Du học là một con đường không dễ, đặc biệt đối với các bạn tuổi mới lớn. Mình đi du học từ năm 15 tuổi, nên mình biết việc trưởng thành ở một đất nước xa lạ, không có gia đình bên cạnh khó khăn như thế nào. Làm sao biết cái nào đúng, sai? Có nhiều sức ép rất lớn từ tài chính, bố mẹ, hay tác động bên ngoài đôi khi dẫn đến cảm giác bế tắc.
Lo lắng- Làm sao để fit in
Việc này liên quan đến việc chọn trường, vì ngôi trường bạn sẽ gắn liền trong suốt 2-4 năm học góp phần quan trọng trong sự phát triển và hạnh phúc của bạn khi đi du học. Nhưng không phải ai cũng biết mình muốn gì, có đủ thông tin để lựa chọn giữa các options, và đa số chúng ta đến nơi rồi mới biết.
Để fit in, có thể hoà nhập được với các bạn Mỹ, mình khuyên mọi người nên tự tin hơn, cười nhiều, giới thiệu bản thân với các bạn khi mới vào trường. Khi mới vào trung học hay đại học là khoảng thời gian vàng khi ai cũng mới, hoặc khi bạn là người mới duy nhất, thời điểm quý báu để giới thiệu bản thân và từ từ tìm bạn. Đừng bao giờ cứ im lặng cúi đầu lao vào học để rồi không ai biết mình, và khoảng thời gian mấy năm không có một kỉ niệm nào hết.
Bí quyết: Đừng tỏ ra khoe khoang cố gắng impress ai hết, hãy là chính mình thôi. Nhưng nếu bạn có chơi môn thể thao gì hay ho, hay có những câu chuyện vui từ Việt Nam thì đôi khi lấy ra chia sẻ (hạn chế để cập đến người Việt Nam ăn thịt chó).
Và nếu tên tiếng Việt của bạn khó đọc hay trùng với những từ không hay trong tiếng Anh (như Dung, Phúc), thì từ đầu năm học có thể lên gặp thầy cô quản lý và đứng lớp để xin họ dùng nickname của mình.
Lo lắng- Tiếng Anh kém
Ở một bài khác Học một ngôn ngữ mới, mình đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm học tiếng Anh. Khi còn ở Việt Nam, ai cũng nên học tiếng Anh thật tốt vào, để khi qua đây nói không bị đớt và nặng accent.
Bí quyết: Nếu nói không tốt, thì cũng đừng rụt rè, cứ nói nhiều vào để ngày càng hoàn thiện. Bạn càng tỏ ra yếu đuổi thì bọn trẻ con này sẽ nhận thấy và châm chọc. Hãy cứ tự tin, đôi khi có thể tự châm chọc bản thân một tí- Make them laugh with you, not at you.
Cám dỗ- Tủi thân, hay mải chơi đi theo các bạn khác
Bây giờ người Việt Nam cho con du học khá nhiều, đặc biệt là các gia đình khá giả, có công ty tài sản kếch sù. Các bạn đó du học với hoàn cảnh tài chính khá hơn số đông, có xe chạy, quần áo đẹp, đi du lịch thường xuyên, hình ảnh Instagram lấp lánh. Những ai gia đình bình thường, hay đi bằng học bổng chứ gia đình không hề có điều kiện, đôi khi sẽ thấy tủi thân, hoặc nếu được đi chơi chung thì phải chịu khó thủng túi một tí mới theo kịp với các bạn đó.
Đây là trường hợp không hiếm, và sau những lần chơi chung vậy một số sẽ thôi dần vì không theo nổi, hoặc sẽ cố theo và lãnh hậu quả về tài chính, cũng như mất thời gian học hành và làm các việc khác. Lời khuyên của mình là- Việc ai nấy làm. Bạn có mục tiêu riêng phải hoàn thành, đi chơi quá thường xuyên và lo kiếm tiền để đi chơi sẽ làm bạn xao nhãng.
Hãy biết nhìn xa hơn những chuyến đi ăn, shopping, party đến mục tiêu trong tương lai tốt nghiệp giỏi, có công việc đàng hoàng, lương tốt. Đừng bao giờ rời mắt khỏi mục tiêu và hãy luôn nghĩ đến gia đình, những người đã hi sinh rất nhiều để bạn có cuộc sống ở đây.
Nguy hiểm- Bản thân và sức khoẻ tinh thần
Sức khoẻ tâm lý rất quan trọng, đặc biệt là ở tuổi mới lớn, và với những ai xa gia đình sống một mình khi còn trẻ như bọn mình. Do sức ép của việc học tập, hoà nhập bạn bè, hay từ ba mẹ, có khi bạn bị trầm cảm (depression), hay lo âu (anxiety) mà không biết, hoặc chỉ bị stress nhưng nếu triền miên không giảm thì sẽ có hại đến sức khoẻ cơ thể, không chỉ ở tinh thần.
Người Việt Nam thường không quan tâm đến sức khoẻ tâm lý, cho đó không phải là bệnh, hoặc không nghiêm trọng đến mức phải quan tâm. Có khi còn là sự xấu hổ, muốn giấu. Nhiều cha mẹ nghĩ trẻ vị thành niên có tính khí kì cục, không nghe lời, tự dưng đổi tính, v.v.
Thật ra, khoa học đã chứng minh não bộ của trẻ vị thành niên chưa hoàn thiện. Một bộ phận não vẫn còn chưa phát triển, dẫn đến suy nghĩ chỉ trong hiện tại, không thể nhìn xa tương lai. Ví dụ như khi gặp vấn đề to lớn như bị bạn bè hù doạ (bully) trên mạng hay ngoài đời, thì sẽ nghĩ là không có lối thoát, dẫn đến những hành động đáng lo ngại, có khi còn nguy hiểm (như cô bé trong bộ phim 13 Reasons Why trên Netflix).
Khi xa nhà, ngoài việc phải trải qua tuổi mới lớn như mọi người, chúng ta lại còn đối mặt với nhiều gánh nặng, yếu tố khó khăn ở xứ người. Vì thế khi gặp khó khăn và cảm thấy mình cần giúp đỡ về tâm lý, thì HÃY TÌM SỰ GIÚP ĐỠ. Và các bậc cha mẹ có con xa nhà hãy nên để ý những điểm tưởng như nhỏ nhặt này, và đừng gạt bỏ cho qua, hay bảo con đừng vẽ chuyện này nọ. Sức khoẻ tâm lý là một vấn đề rất thật.
Mình cũng đã từng đến trung tâm y tế của trường một vài lần, khi cảm thấy quá stress, không thể cố gắng đi tiếp được nữa. Không phải cứ đi bác sĩ tâm lý là cần uống thuốc, phần lớn chỉ cần nói chuyện với ai đó khi không thể chia sẻ với gia đình hay bạn bè, có thể trút bỏ những nỗi lo lắng, nghe họ khuyên bảo và giúp mình tháo gỡ nó, sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn nhiều.
Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!
-Ngọc Bích, PharmD, RPh
- Hành trình du học (Phần 15): Muốn thành công ở Mỹ, hãy học 5 khác biệt văn hoá này
- Hành trình du học (Phần 16): 13 năm ở Mỹ, 10 công việc, và những đúc kết
- Hành trình du học (Phần cuối)- Về hay ở?
- Hành trình du học (Phần 1): Con có muốn đi không?
- Hành trình du học (Phần 2): Con đường nào để bắt đầu?
- Hành trình du học (Phần 3): Thực tế nhấn chìm ước mơ
- Hành trình du học (Phần 4): Chọn ngành, chọn nghề, đừng du học trên mây
- Hành trình du học (Phần 5)- Hàng ngàn giấc mơ không nằm ở Ivy League
- Hành trình du học: Goodbye
- Hành trình du học (Phần 6)- Northeastern University
- Hành trình du học (Phần 7)- Đại học tự do, phóng khoáng, không bơi thì chìm
- Hành trình du học (Phần 8): Những yếu tố tài chính cần cân nhắc
- Hành trình du học (Phần 9): Trang trải tài chính qua làm thêm
- Hành trình du học (Phần 10)- Chăm sóc bản thân và khi cần giúp đỡ
- Hành trình du học (Phần 11): Học hiệu quả ở đại học Mỹ- Khoa học tự nhiên
- Hành trình du học (Phần 12): Đừng bỏ lỡ những lớp học thú vị này
- Hành trình du học (Phần 13)- Hẹn hò & tình yêu kiểu Mỹ
QUITE INTERESTING ! BUT I KNOW WHAT YOU’RE THINKING, BELIEVE THAT? THANK YOU FOR YOUR POST ! I LI KE DOGS EITHER.
LikeLike