Hành trình du học (Phần 2): Con đường nào để bắt đầu?

Trong Hành trình du học (Phần 1), mình đề cập đến những cái lợi hại trong hai lựa chọn đi du học ở trung học và đại học. Tuy đi từ cấp 3 sẽ giúp bạn hoà nhập và chuẩn bị vào đại học tốt hơn, nhưng không phải ai cũng có khả năng và điều kiện tài chính để đi như vậy. Đó không có nghĩa là bạn phải chịu thua thiệt, nếu bạn có quyết tâm và đầu tư vào những điều sau đây.

Nếu không đi từ cấp 3, làm sao để có được những cái lợi đã kể?
  • Hãy chăm chỉ luyện kĩ năng nghe nói để ngày càng hoàn thiện. Đọc hiểu là tốt, nhưng nghe nói và bắt chước được giọng người bản xứ để hạn chế accent càng nhiều càng tốt là một ưu thế. Bạn có thể đi học có đàm thoại với người nước ngoài, lắng nghe cách họ phát âm và học theo, hoặc tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh có đàm thoại và làm quen với những người nước ngoài xung quanh.

english-fluency

  • Ở Việt Nam đã có những khoá luyện thì AP và SAT khá tốt, nên dù không đi du học nhưng cố gắng luyện tập, bạn vẫn có thể có được lợi ích đó khi thi được điểm cao
  • Chịu khó làm quen với các anh chị du học sinh đang học ở các trường ĐH mà bạn muốn tìm hiểu để có thông tin khách quan, đừng chỉ lên mạng hay nghe trung tâm du học nói. Những người đã học qua trường mới biết là văn hoá nó ra sao, cơ hội tìm việc làm cao hay thấp, trường có dịch vụ chăm sóc sinh viên quốc tế tốt hay không.
  • Nhiều trường ĐH Mỹ bây giờ hay đi quảng bá và tuyển sinh viên ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có VN. Hãy tham gia các buổi College Fair (triển lãm du học), hay sự kiện do trường tổ chức và đến tìm hiểu trực tiếp. Bạn sẽ được tiếp xúc và đặt câu hỏi cho những người đại diện trường, thực tế hơn thông tin trên mạng.

college fair.jpg

  • Nếu đã muốn đi du học, thì hãy đầu tư vào CV/resume của mình, làm sao để cho thấy bạn là người phát triển toàn diện chứ không chỉ cắm đầu vào học. Hãy tham gia các hoạt động văn hoá, từ thiện, có những ý tưởng hay và thực hiện để gây ấn tượng với các trường ĐH. Đừng đổ thừa là vì chỗ em ở thế này, trường em thế kia mà em không có điều kiện tham gia hoạt động ngoại khoá. Cái người ta muốn nghe là em đã làm thế nào để vượt qua những bất tiện đó mà phát triển.
  • Khi vào đại học, hãy làm quen ngay với nhiều người bản xứ chứ đừng chỉ túm tụm trong nhóm sinh viên VN nếu bạn muốn cải thiện tiếng Anh và học hỏi văn hoá Mỹ. Mình nói làm quen ngay là vì khoảng thời gian khi mọi người còn bỡ ngỡ là thời điểm thuận lợi để bắt đầu. Đến khi ai cũng có nhóm riêng để chơi thì sẽ cho người lẻ tẻ khó sát nhập vào.
Đi năm nào? Lớp 10, 11, 12? 

Đi từ cấp 3 trước mắt là tốn tiền hơn vì phải tốn thêm mấy năm học phí và cả ăn ở. Tuỳ vào hoàn cảnh mà bạn có thể chọn lựa. Còn theo mình, đi lớp 10 là tốt nhất, vì lớp 11 bạn sẽ phải thi SAT để chuẩn bị hồ sơ vào ĐH. Và khi đi lớp 11, bạn có thể chưa đủ vốn tiếng Anh và kiến thức để thi, cũng như bắt kịp với bạn bè và có điểm trung bình cao (grade point average hay GPA). Điểm trung bình là một yếu tố quan trọng trong hồ sơ vào ĐH.

Đi lớp 11 cũng được, vì nhiều trường yêu cầu bạn phải học ở đó ít nhất 2 năm mới cho tốt nghiệp. Còn đi lớp 12 theo mình là không nên, thà đi khi vào đại học. Vì quá trình nộp đơn vào ĐH ở Mỹ bắt đầu vào mùa thu năm lớp 12, mới qua bỡ ngỡ bạn sẽ không kịp thi SAT, không kịp học, nói chung là không thấy lợi gì. Ngoài những yếu tố kể trên, những bất lợi khi đi từ trung học bao gồm hình thức bạn đi như thế nào.

Hình thức du học trung học- Ưu và khuyết

Option 1: Giao lưu văn hoá- Cultural Exchange

Vì đã đi giao lưu văn hoá, nên mình biết con đường này khá là hên xui. Vì bạn không được lựa chọn gia đình hay tiểu bang sẽ đến ở. Bạn có thể chọn vùng, rồi công ty sẽ đưa hồ sơ của bạn cho những gia đình trong vùng này và họ sẽ chọn bạn. Có người vào được gia đình rất tốt, hay rất giàu, được đi khắp nơi. Nhưng có bạn vào gia đình bảo trợ không quan tâm, đối xử tệ, họ nhận học sinh giao lưu văn hoá vì tiền nhiều hơn là vì muốn học hỏi văn hoá nước ngoài và tạo cơ hội cho thanh niên tìm hiểu nước Mỹ. Bản thân mình gặp phải trường hợp thứ hai và cũng biết vài bạn khác xui như vậy, nên mình biết hướng đi này nhiều may rủi.

Khi giao lưu văn hoá, bạn sẽ được học trường công lập 1 năm. Sau năm đó thì bạn sẽ phải chuyển sang trường tư vì không phải là công dân đóng thuế thì không được học trường công nữa. Vì vậy hãy tính trước đến chuyện tìm trường, nộp đơn, chuyển nhà, v.v.

Option 2: Ở với người thân và học trường tư

Để tiết kiệm chi phí ăn ở, nhiều người sẽ gửi con ở với người thân và học trường tư. Nhưng người thân không phải cha mẹ, và đôi khi ở xa nói chuyện qua điện thoại thì tính tình họ tốt bụng thế này, đến khi sống chung thì lại trở nên kì cục thế khác. Người xưa có câu- Ở xa mỏi chân, ở gần mỏi miệng. Lối sống của người Việt Nam nhiều lúc thiếu coi trọng sự riêng tư, bạn có thể sẽ thấy chuyện gì cũng bị để ý, hay cũng bị tường thuật lại cho ba mẹ.

Hơn nữa, nhận trách nhiệm bảo trợ con cái của họ hàng có thể là một gánh nặng tinh thần và cả vật chất cho Việt kiều. Lỡ có chuyện gì xảy ra, họ khó có thể ăn nói với người nhà ở Việt Nam. Vì thế hãy chuẩn bị tinh thần khi phải sống chung với người thân, vì rất nhiều thứ có thể xảy ra. Có thể bạn sẽ phải làm phụ việc trong tiệm của bà con (ít thời gian học), hay không được đi ra đường buổi tối (lỡ có chuyện gì).

Ngoài ra, một bất lợi trong việc sống với người thân là về nhà bạn sẽ nói tiếng Việt nhiều. Vì thế vốn tiếng Anh sẽ khó phát triển. Để khắc phục thì nên nói tiếng Anh bất cứ lúc nào có thể ở trường, với bạn bè, khi ra đường.

Option 3: Học trường tư nội trú- Private boarding school

Theo mình, nếu có điều kiện, đây là một option khá tốt. Ở trường nội trú, bạn được thầy cô quan tâm kiểm soát, học hành sinh hoạt có quy củ giờ giấc. Bố mẹ ở nhà sẽ đỡ phải lo như đi giao lưu văn hoá. Cái bất lợi là trường private boarding school học phí và tiền ăn ở khá đắt. Nhưng nếu chịu khó tìm được trường có học bổng, thì chi phí đôi khi cũng không đắt hơn một trường tư không có nội trú.

Trường tư ở Mỹ cũng hằng hà sa số thượng vàng hạ cám, cộng thêm một số trường tư là trường dòng (học phí có phần rẻ hơn nhưng chất lượng tuỳ hỉ). Hãy chịu khó tìm hiểu, nếu có điều kiện thì tìm đến những chuyên viên tư vấn về trường trung học để đầu tư đúng chỗ, tránh những nơi đắt tiền mà chất lượng không cao.

boarding school.jpg

Mình đã chọn cho em mình đi theo hướng này, nhờ vậy mà nó hoàn thiện tiếng Anh, hoà nhập với người bản xứ, có nhiều thói quen hay cũng như chơi các môn thể thao mới, được nhận vào một trường đại học rất tốt, hoàn toàn có đủ các cơ sở để thành công. Quan trọng hơn cả là nó có một hành trình du học an toàn và được dạy dỗ thành nhân.

Tạm kết

Đây là những kinh nghiệm và hiểu biết riêng mà mình chia sẻ để mọi người có thêm thông tin từ người đi trước. Từng trường hợp có thể không ai giống ai, bạn cần phải chắt lọc thông tin và áp dụng cho bản thân. Nhiều bạn được bố mẹ đi máy bay cùng dẫn sang, thuê nhà, mua đồ, sắm xe, chuẩn bị sẵn hết. Nhiều người thì như mình, cái gì cũng một mình và tự làm, nhưng không có gì là ngoài khả năng của bạn, đừng sợ.

Và bạn thấy đó, sự lựa chọn nào cũng có nhiều đánh đổi, được và mất. Hãy lựa chọn cho phù hợp với hoàn cảnh riêng của bản thân chứ đừng cố làm theo người khác. Quan trọng là bạn cảm thấy an toàn và hạnh phúc với lựa chọn của mình.


Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!

-Ngọc Bích, PharmD, RPh

Photo credit: Fluency, College fairACT & SAT, GPABoarding school


Advertisement

5 thoughts on “Hành trình du học (Phần 2): Con đường nào để bắt đầu?

  1. cảm ơn chị về bài viết rất hữu ích ạ. E có vài thắc mắc, nếu mình muốn xin học bổng 50-80% thì những yếu tố nào là cần thiết? và phải có CV đẹp nhiều hoạt động ngoại khoá thì cơ hội học bổng mới dễ dàng? cảm ơn chị ạ

    Like

    1. Chào em. Mỗi trường mỗi khác em. Họ có tiêu chuẩn riêng cho nhiều dạng học bổng. Không ai nhắm được khoảng bao nhiêu phần trăm thì phải được tiêu chuẩn gì hết. CV đẹp và hoạt động ngoại khoá đối với học sinh bây giờ là chuyện gần như hiển nhiên. Chuyện trường cho ai học bổng là còn tuỳ vào họ kiếm tìm SV profile như thế nào, và năm đó cạnh tranh ra sao giữa em và những bạn khác.

      Like

  2. chị ơi cho em hỏi học về dược thì có thể đăng kí học ở những trường nào tại Mỹ ạ?

    Like

    1. Em da google “Pharmacy schools in the US” chua? Nhung cau hoi don gian nhu vay em hoan toan co the tu tim hieu, vi ngoai nhung dieu chi biet tu kinh nghiem thi chi cung phai di google nhu em thoi

      Liked by 1 person

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s