Trong bài trước, mình đã khái quát về nhiều thứ chi phí mà phụ huynh học sinh nên lưu ý ngoài tiền học phí, để cân nhắc và trang trải trong suốt những năm học. Trong bài này, mình sẽ kể thêm về quá trình làm thêm khi đi học của mình.
Đi làm trong trường
Trường nào cũng thường có cơ hội cho sinh viên làm trong trường (on-campus). Mình đã từng làm tutor (dạy thêm) cho các bạn sinh viên lớp đưới, làm proctor quẹt thẻ cho các bạn vào kí túc xá, và reception ngồi trả lời điện thoại tiếp khách và soạn hồ sơ cho trung tâm quản lý sinh viên quốc tế. Những công việc này bạn có thể làm vài giờ đến max 20 giờ một tuần (luật có thể thay đổi, mình không bảo đảm hiện nay vẫn như vậy). Trả lương không nhiều, nhưng đủ để ăn thêm đi chợ, tiền tiêu vặt.
Ngoài những công việc này ra còn rất nhiều cơ hội khác như soạn sách trong thư viện, giặt và xếp khăn trong gym, làm việc trong nhà ăn, trong phòng máy tính, v.v. Là sinh viên quốc tế ở Mỹ, bạn không được đi làm thêm hợp pháp ở ngoài trường (off-campus). Mình biết có bạn chạy bàn ở tiệm ăn châu Á hay đi làm nail, mình nhấn mạnh là nó không hợp pháp. Nếu bị phát hiện sẽ có ảnh hưởng đến việc đi học của bạn.
Làm quản lý kí túc xá- Resident assistant (RA)
Làm quản lý kí túc xá là công việc không nhàn và không dễ được nhận, nhưng tiền lương thì khá hậu hĩnh vì trường thường sẽ tài trợ tiền ăn ở của bạn khi bạn làm RA. Đối với mình học ở Boston, đó xem như một học bổng nữa, vì tiền ăn ở một năm từ 12,000- 15,000 đô. Mình phải cạnh tranh với rất nhiều sinh viên khác, phỏng vấn 3 vòng bao gồm vòng phỏng vấn nhóm xem mình làm việc teamwork trong thời gian ngắn ra sao. Công việc này đòi hỏi 20 giờ một tuần, nhưng không cố định vì nó bao gồm nhiều yếu tố.
Điều khó khăn nhất mình phải vượt qua là những đêm phải trực. Đầu khoá, cả nhóm RA sẽ ngồi lại và bàn giao ngày trực. Mình phải lựa chọn những ngày không gần thi cử, hay các hoạt động khác. Và đến ngày trực, mình sẽ phải ngồi quẹt thẻ cho các bạn vào kí túc xá từ 7 giờ đến 9 giờ tối. Sau đó mình sẽ đi vòng quanh kí túc xá 3 lần, lần cuối cùng phải là sau nửa đêm chứ không được sớm hơn. Tuỳ vào kí túc xá nhỏ hay to mà mình phải đi hết từng lầu, hết từng toà nhà để xem không có chuyện gì xảy ra (ví dụ như sinh viên say xỉn nằm bất tỉnh trong nhà tắm, hay trần trụi giữa hành lang).
Nếu trực vào cuối tuần, mình sẽ phải đi 4 vòng, lần cuối cùng sau 2 giờ đêm, khi các bạn đi party trở về kí túc xá để đảm bảo mọi người đều an toàn khỏe mạnh. Và khi trực cuối tuần, mình phải ở trong khuôn viên trường suốt 24 tiếng không được ra ngoài, để khi cần trường sẽ nhắn tin gọi về xử lí công việc. Trong lúc làm RA, mình vẫn đi làm part-time ở nhà thuốc bệnh viện. Có những tuần học miệt mài, cuối tuần đi trực, vừa hết trực lại phải đi làm trong nhà thuốc, hết veo ngày nghỉ, lại về đi học tiếp.
Ngoài việc trực, mình còn có trách nhiệm quản lý các bạn sinh viên. Trước khi nhập học, mình phải đến trường sớm 1 tuần để chuẩn bị, tỉ mỉ làm từng tấm bảng tên trên cửa cho mỗi người, kiểm tra kí túc xá. Khi đã vào học, mình phải họp mặt mỗi tháng, và nghĩ ra những chương trình sinh hoạt văn hoá cho mọi người. Sau khi học kì kết thúc, bọn mình phải ở lại thêm để kiểm tra mọi thứ trong kí túc xá.

Công việc tuy không dễ, nhưng mình đã học được rất nhiều và có nhiều kỉ niệm vui cũng như hết hồn. Trong một năm, mình có em phàn nàn vì hai em khác đang mây mưa trong phòng tắm và không ai dám vào, hai bạn cùng phòng cãi nhau và phát hiện người kia chôm thuốc đặc trị của mình, một em có ý nghĩ tự vẫn và gia đình phải đến dẫn về rồi chuyển trường. Có những đêm phải gọi cảnh sát vì có người hút cần sa mùi nồng nặc, hay mình phải tỏ vẻ to lớn để gõ cửa bảo các bạn to bự party nhỏ nhỏ thôi để mọi người còn ngủ. Lại có những đêm đã quá khuya đi ngủ rồi mà bị máy nhắn tin dựng dậy vì có bạn quên mang chìa khoá (xảy ra khá thường xuyên) hay kêu mình đi phàn nàn giùm vì phòng kế bên quá ồn.
Nhờ làm công việc này mà mình có nhiều kinh nghiệm đối xử và quản lý các bạn trẻ, cũng như sắp xếp thời gian học và làm. Mình còn tạo dựng được nhiều mối quan hệ tốt với các em sinh viên cũng như các bạn RA khác. Nhìn lại quãng đường thật nhiều kỉ niệm này, mình được nhiều hơn là mất dù nó khá cực nhọc.
—
Những công việc trên, một số có thể trả tiền không nhiều, nhưng cái nào cũng là kinh nghiệm. Khi nhìn resume/CV của các bạn sinh viên, nếu thấy trong khi đi học họ không làm gì cả ngoài học, mình cho đó là một điểm không hấp dẫn. Lên đại học không chỉ là đi học, mà là trưởng thành, tập quan tâm và làm những thứ ngoài chuyện học để tâm hồn và kĩ năng phát triển hơn.
Những công việc đơn giản vẫn có thể dạy chúng ta quy củ, đi làm đúng giờ, ăn mặc chỉn chủ và ứng xử chuyên nghiệp. Bạn còn học thêm customer service trong những công việc phải đối diện với khách hàng, hay giải toả mâu thuẫn (conflict resolution) trong những công việc khó hơn. Nói chung có kinh nghiệm đều tốt hơn là không, vì bảo đảm khi đi phỏng vấn bao giờ bạn cũng sẽ được hỏi “Hãy nêu một tình huống mà bạn phải….” Nếu không sống ngoài sách vở thì làm sao có tình huống mà trả lời?
Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!
-Ngọc Bích, PharmD, RPh
Photo credit: Resident assistant, Bulletin board
- Hành trình du học (Phần 10)- Chăm sóc bản thân và khi cần giúp đỡ
- Hành trình du học (Phần 11): Học hiệu quả ở đại học Mỹ- Khoa học tự nhiên
- Hành trình du học (Phần 12): Đừng bỏ lỡ những lớp học thú vị này
- Hành trình du học (Phần 13)- Hẹn hò & tình yêu kiểu Mỹ
- Hành trình du học (Phần 14)- Những lo lắng, cám dỗ, và nguy hiểm ở Mỹ
- Hành trình du học (Phần 15): Muốn thành công ở Mỹ, hãy học 5 khác biệt văn hoá này
- Hành trình du học (Phần 16): 13 năm ở Mỹ, 10 công việc, và những đúc kết
- Hành trình du học (Phần cuối)- Về hay ở?
- Hành trình du học (Phần 1): Con có muốn đi không?
- Hành trình du học (Phần 2): Con đường nào để bắt đầu?
- Hành trình du học (Phần 3): Thực tế nhấn chìm ước mơ
- Hành trình du học (Phần 4): Chọn ngành, chọn nghề, đừng du học trên mây
- Hành trình du học (Phần 5)- Hàng ngàn giấc mơ không nằm ở Ivy League
- Hành trình du học: Goodbye
- Hành trình du học (Phần 6)- Northeastern University
- Hành trình du học (Phần 7)- Đại học tự do, phóng khoáng, không bơi thì chìm
- Hành trình du học (Phần 8): Những yếu tố tài chính cần cân nhắc
Chị ơi, về RA ấy ạ. Chị vào dorm ở một thời gian rồi mới xin vào RA hay là lúc apply cho dorm xin làm luôn hả chị?
LikeLike