Ở Visa Mỹ (Phần 2), mình giới thiệu khá cụ thể về visa du học phổ biến F-1. Trong phần tiếp theo này, mình chia sẻ về một vài dạng visa khác mà mình cũng từng có. Ngoài ra, bạn sẽ tìm thấy list của mình tổng kết những trang web của chính phủ Mỹ rất hữu dụng trong việc nghiên cứu thông tin.
Disclaimer: Đây là những thông tin mình tự tìm hiểu cũng như đúc kết từ kinh nghiệm riêng, không phải là nguồn trực tiếp của chính phủ VN hay Mỹ hay công ty tư vấn du lịch/du học. Muốn biết chi tiết và cập nhật thông tin mới nhất, mọi người hãy vào trang web của chính phủ (.gov) để tự tìm hiểu. Mình không chịu trách nhiệm nếu thông tin ở đây đã cũ hay có sai sót.
Exchange Visitor: Visa J-1 và giấy tờ liên quan
Khi đi du học năm đầu theo dạng cultural exchange, visa của mình là J-1. Mình không biết nhiều lắm về J-1, nhưng nôm na đây là visa dành cho trao đổi ngắn hạn, hoặc sang Mỹ để nghiên cứu khoa học, thực tập. Bạn mình làm nghiên cứu sinh ở các trường đại học hay chương trình tiến sĩ đã phần sang đây bằng visa J-1. Theo mình biết, thời hạn ở Mỹ theo dạng này tối đa 5 năm, sau đó phải chuyển sang loại visa khác (tuỳ theo đi học hay đi làm) mới có thể tiếp tục ở Mỹ. Giấy phép đi kèm với J-1 cho phép bạn hoạt động ở Mỹ là DS-2019, sẽ được trường hay trung tâm nghiên cứu cung cấp. Thông tin về DS-2019 có thể được tìm ở trang web này: J-1 Visa- Exchange Visitor Program.
Trong visa J-1 có mục “212(e) Two year home residency requirement“. Nếu bạn nói từng có visa J-1, thể nào cũng được hỏi. Yêu cầu này được những nước như Ấn Độ đòi hỏi rất gắt gao, vì họ gửi sinh viên ra nước ngoài nghiên cứu học tập với mục đích về phục vụ đất nước. Những người này bắt buộc phải quay về làm việc ở quê nhà 2 năm. Theo lần cuối cùng mình check, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ không có yêu cầu này.

Visa H1B- Đi làm ở Mỹ
Trong một bài trước, Visa H1B đúng nghĩa trúng số- Đi làm ở Mỹ không dễ, mình đã từng đề cập đến dạng visa này. Visa H1B là một trong những cách đi làm ở Mỹ khá phổ biến cho người nước ngoài, nhưng số lượng visa rất hạn chế công với môi trường cạnh tranh, đây hoàn toàn không phải là điều chắc chắn. Giấy tờ đi kèm chứng mình quyền được đi làm theo dạng visa này là I-797A- Notice of Action. Tờ giấy này ghi rõ ràng thông tin của bạn và công ty sponsor, nó thường có hạn 3 năm. Sau 3 năm có thể được renew thêm 3 năm nữa rồi thôi (6 năm tổng cộng). Một khi hết giấy phép đi làm, bạn phải về nước hay tìm dạng visa khác.

Visa H1B rất cụ thể đến công việc, công ty, vị trí, cũng như địa chỉ công ty! Công ty sponsor và luật sư phải chứng minh tại sao họ mướn mình mà không phải là một người Mỹ khác, chứng minh rằng họ trả lương cho mình công bằng chứ không phải vì ham lao động rẻ. Công việc mình làm phải liên quan đến ngành học, chứ không học PharmD rồi đi làm Sales & Marketing khơi khơi được. Nếu muốn thì phải chứng minh cho thoả đáng.
Mỗi khi chuyển việc, dù là cùng công ty, luật sư vẫn phải làm lại giấy tờ như ban đầu, chỉ không phải qua xổ số. Chuyển công ty thì tất nhiên phải làm lại giấy tờ. Nhưng như mình, công ty vừa dọn đến văn phòng mới, dù cùng một công việc, họ vẫn phải làm lại giấy tờ cho mình!
Lời khuyên căn bản khi tìm thông tin
- Chỉ tin tưởng vào những trang web có đuôi .gov (là của chính phủ). Đừng tin những trang nghe tên có vẻ chính thức nhưng .com, vì nhiều phần là trung tâm du học/du lịch. Ngay cả những trang .org cũng phải cẩn thận, vì ai cũng có thể mua được đuôi đó
- Có thể tham khảo thêm ở trang web .edu của các trường đại học. Một số trường rất chu đáo trong việc cung cấp thông tin cho sinh viên quốc tế
- Khi đọc thông tin dù bất cứ ở đâu, hãy kéo chuột xuống cuối trang để xem ngày update mới nhất. Đừng đọc hết rồi mới thấy trang này từ 5 năm trước cũ rích.
- Khi du học, nêu có thắc mắc riêng không tìm được trên mạng, luôn luôn liên hệ trực tiếp với trường và văn phòng sinh viên quốc tế để có câu trả lời chính xác. Đừng đoán mò hay nghe bạn bè, vì đôi khi thông tin của họ không phù hợp với mình, hay thông tin đã cũ không còn chính xác.
Những trang phổ biến về đề tài này
So với nhiều năm trước khi mình du học, chính phủ Mỹ có vẻ đã chăm chút đầu tư khá kĩ để nâng cấp các trang web này ngày càng dễ đọc, tìm thông tin, và thân thiện hơn.
- US Department of States- Bureau of Consular Affairs: Tìm hiểu về các loại visa và yêu cầu khác nhau. Bao gồm thông tin mới nhất về yêu cầu hình xin visa, thời gian chờ đợi giải quyết, v.v
- US Citizenship & Immigration Services: Mục Working in the U.S rất thiết thực khi tìm hiểu về đi làm thêm hay sau khi tốt nghiệp
- US Customs & Border Protection: Mục Travel có nhiều thông tin dành cho du lịch hay vào Mỹ với nhiều mục đích
- US Department of Homeland Security- Study in the States: Nhiều thông tin vô cùng hữu dụng về du học Mỹ dành cho sinh viên, các trường ở Mỹ, và mục tools.
Hi vọng series này giúp giải đáp phần nào thắc mắc của mọi người về vấn đề visa và giấy tờ khi du học. Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!
– Ngọc Bích, PharmD, RPh
Photo credit: US Travel map
- Visa Mỹ (Phần 1): Các loại giấy tờ quan trọng
- Visa Mỹ (Phần 2): Visa F-1 và kiến thức ai cũng cần biết
- OPT và H1B- Khi nào nên đề cập trong quá trình phỏng vấn?
- Đi làm ở Mỹ không dễ (Phần 1)- CPT và OPT
- Visa H1B đúng nghĩa trúng số- Đi làm ở Mỹ không dễ (Phần 2)
- Lên bờ xuống ruộng- Đi làm ở Mỹ không dễ (Phần 3)