Hành trình du học (Phần 3): Thực tế nhấn chìm ước mơ

Nhắm mắt lên đường 

Tháng 8 năm 2005, với hai chiếc vali to hơn người, một balô nặng trĩu, mình tạm biệt gia đình lên đường đến chân trời mới. Vì trước đó chưa đi máy bay bao giờ, mẹ sợ phải đi một mình đến một nơi quá xa nên sau khi thi tốt nghiệp đã cố gắng cho cả nhà một chuyến đi thăm họ hàng ở Phú Quốc. Máy bay nhỏ, lắc lư nhiều nhưng có mẹ bên cạnh nắm tay mà đỡ sợ. Máy bay quốc tế to, lạnh, đi một mình cái gì cũng thấy bỡ ngỡ.

Từ Sài Gòn đến Đài Bắc, sang Los Angeles, nhân viên trung tâm đến đón về nghỉ một đêm trước khi đi tiếp. Lần đầu tiên ăn chiếc bánh hamburger ở Mỹ thấy nó thật lạ. Khi về khách sạn nghỉ, cậu họ tìm gọi được đến phòng cho thẻ điện thoại gọi về nhà. 5 đô được 10 phút líu lo. Thời đó làm gì có iphone. Sáng hôm sau bay tiếp về Ohio, gió giật say sóng khủng khiếp. Khi đáp xuống phải đi xe thêm một tiếng nữa mới tới nhà, đường chỉ toàn cánh đồng bắp hiu quạnh. Đến nơi trời đã chiều, không có thời gian nhìn khu phố hay nhà cửa, chỉ muốn đi ngủ.

Sau một chuyến đi thật dài, bận mắt tròn mắt dẹt ở sự rộng lớn của nước Mỹ và những thứ xa lạ, không có thời gian cảm và nghĩ đến cái tầm to lớn của việc mình vừa làm. Nhưng lưng vừa đặt xuống giường, đầu vừa chạm gối, ngửa mặt nhìn trần nhà tối như mực, thực tế trước mắt rơi xuống như đống gạch- nhà bây giờ cách nửa vòng trái đất. Bật khóc.

Chân trời mới đầy mây đen

Suốt hai tháng đầu bị lệch múi giờ rất khó ngủ ban đêm, tối nào cũng nhìn lên trần nhà, nghĩ giờ này mẹ đang làm gì, đã ăn chưa, ngủ trưa dậy chưa. Nhà sao mà xa quá. Gia đình bảo trợ có ý nghĩ kì cục là nếu nói chuyện với gia đình sẽ khó làm quen với cuộc sống mới nên không cho gọi về. Họ bảo một tuần sẽ phải giặt đồ cho cả nhà mấy lần, khi nào rửa chén, ngày nào cũng phải lo dọn dẹp cho con chó dơ. Họ không cho dành thời gian học bài vì ở đây là để “giao lưu văn hoá”- trong mắt họ là đi shopping ở chợ rẻ Wal-mart, tối về ăn đồ hộp, và xem tivi.

Thầm nghĩ có lẽ thế giới này là thế, ai đi du học cũng vậy. Chỉ có điều khó hiểu là tại sao ở đất nước tiến bộ này mà căn nhà còn xập xệ hơn nhà mình, phòng ở dơ bẩn hơn nhà kho, tại sao họ lại có những luật lệ khá khó hiểu, và chẳng bao giờ họ hỏi han về văn hoá của mình hay giới thiệu văn hoá của họ ngoài việc trông đợi mình làm việc nhà. Khi gia đình cãi nhau thì quát mắng. Suốt 2 tháng không đêm nào không nhớ nhà mà khóc.

Em có biết dọn ra khỏi nhà này sẽ gặp rắc rối thế nào không?

Thầy hiệu trưởng nghe có một học sinh từ Việt Nam sang nên tốt bụng giới thiệu với gia đình người Việt duy nhất trong thành phố. Ở xứ lạ quê người, lần đầu tiên được ăn một món Việt Nam, được nói tiếng Việt nghe hai bác hỏi con khoẻ không, sao nó chạnh lòng nhưng ấm lạ. Một lần bác đến đón và ngỏ ý muốn xem phòng ở như thế nào. Mình hơi xấu hổ vì chỗ ở tệ, chung trong tầng hầm với đứa con gái thứ 2 trong nhà, tối tăm hôi hám và đầy đồ đạc của nó. Nhưng bác cứ nằng nặc đòi xem, rồi chào mọi người ra về.

Một tuần sau, bác gọi điện để lại lời nhắn bằng tiếng Việt rằng gia đình này nổi tiếng không tốt, hay nhận du học sinh để kiếm tiền nhưng bạc đãi, bác không hiểu tại sao trung tâm vẫn sắp xếp vào đây vì 20 người ở thì mười mấy người dọn ra trong vòng vài tháng. Khi hai đứa con họ còn nhỏ du học sinh làm người giữ trẻ, khi nó lớn thì du học sinh làm việc nhà giùm. Bác muốn mình dọn đi vì môi trường ở tầng hầm lại còn hại cho sức khoẻ, và đã nhờ gia đình hàng xóm nhận vào. Bác cười bảo nếu ở với bác sẽ toàn nói tiếng Việt.

Sau khi suy nghĩ về lời đề nghị của bác, mình biết thêm từ cô giáo Pháp văn ở trường rằng cô cũng từng giúp nhiều học sinh dọn ra khỏi gia đình đó, nên họ rất ghét cô và đòi trường đuổi việc cô nhiều lần. Nếu cần giúp đỡ, cô có thể đến đón giúp mình dọn ra. Nhưng cô dặn Nếu em quyết định đi thì phải dọn hành lý liền, vì họ sẽ đuổi ngay tức khắc.

Chiều về nhà, bà bảo trợ nói trung tâm gọi đến bảo em muốn dọn đi. Em đi thật à? Em có biết là đi sẽ phải dọn sang thành phố khác, chuyển trường khác, có khi phải về Việt Nam? Em có biết dọn ra khỏi nhà này em sẽ gặp rắc rối thế nào không? Mình sợ lời doạ dẫm đó, nhưng ý muốn rời bỏ nơi này ngay tức khắc lớn hơn nhiều, dù con đường phía trước có thể mù mịt. Mình gật đầu. Bà ấy quát mắng yêu cầu dọn đi ngay, không được nán lại một phút nào.

Vài tiếng sau đó là một chuỗi hành động và kí ức mờ nhạt, chóng vánh. Hoảng loạn quẳng đồ vào vali, nhân viên trung tâm đến đón, chở sang nhà mới, cơn ác mộng dừng lại, và cuộc sống lúc đó đổi khác.

Nhìn lại

Đây là lần đầu tiên mình mới có thể kể cho nhiều người nghe câu chuyện này. Hai tháng đó dài như cả năm, là một kí ức khủng hoảng mình không bao giờ muốn nhắc tới hay nghĩ về. Năm ngoái về Ohio thăm gia đình thứ hai, mẹ nuôi còn bảo bà nhớ như in lần đầu tiên mình bước vào nhà, khen phòng nào cũng sạch đẹp. Đến khi thấy phòng giặt đồ mình hỏi “Khi nào thì con phải giặt đồ cho gia đình?” và bà hoảng hốt bảo không không, làm gì có chuyện con phải giặt đồ cho mọi người. Bà bảo từ sau khi mình dọn đi, không ai bị xếp vào ở gia đình đó nữa.

Những trường hợp giao lưu văn hoá gặp khó khăn như mình không phải là quá hiếm, và không phải chỉ riêng du học sinh Việt Nam. Có bạn đến 10 giờ tối bị tắt đèn, không được dùng internet, không được cho ăn đầy đủ, bị gia đình bảo trợ ngược đãi. Nhưng cũng có người vào gia đình tốt, đàng hoàng, thậm chí còn khá giả rộng lượng. Quan trọng ở đây là kiến thức của cha mẹ về chương trình mà con cái mình sẽ bước vào, hiểu biết về trách nhiệm của gia đình bảo trợ và những gì con mình phải được cung cấp và quan tâm thế nào.

Những đứa trẻ 15-16 tuổi, ở một đất nước xa lạ, khi bị doạ dẫm quát mắng, không quen biết ai, sẽ không dám phàn nàn và tìm sự giúp đỡ vì sợ hậu quả. Nhất là khi chúng đến từ những nền văn hoá chịu đựng, nghe lời như Việt Nam. Tuổi còn nhỏ rất dễ bị khủng hoảng tinh thần. Mình may mắn có người giúp đỡ để nhận ra rằng tình trạng của bản thân là không bình thường, những người có trách nhiệm đã không làm hết phận sự của họ trong việc kiểm soát gia đình bảo trợ, và những người như trên không được phép nhận du học sinh nếu không đủ điều kiện và đối xử quan tâm đúng mực.

Phải biết ngoi lên mà thở, rồi bơi tiếp

this-too-shall-pass-star-tattoo-1.pngĐã khi nào bạn cảm thấy bế tắc, ngộp thở như ngạt nước, chỉ ước được ngủ một giấc không dậy nữa để không phải đối mặt với những khó khăn trước mắt? Một tháng sau khi đến Mỹ, mình cũng cảm thấy như vậy. Một ngày cuối tuần khi ở sân vận động dọn dẹp với các bạn cùng lớp, lòng vẫn rối bời tự hỏi khi nào hoàn cảnh bế tắc này sẽ đổi khác. Chợt mình ngừng lại, ngẩng đầu lên, gặp bầu trời xanh ngắt. Hôm đó nắng rất đẹp, mây trắng nhẹ, gió hây hây ngày đầu thu. Mình hít một hơi thở sâu và tự nhủ Điều này rồi cũng qua đi. 

Cuộc sống lúc đó như cơn ác mộng tưởng không thể thoát ra được, nhưng hình ảnh đó đọng mãi trong kí ức. Dù lòng có tăm tối thế nào thì trời vẫn xanh và đời vẫn còn đẹp lắm, và ta sẽ vượt qua. Hãy ngẩng đầu lên hít thở mà bơi tiếp. Một tháng, 6 tháng, 1 năm, 10 năm qua, mình luôn nhìn lại và dặn lòng “thế là mình đã xa ngày đó được từng này thời gian rồi. Không có gì là không thể vượt qua”.

Snow angel.png


Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!

-Ngọc Bích, PharmD, RPh

Photo credit: This too shall pass


 

 

Advertisement

8 thoughts on “Hành trình du học (Phần 3): Thực tế nhấn chìm ước mơ

  1. Bài này bạn viết hay quá! Rất chân thực. Đọc mà chảy nước mắt khâm phục bạn đã vượt qua những giây phút đen tối ở một tuổi đời còn nhỏ. Bạn thật mạnh mẽ, và nhiều nghị lực.

    Liked by 1 person

  2. “thế là mình đã xa ngày đó được từng này thời gian rồi.KHÔNG CÓ GÌ LÀ KHÔNG THỂ VƯỢT QUA”
    Chính những ý nghĩ như thế này đã giúp em vượt qua rất nhiều những bế tắt trong cuộc sống đấy chị ạ.
    Có nhưng lúc suy sụp hoàn toàn, em thường nhắm mặt lại và lẩm nhẩm “đã cố hết sức rồi, cái gì đến nó sẽ đến, cứ yên tâm mà sống tiếp” 😀
    Cám ơn chị vì bài viết hay!

    Liked by 1 person

  3. Đọc bài của em nhiều, rất thích và nể phục. Và rất cảm ơn nữa vì nhiều thông tin bổ ích. Chị thường đọc rồi để trong lòng vậy thôi. Nhưng hôm nay phải ngoi lên để nói rằng, em thật tuyệt vời, thương em nhiều lắm !

    Liked by 1 person

  4. Đọc bài của em mà xúc động quá. Thật tội nghiệp, và cũng thật cảm phục một cô gái nhỏ ở tuổi ấy đã phải vượt lên cuộc sống khó khăn xa gia đình đến vậy. Em đã trưởng thành, trở thành em của ngày hôm nay. Những ngày tháng đó đã xa rồi.

    Liked by 1 person

  5. Em chỉ muốn nói là cảm ơn chị nhiều lắm ạ. Bài viết của chị thực sự rất chân thực và cảm động. Em cũng sắp đặt chân đến nước Mỹ, cũng lo lắng rất nhiều thứ hay suy nghĩ về những gì mình sắp phải đối mặt. Chị đã cho em một cái nhìn mới về cuộc sống du học sinh. Và đâu đó em thấy được ẩn chứa sau câu văn của chị là những lời động viên cho các bạn cũng lựa chọn con đường này.
    Hi vọng chị vẫn sẽ tiếp tục chia sẻ thêm về những trải nghiệm của chị cho chúng em nữa nhé. Cảm ơn chị

    Liked by 1 person

    1. Cảm ơn em đã dành thời gian theo dõi. Chúc em nhiều may mắn trên chặng đường phía trước.

      Like

  6. chị ơi em cảm ơn chị nhiều lắm . Câu chuyện của chị thực sự rất xúc động và những câu chữ chị viết thể hiện rằng chị của hiện tại thật đáng ngưỡng mộ. em cũng chuẩn bị bước vào “vùng đất của giấc mơ” nên những chia sẻ của chị thực sự là động lực to lớn với em . Chúc chị mãi thành công và hạnh phúc trong đời dài phía trước ❤

    Like

    1. Cảm ơn em. Chúc em nhiều may mắn trong chặng đường phía trước nhé 🙂 Tiếp tục theo dõi và góp ý nhé

      Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s