thèm nhìn sang trang thứ 2 đâu. Phải tận dụng hết cỡ trang đầu tiên để highlight những kinh nghiệm thú vị hoặc phù hợp với vị trí bạn đang ứng cử.
- Lời lẽ có chọn lựa, mạnh mẽ, cụ thể. Mình nhấn mạnh điều này khi chỉnh sửa resume của các bạn. Đa số cách viết văn của người Việt Nam hơi bị trừu tượng, nghe đao to búa lớn văn vẻ nhưng chả có tí sức nặng nào. Nếu bạn kể thành quả thì phải quantifiable– cân đong đo đếm được. Hãy chỉ ra là project đáng giá bao nhiêu, bạn đã làm với bao nhiêu người, quản lý bao nhiêu nhân viên/đồng nghiệp, đạt được gì (ví dụ như quản lý project trị giá 100,000 USD, làm việc chung với 10 đồng nghiệp và giúp công ty giảm chi phí được nửa tỉ đô, rồi được giải ABC do công ty trao tặng, đại loại vậy).

- Từ khoá (keyword) và từ ngữ. Việc chọn lựa từ ngữ là một điểm cực kì quan trọng (ở đây mình nói đến tiếng Anh). Đừng dùng những từ quá đơn giản và lặp đi lặp lại, hãy chọn lọc, dùng từ điển đồng nghĩa để diễn đạt phong phú nhưng không màu mè. Những động từ mạnh mẽ- action verbs-nên dùng bao gồm: analyze, organize, create, lead, enhance, develop. Có thể dùng thêm những adverb như: successfully, quickly, extensively, v.v.
- Ngoài ra, từ khoá cũng bao gồm các chương trình bạn biết sử dụng (Photoshop, InDesign, Spotfire, Tableau,v.v), ngôn ngữ máy tính (Python, R). Các trang web tìm việc làm ở Mỹ có chế độ rà từ khoá thay người, nên nếu bao gồm những keywords này resume của bạn sẽ dễ dàng được phát hiện bởi người tuyển dụng hay headhunter hơn

- Thành tích, kinh nghiệm lãnh đạo và hoạt động. Những hoạt động nào bạn thật sự tham gia tích cực thì hãy để vào. Đừng liệt sớ Táo quân những tổ chức chỉ đăng kí cho có, hoạt động tham gia một lần rồi thôi. Vì nhìn vào có thể người ta biết ngay, hoặc đến lúc phỏng vấn được hỏi thì bạn chẳng có gì để nói vì thật sự chẳng đóng góp được gì cho các tổ chức và hoạt động đó.
- Ví dụ dưới đây là từ CV hiện nay của mình. Lúc vừa tốt nghiệp trường dược thì mình viết nhiều chi tiết hơn một tí về các hoạt động này trên CV, nhưng hiện nay thì chỉ còn giữ tiêu đề và cột mốc thời gian thôi.
- Phần kĩ năng (skills) và thông tin thú vị ở cuối trang: Đây là chỗ bạn highlight kĩ năng liên quan, hay thú vị, những software biết dùng, v.v. Một lần phỏng vấn mình được hỏi về Certified Scuba diving vì họ nhìn thấy trên resume. Đây đôi khi là một điểm bắt đầu câu chuyện tốt (conversation starter). Cuối trang cũng là chỗ mình hay để kĩ năng ngôn ngữ.
- Ngoài ra, trong CV của các bạn sinh viên dược thì còn có phần đặc biệt là “Publications & presentations” và “Research” (nếu có). Đây là vùng đất để showcase những thành quả quan trọng trong sự nghiệp ở trường dược của bạn. Tuy nhiên, cũng phải biết chắt lọc chứ đừng liệt kê từng presentation một, chỉ những cái nào lớn một tí, đáng giá thì hãy nêu để tránh bị kể lể những điểm không có nhiều giá trị. Mình đưa một ví dụ cũ khi còn là sinh viên để các bạn có khái niệm

Tham khảo thông tin của người trong ngành: Nếu là sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm, hay fellow sắp tốt nghiệp cần tìm full-time job, bạn nên tham khảo các trang LinkedIn hay hỏi mượn xem các resume của người đi trước. Dù không thể xem trực tiếp, bạn vẫn có thể tìm tòi được nhiều thông tin từ trang LinkedIn của họ. Mục đích là để tìm những từ ngữ và description sao cho hấp dẫn và phù hợp với ngành của bạn, để người trong ngành đọc vào là thấy bắt mắt muốn gọi bạn đến phỏng vấn thêm.
Trong phần sau, mình sẽ đề cập đến bước tiếp theo sau khi viết xong resume và những điều cần lưu ý khi mang resume/CV đến nơi phỏng vấn. Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!
-Ngọc Bích, PharmD, RPh
Bài liên quan:
- Resume/CV (Phần 1)- Bắt đầu từ đâu?
- Resume/CV (Phần 3): Viết xong resume, tiếp theo làm gì?
- Phỏng vấn kiểu Mỹ (Phần 1)- Behavioral Interview & STAR technique
- Phỏng vấn kiểu Mỹ (Phần 2)- Nếu bị lạc trên hoang đảo, bạn sẽ mang theo thuốc gì?
- Phỏng vấn kiểu Mỹ (Phần 3)- Phone interviews, Thank you note, Bad experiences
- Trang phục phỏng vấn- Tuân thủ quy tắc nhưng vẫn tạo điểm nhấn riêng
- 5 điều quan trọng để phỏng vấn thành công
Reblogged this on daisy2803.
LikeLike