Industry Pharmacy với Patrick

Mình quen Patrick khi vào làm Fellowship ở công ty dược trụ sở ở Mỹ hơn 5 năm trước. Cũng là dược sĩ và vào làm cùng công ty, nhưng công việc trong fellowship của Patrick rất khác với mình, và công việc sau khi tốt nghiệp fellowship lại càng khác. Mình muốn giới thiệu với các bạn ở đây, để mọi người thấy rằng dược sĩ ở Mỹ có thể làm được nhiều thứ, nếu biết tìm hiểu thông tin và rèn luyện bản thân sẵn sàng cho những cơ hội này.

  • Pharmacy School (0-6 program): Rutgers University, New Jersey
  • Fellowship: Bristol-Myers Squibb, US Risk Management Strategy, Global Epidemiology & Forecasting
  • Nơi làm việc hiện tại: Bristol-Myers Squibb, Feasibility Specialist
Q: Tại sao bạn chọn theo đuổi sự nghiệp là một dược sĩ trong công ty dược? Điều gì làm bạn thấy hấp dẫn nhất?

Mình thích industry pharmacy là vì tầm ảnh hưởng của công việc rất lớn.  Trong khi dược sĩ lâm sàng giúp trực tiếp chăm sóc cho từng bệnh nhân, industry pharmacy giúp mình có thể ảnh hưởng tích cực đến bệnh nhân trên tầm quốc tế, đặc biệt đối với những công ty dược đa quốc gia.

Q: Fellowship của bạn khá đặc biệt. Bạn làm gì trong thời gian đó? Có những project nào thú vị? 

Chương trình fellowship của mình đúng là đặc biệt, và khi mình bắt đầu được vài tháng thì công ty thay đổi cấu trúc và nhân sự, nên mình được/bị đổi sang bộ phận khác. Trong Global Epidemiology & Forecasting, mình làm việc với các đồng nghiệp bên nghiên cứu và phát triển lâm sàng (R&D Clinical Development) để phỏng đoán số lượng bệnh nhân trong các mảng bệnh khác nhau, giúp công ty quyết định xem nên phát triển thuốc theo mảng bệnh nào trong vòng 10 năm tới.

Trong phần thứ hai của fellowship, mình làm việc ở bộ phận US Risk Management. Ở đây, mình và team tạo ra các thông tin an toàn cho thuốc, phát tán thông tin cho những người cần biết. Các bạn biết đó, bất cứ thuốc nào cũng cần thông tin an toàn. Tuy nhiên, có một số thuốc đặc biệt hơn mà Cục quản lý dược và thực phẩm Mỹ (US FDA) bắt công ty phải theo dõi và phát tán thông tin an toàn thường xuyên. Mình còn tạo ra một bảng đánh giá để xem thông tin có đến được tay bác sĩ và bệnh nhân không, giúp công ty đánh giá sự hữu hiệu của việc tuyên truyền.

Ngoài ra, một điều mình rất thích về fellowship là việc bạn có thể gặp gỡ nhiều người, và theo đó làm chung những project “ngoài lề” (side project) thú vị. Như mình có sở thích thiết kế graphic design, mình có dịp làm việc chung với một nhóm trong công ty để tạo nên Universal Patient Language, ngôn ngữ khoa học sức khoẻ phù hợp với bệnh nhận để họ có thể hiểu và nắm bắt thông tin không cần những từ ngữ chuyên môn cao.

Screen Shot 2018-12-28 at 7.11.51 PM.png
Đây là một ví dụ về ngôn ngữ đơn giản giúp bệnh nhân hiểu về các cách chữa trị ung thư khác nhau (Nguồn: http://www.upl.org)
Q: Bạn có thể miêu tả công việc hiện tại không?

Hiện nay, công việc của mình là Feasibility Specialist trong nhóm Clinical Trial Analytics (dịch nôm na là Phân tích thí nghiệm lâm sàng). Mình làm việc thường xuyên với nhóm Phát triển lâm sàng (Clinical Development) và Hoạt động lâm sàng (Clinical Operations, nhóm chuyên quản lý công việc hàng ngày của rất nhiều các thử nghiệm lâm sàng ở các trung tâm bệnh viện).

Trong quá trình chuẩn bị cho một thí nghiệm lâm sàng mới, mình giúp các team phỏng đoán xem đối với số lượng bệnh nhân cần cho thí nghiệm này, mất bao lâu mới tìm hết được và enroll để thí nghiệm có thể diễn ra trôi chảy. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc bệnh nhân tham gia thí nghiệm lâm sàng như: tiêu chuẩn lựa chọn/không lựa chọn (inclusion/exclusion criteria), cần bao nhiêu bệnh nhân (target patient number), loại bệnh (disease, tumor type), các công ty khác với những thí nghiệm tương tự giành bệnh nhân (competitive trials), v.v.

Khi làm việc với nhóm Clinical Operations, mình giúp họ tìm ra những bệnh viện, trung tâm y tế, và bác sĩ có thể tham gia vào thí nghiệm này (một thí nghiệm lớn thường diễn ra cùng lúc ở nhiều trung tâm và nhiều nước khác nhau). Mình phải giúp họ tính toán xem ở mỗi nước mà công ty quyết định thử nghiệm, chúng ta có thể tìm được bao nhiêu bệnh nhân.

Công việc Feasibility Specialist này khá là đặc biệt và có một không hai, vì mình có thể vận dụng nhiều mảng kiến thức và thống kê, phỏng đoán, và cả kiến thức lâm sàng của dược sĩ để giúp công ty và các team mở thí nghiệm mới và hoàn thành kịp tiến độ.

Q: Trong công việc hiện tại, bạn nghĩ những kĩ năng nào là cần thiết? Bằng PharmD của bạn có vận dụng nhiều trong công việc không?

Vì phải sử dụng nhiều kĩ năng tính toán và thống kê, nên mình nghĩ kĩ năng Toán học và phân tích là rất cần thiết. Sau khi đã đưa ra thông số, bạn cần phải truyền tải kết quả đến nhiều người khác nhau, nên kĩ năng giao tiếp trao đổi thông tin (communication skill) cũng quan trọng không kém. Về tấm bằng PharmD, mình nghĩ những kiến thức từ trường học mình vận dụng nhiều nhất là cách đọc và hiểu các thí nghiệm lâm sàng và phương pháp thống kê, để có thể đưa ra phân tích và ý kiến phù hợp với yêu cầu công việc. Kiến thức lâm sàng thì mình không dùng nhiều, nhưng nó giúp mình hiểu được bệnh học, cũng như cách hoạt động của các thuốc khác nhau đang được nghiên cứu. Đó cũng là một điểm hay.

Q: Nghĩ về tương lai sau này, 5 năm sau, bạn thấy sự nghiệp của mình sẽ như thế nào?

Mình chả bao giờ nghĩ đến câu hỏi này, mình cũng không biết trả lời thế nào (hì hì).

Cảm ơn Patrick vì những chia sẻ thú vị cho đọc giả của The Tiny Pharmacist!


Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!

-Ngọc Bích, PharmD, RPh

Một số bài liên quan đến làm việc ngành dược ở Mỹ

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s