Trong các bài trước Cách học ở Mỹ- 5 điều ai cũng cần biết và Chiến lược và kĩ năng học ở Mỹ hiệu quả, mình đã khái quát những chiến lược và kĩ năng đơn giản nhưng cần thiết cho việc học ở Mỹ. Trong bài này, mình sẽ bàn cụ thể hơn về những phương pháp mình áp dụng học các môn khoa học tự nhiên.
Disclaimer: Đây là trải nghiệm và ý kiến riêng của mình, về những môn học mình đã trải qua trong chương trình dược những năm căn bản (pre-pharmacy). Mọi người nên chọn lọc và áp dụng cho phù hợp với nhu cầu và khả năng của bản thân.
Biology- Sinh học
Ở đại học mình được miễn học hai khoá lớp Sinh học cơ bản này, vì lớp AP ở cấp 3 mình thi được điểm 5/5. Mình học môn này ở cấp 3 như thế nào? Chăm đọc sách giáo khoa: Lên lớp thầy cô có thể giảng bài, nhưng nhờ đọc sách giáo khoa ở nhà mà mình hiểu nhanh hơn lúc cô giảng, và nhớ nhiều hơn vì đó là lần thứ hai được nghe thông tin này. Ngoài ra, chịu khó làm quiz: Sách giáo khoa có đi kèm quiz trên mạng cho mỗi chapter. Khi đọc xong, mình đều làm quiz để kiểm tra kiến thức. Nhiều khi bạn nghĩ bạn đọc bài cả đêm, vậy chứ tivi vẫn phát kế bên, đến lúc làm quiz thì không nhớ gì hết.
Điểm khó của môn: Phải học nhiều tiếng Anh. Sinh học là môn phải nhớ nhiều tên, quá trình, từ vựng. Đây cũng là môn khó bê kiến thức từ tiếng Việt sang không giống như Hoá hay Lý.
Bí quyết: Hãy cố tìm niềm vui và đam mê trong môn này vì chúng ta được học về một thế giới rất sống động về động vật và con người. Ngoài ra, bạn nên học lại từng chi tiết với định nghĩa bằng tiếng Anh, chứ đừng dịch từng từ một Anh-Việt, Việt-Anh sẽ mất thời gian hơn nhiều và không khiến vốn tiếng Anh của bạn tiến bộ lên được.
Chemistry- Hoá học
Môn Hoá ở đại học mình không thích lắm, nên phải cố động viên bản thân chịu khó đọc bài trước hoặc sau khi lên lớp, và quan trọng là làm bài tập giáo sư giao (cũng giống giống như học Sinh). Đối với những bạn khá môn Hoá ở VN thì việc làm tính toán cân bằng phương trình hoá học không quá khó.
Điểm khó của môn: Một số quá trình và từ vựng hơi khó nhớ. Có lần mình bị trừ điểm bài kiểm tra vì viết từ “reflect” thay vì “deflect”. Trong đầu cứ nghĩ chữ này mà viết ra chữ kia, và hai từ tuy khá giống nhau lại mang nghĩa rất khác trong Hoá học.
Bí quyết: Phải làm bài tập thực hành và nên đi nhóm học thêm (recitation hay review session)
Organic Chemistry- Hoá hữu cơ
Hoá hữu cơ là một môn khá khó nhằn và khiến nhiều người bị ở lại lớp. Lớp dễ học dễ hiểu hay không cũng phụ thuộc nhiều vào giáo sư. Giáo sư của mình old-school, phấn trắng bảng đen vẽ đầy lên bảng minh họa các cấu trúc hữu cơ, mình cũng hì hục vẽ theo. Còn một số giáo sư khác chỉ dạy bằng PowerPoint, theo mình thì không hiệu quả bằng cách vẽ trực tiếp rồi giảng giải cho sinh viên. Nhưng mà nói thật ngoài việc vẽ vời theo thầy, mình chả nhớ gì nhiều về phần còn lại trong các bài giảng hết. Mình học chủ yếu là về nhà dành thời gian đọc sách giáo khoa từng chương một.
Điểm khó của môn: Phải biết và nhớ rất nhiều quá trình tương tác giữa các nguyên tố carbon để mà suy luận, hình dung, và vẽ cho chính xác. Bạn có thể tham khảo thêm bài báo How to Get an A- in Organic Chemistry để học hỏi từ một bạn học y (pre-med).
Bí quyết: Thay vì dành thời gian sợ hãi thì hãy bình tĩnh dành nhiều thời gian học, không học dồn. Bạn nghĩ Organic Chemistry khó, chứ thật ra so với những lớp mà bạn sẽ học trong y dược (như Medicinal Chemistry) hay khác ngành khoa học khác, đây là chuyện nhỏ như con thỏ 😛
Lý- Physics
Mình chỉ phải học duy nhất một khoá Vật Lý ở đại học vì chương trình dược không yêu cầu nhiều về môn này. Physics for Pharmacy dạy đủ cho sinh viên về các nguyên tắc Vật Lý có liên quan đến cơ chế sinh học hay về thuốc.
Điểm khó của môn: Đối với mình phần lab của môn Lý khá phiền phức. Thí nghiệm thì không quá khó, nhưng phần ngồi làm, chờ, ghi chú, giải thích cả chục trang mất hơi nhiều thời gian. Nhưng có thể đó chỉ là do trường mình như thế.
Bí quyết: Cái gì không hiểu thì nhờ bạn giải thích và cùng học. Ngoài ra, có thể đến văn phòng giáo sư ngoài giờ (office hours) để được giảng giải thêm nếu cần.
Anatomy & Physiology
Nếu học y dược, ở pre-med và pre-pharmacy ai cũng phải học lớp này. A&P là môn nâng cao từ Biology, chuyên sâu về sinh học trong cơ thể người và quá trình hoạt động của các bộ phận kết hợp nhịp nhàng với nhau ra sao. Đối với người yêu thích môn Sinh như mình thì môn này dễ, chỉ cần học thuộc và hiểu bài là qua. Nhưng đối với những ai không thích học thuộc lòng, hay không có niềm yêu thích thì sẽ hơi khó.
Điểm khó của môn: Phải nhớ rất rất nhiều từ vựng vô cùng cụ thể ví dụ như từng múi cơ, mấy chục cái xương với tên gọi khác nhau, mấy khúc ruột, mấy lớp da, từng bộ phận của hệ tuần hoàn, v.v.
Bí quyết: Học bài thường xuyên!!! Vì môn này cần học thuộc lòng nhiều, không có cách nào nhồi nhét vài ngày trước khi thi mà bạn nhớ hết nổi. Và nếu gặp quá trình sinh học khó hiểu khó nhớ thì hãy tìm các nguồn khác như YouTube video để xem minh hoạ. Đôi khi có hình ảnh âm thanh sẽ giúp bạn hiểu nhanh hơn. Qua được lớp này rồi bạn sẽ thấy mình giống như nói một ngôn ngữ khác 😀


Lời khuyên chung cho những môn học trên
- Đến văn phòng giáo sư– Office Hours: giáo sư nào vào đầu khoá cũng sẽ thông báo trên syllabus về office hours của mình. Bạn có thể đến không cần hẹn để được trợ giúp
- Tìm một bạn dạy kèm (tutor): Đa số các ngành đều có tutor. Trường thường trả tiền cho các bạn này để giúp đỡ những ai cần
- Tham dự review session: Mình cũng từng là group tutor, hằng tuần mình có một buổi review để ôn bài cho một nhóm sinh viên lớp dưới, đặc biệt là những bạn yếu
- Tham dự recitation: Những năm đầu, các lớp đại cương trong giảng đường lớn cả trăm người thường có một lớp phụ (recitation), được dạy bởi những anh chị học tiến sĩ. Trong giờ này, họ sẽ giúp bạn làm bài, giảng thêm, cho cơ hội để hỏi nếu không hiểu. Nhiều recitation không bắt buộc nhưng bạn nên đi, đừng để nước tới chân trước ngày thi mới nhảy.
Trong bài sau, mình sẽ bàn thêm về các môn nhân văn và khoa học xã hội. Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!
-Ngọc Bích, PharmD, RPh
Photo credit: Biology, Organic Chem, Physics, Muscular system, Skeletal system
- Hành trình du học (Phần 12): Đừng bỏ lỡ những lớp học thú vị này
- Hành trình du học (Phần 13)- Hẹn hò & tình yêu kiểu Mỹ
- Hành trình du học (Phần 14)- Những lo lắng, cám dỗ, và nguy hiểm ở Mỹ
- Hành trình du học (Phần 15): Muốn thành công ở Mỹ, hãy học 5 khác biệt văn hoá này
- Hành trình du học (Phần 16): 13 năm ở Mỹ, 10 công việc, và những đúc kết
- Hành trình du học (Phần cuối)- Về hay ở?
- Hành trình du học (Phần 1): Con có muốn đi không?
- Hành trình du học (Phần 2): Con đường nào để bắt đầu?
- Hành trình du học (Phần 3): Thực tế nhấn chìm ước mơ
- Hành trình du học (Phần 4): Chọn ngành, chọn nghề, đừng du học trên mây
- Hành trình du học (Phần 5)- Hàng ngàn giấc mơ không nằm ở Ivy League
- Hành trình du học: Goodbye
- Hành trình du học (Phần 6)- Northeastern University
- Hành trình du học (Phần 7)- Đại học tự do, phóng khoáng, không bơi thì chìm
- Hành trình du học (Phần 8): Những yếu tố tài chính cần cân nhắc
- Hành trình du học (Phần 9): Trang trải tài chính qua làm thêm
- Hành trình du học (Phần 10)- Chăm sóc bản thân và khi cần giúp đỡ
One thought on “Hành trình du học (Phần 11): Học hiệu quả ở đại học Mỹ- Khoa học tự nhiên”