Mình đã viết khá nhiều về ngành dược và học dược ở Mỹ trong mục Ngành dược ở blog này. Tuy nhiên, mình không trực tiếp làm trong dược lâm sàng và cũng muốn các bạn độc giả nghe từ một góc nhìn khác để thấy giống hay khác với ý kiến riêng của mình như thế nào. Xin giới thiệu với các bạn Quỳnh Hương, một người bạn rất thân của mình từ khi học Trần Đại Nghĩa. Quỳnh Hương đã học đại học và trường dược ở Mỹ, hiện vừa tốt nghiệp và đang trên đường theo đuổi dược lâm sàng.
Lí lịch trích ngang
- Tên: Quỳnh Hương
- University (4 years): St. Olaf College
- Pharmacy School (4 years): University of Minnesota
- Chuẩn bị vào clinical residency PGY1 ở University of Minnesota Medical Center, Minneapolis, MN
Q: Tại sao bạn chọn học dược?
Mình thích tìm hiểu về cách thuốc hoạt động trong cơ thể. Càng học nhiều, mình càng hiểu thêm dược phức tạp đến thế nào. Mỗi ca, mỗi bệnh nhân là một bài toán mà mình phải giải, và mỗi quyết định của mình có vô số điều cần cân nhắc.
Q: Dược lâm sàng (clinical pharmacy) có những điểm nào hấp dẫn bạn nhất?
Như đã nói trên, mình thích làm việc với các ca bệnh, xem xét các mặt, và tìm ra một lời giải thích hợp. Khi mình theo dõi một bệnh nhân từ ngày này sang ngày khác, mình cảm thấy gắn bó với ca bệnh và bệnh nhân, và điều này giúp mình cố gắng nhiều hơn, tìm hiểu sâu hơn về bệnh và thuốc của họ, và từ đó mở rộng thêm kiến thức. Hơn nữa, mỗi ngày đến bệnh viện, mình có thể thấy được ngay kết quả của những quyết định của mình ngày trước đó– có thể thấy bệnh tình của họ trở nên tốt hơn vì mình đã chọn một liệu pháp thích hợp, hoặc xấu hơn vì mình bỏ lỡ một điều gì đó. Đó là động lực cho mình trau dồi phát triển bản thân mỗi ngày.
Q: Khi còn trong trường dược, bạn làm thế nào để chuẩn bị cho con đường mình muốn theo đuổi này?
Điều đầu là mình phải học tốt ở trên lớp. Mỗi lúc cảm thấy lười biếng mình đề cố gắng nhắc nhở bản thân là mình học không phải để làm bài thi được điểm cao, mà là vì một ngày không xa mạng sống của bệnh nhân sẽ nằm trong tay mình, và những kiến thức của mình có thể sẽ giúp được họ. Đừng ngừng học hỏi cho dù bạn đã tốt nghiệp và đi làm–kiến thức y học thay đổi rất nhanh, và nếu không tiếp tục học hỏi bạn sẽ bị lỗi thời. Ở ngoài lớp học, mình dùng nhiều thời gian cho networking, đi làm để có kinh nghiệm thực tiễn, và tham gia các hoạt động tình nguyện và các câu lạc bộ sinh viên.
Q: Bạn làm thế nào để cân bằng việc học, đi làm, và các hoạt động khác để rèn luyện kĩ năng?
Mặc dù việc học trên lớp là quan trọng, mình cho là không nên học ngày học đêm mà quên hết mọi điều xung quanh. Bạn không cần đạt điểm trung bình (GPA) 4.0 để trở thành một ứng cử viên sáng giá. Cố gắng hiểu các khái niệm và cách suy nghĩ chứ đừng học gạo tất cả mọi chi tiết.
Bạn nên tham gia vào các hoạt động ngoài lớp học, nhưng bạn không cần phải tham gia vào tất cả mọi thứ. Điều tệ nhất mà mình thấy nhiều bạn làm là đăng ký cho một thứ gì đó cho có tên hoặc để ghi vào resume/CV, rồi không thèm quan tâm hoặc chỉ làm cho có. Tìm những điều mà bạn thật sự quan tâm, và dành nhiều thời gian và công sức cho chúng.
Q: Theo bạn, những tố chất và kĩ năng nào khiến một sinh viên dược trở thành ứng cử viên lý tưởng cho tu nghiệp nội trú (clinical residency)?
Để trở thành một ứng cử viên sáng giá, bạn cần có nhiều phẩm chất khác nhau như tính chuyên nghiệp, kiến thức và kỹ năng lâm sàng, khả năng làm việc dưới áp lực cao, sự say mê và những đóng góp cho ngành dược, khả năng giao tiếp, v.v…
Tính chuyên nghiệp là một điều rất quan trọng mà nhiều bạn không chú ý. Tính chuyên nghiệp được thể hiện qua những điều nhỏ nhặt hàng ngày như đi làm đúng giờ, không bỏ về sớm, ăn mặc chỉnh tề lịch sự, kiểm tra những gì bạn viết để tránh lỗi chính tả và ngữ pháp (proofread), hoàn thành những projects được giao một cách đầy đủ, chất lượng và đúng thời hạn, và cách bạn đối xử với đồng nghiệp. Khi bạn đi xin việc/fellowship/residency, nhà tuyển dụng sẽ tìm hiểu cách bạn làm việc, và nếu bạn có tiếng xấu thì sẽ khó lòng được chọn.
Cuối cùng, bạn cần phải thể hiện những phẩm chất kể trên cho nhà tuyển dụng thấy thông qua letters of recommendation và cuộc phỏng vấn. Tập cách “quảng cáo” cho bản thân (nhưng không phải “nổ” nhé) và nhờ những người khác “quảng cáo” cho bạn.
Q: Nhìn về tương lai, bạn thấy hứng khởi nhất ở điểm nào?
Mình sẽ bắt đầu làm nội trú (residency) bắt đầu vài tháng 7 này. Sau năm nội trú, mình muốn làm một dược sĩ lâm sàng ở một bệnh viện lớn. Mình muốn luôn tiếp tục trau dồi kiến thức và kỹ năng lâm sàng, và hy vọng được làm việc trong một chuyên khoa như hồi sức cấp cứu trong tương lai.
Q: Bạn có lời khuyên nào dành cho các học sinh/sinh viên muốn theo đuổi con đường như bạn?
Trước khi quyết định đi theo một hướng đi hay một ngành nghề nào đó (ví dụ như ngành dược nói chung và dược lâm sàng nói riêng), bạn nên tìm hiểu thật kỹ về nó và biết rõ bạn thích cái gì, muốn cái gì. Đừng chọn một con đường chỉ vì nó dễ dàng hoặc vì bạn thấy người khác làm; nhiều khả năng là bạn sẽ hối hận trong tương lai. Hãy thử thách bản thân và chọn những điều bạn thật sự say mê.
Cảm ơn Hương và những chia sẻ cho đọc giả của The Tiny Pharmacist!
Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!
-Ngọc Bích, PharmD, RPh
Các bài liên quan đến làm việc ngành dược ở Mỹ
Bài viết của chị hay quá! Em cảm ơn chị nhiều lắm ạ ^^
LikeLiked by 1 person
Chào bạn!
Bạn cho mình hỏi về trường hợp của mình một chút nhé!
Mình hiện tại ở Việt Nam, 32 tuổi, và mình đang trong diện định cư F2B, mình đã tốt nghiệp đại học tài chính ở Vn, nếu trường hợp mình qua Mỹ là năm 35 tuổi, thì mình muốn học Dược, vậy là qua đó mình học Dược theo chương trình 0-6 năm (ở Cali nếu có trường) hay là giờ mình nên học PCAT ở VN rồi nộp vào trường DƯỢC 4 năm vậy bạn?. Mấy môn học Pcat mình rất yếu, và cả tiếng anh thì cũng bình thường thôi, mình phân vân nên nhờ bạn tư vấn trường hợp của mình chút!
Cảm ơn bạn nhé!
LikeLike
Chào bạn, nếu các môn PCAT rất yếu, vậy tại sao bạn muốn chuyển sang học dược? Chương trình 0-6 thường dành cho các em HS tốt nghiệp cấp 3 vào thẳng. Còn nếu đã có bằng cử nhân thì vào pharmacy school program 3-4 năm tuỳ trường. Nhưng bằng cử nhân không phải ngành khoa học thì có thể họ sẽ yêu cầu pre-requisite một số lớp cấp đại học trước khi vào trường
LikeLike
Hi chị, e tình cờ đi lang thang và thấy blog của chị. E tốt nghiep năm nay o TX, k co kinh nghiệm gì trong fellowship, e apply fellowship mà không được mời phỏng vấn vòng tiếp theo. Chị có lời khuyên gì cho e nếu năm sau em muốn reapply k ạ? Thank you chị
LikeLike