Hành trình du học (Phần cuối)- Về hay ở?

Sau nhiều năm bôn ba xứ người, tốn công sức tiền của gia đình và bản thân, ai cũng sẽ bước đến ngã rẽ này- Về hay ở? Lúc mới đi du học, mình thường xuyên nghe báo chí băn khoăn câu hỏi- Tại sao sinh viên du học không về quê hương? Các anh chị đi bằng học bổng Olympia, hay học bổng từ Singapore, v.v. nhiều hứa hẹn nhưng ít ai về. Trước khi bước chân đi, đang du học, hay sắp tốt nghiệp, chắc hẳn nhiều bạn không khỏi băn khoăn về việc ở hay về.

art-background-brick-272254.jpg

Đóng góp cho đất nước?

Một thời gian trước, có luồng suy nghĩ khá mạnh mẽ kêu gọi sinh viên về giúp ích đóng góp cho đất nước, nghe rất to lớn. Khi còn trẻ con hơn, mình từng băn khoăn, không về có phải thiếu trách nhiệm? Nhưng sau khi tốt nghiệp, mình dừng lại và hỏi- thật ra đóng góp cho đất nước là làm gì? Nghe khá oai, khá ngọt tai nhưng trên thực tế mỗi người sẽ làm gì, giúp ích cho những ai, và nhắm đến kết quả như thế nào?

Một số người làm start-up công nghệ, làm việc cho công ty gia đình, mở công ty lớn nhỏ. Có các anh chị rất thành công khi mở công ty giáo dục, tư vấn du học, v.v. Nhưng cũng có người làm nghiên cứu, hay theo đuổi các ngành công nghệ tiên tiến nhưng về ngồi bàn giấy làm công việc không có thử thách như họ mong muốn. Mình thì không có ý tưởng để làm start-up, hay đủ yêu thích cũng như vốn liếng để mang ý tưởng từ nước ngoài về. Làm dược sĩ ở Việt Nam, mình cũng sẽ vào công ty dược như đang làm ở đây.

Có thể bạn hỏi- về nhà làm dược sĩ mình sẽ giúp bệnh nhân Việt Nam? Mình cũng muốn vậy, nhưng một yếu tố khác mình cân nhắc là với một người ở vị trí còn non, tuổi còn trẻ, không có chỗ đứng, sức ảnh hưởng đủ để thay đổi ngành y tế được bao nhiêu? Thật ra làm việc ở trụ sở nghiên cứu phát triển ở các nước tiên tiến, bạn sẽ có cơ hội ảnh hưởng đến khoa học, đến những thuốc mới, những công nghệ tiên tiến trên tầm rộng hơn, có thể sau đó sẽ được mang sang các thị trường nhỏ hơn như Việt Nam. Làm ở Mỹ mình có thể giúp được bệnh nhân không chỉ ở một nước.

Ở lại nước ngoài là ích kỉ?

Nếu cho là những ai ở lại nước ngoài là tham tiền, chỉ nghĩ đến lợi ích cho bản thân, thì điều đó có gì là sai trái? Nếu cùng một khả năng, công sức, cũng 1 tuần làm 40-50 tiếng mà bạn có thể được trả lương gấp 3-5 lần nếu đi làm ở Việt Nam, thì đó là biết tối đa hoá cơ hội và suy nghĩ và làm việc có logic. Quan trọng hơn, hầu như không có người Việt Nam nào ở nước ngoài mà không gửi gắm tiền bạc vật chất về giúp gia đình.

Một năm người Việt Nam ở nước ngoài gửi về hàng triệu hàng tỷ đô la, một số tiền không nhỏ để giúp gia đình, bà con, cháu chắt thay đổi cuộc sống, đi học, mở công ty. Nếu không có các cậu và ông bà ở nước ngoài giúp đỡ, thì mình khó đi học thêm thầy này cô kia, du học được tận 10 năm. Nếu mình không đi làm ở Mỹ, thì gia đình đã khó mà trang trải cho em mình tiếp tục đi học. Còn ở VN, mình có thể tư nuôi thân, nhưng chưa chắc giúp được gia đình đến như thế.

Không phải muốn ở là ở 

arrow-communication-direction-235975.jpg

Một hoàn cảnh nữa ít người nói ra nhưng nhiều người gặp phải- không phải ai muốn ở lại là ở. Nhiều bạn sinh viên về Việt Nam vì không được ở lại nước đã du học, đặc biệt các nước có luật lệ kiểm soát chặt chẽ như Mỹ hay Anh. Nhưng không hiếm trường hợp bố mẹ hay chính nhiều bạn sinh viên nói là muốn về làm ABC, hay đi học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ gì đó, trong khi sự thật là tìm việc làm ở nước ngoài rất khó và may mắn có thể không mỉm cười với bạn.

Người Việt Nam hay giữ thể diện, điều đó dễ hiểu. Nhưng việc mọi người nói tránh, nói lòng vòng lí do thật sự tại sao đi làm ở nhà Việt Nam vì ở lại nước ngoài, vô tình khiến các gia đình và các bạn trẻ khác hiểu sai về quá trình du học, không cân nhắc khả năng đi làm trước khi bán nhà cửa hay vay nợ cho con cái đi du học bằng được, với ước mong đi làm ở nước ngoài để trả nợ sau này.

Tóm lại, mình luôn khuyên các bạn có ý định hay đang ở Mỹ- việc tính toán cho nhiều hoàn cảnh khác nhau là việc cần thiết, và không cần phải viện lí do tại sao về nước. Không ở lại được không hẳn vì bạn thiếu năng lực, chỉ vì hệ thống luật lệ không dành nhiều cơ hội cho sinh viên quốc tế và một chút may mắn không phải ai cũng có. Điều này bạn có thể tự tin cho mọi người biết, không có gì phải che giấu.

Lời kết 

Trong quãng thời gian 13 năm xa gia đình, mình đã thay đổi suy nghĩ chục lần về tương lai, nhiều đắn đo nếu chọn con đường này hay bị hoàn cảnh ép phải theo con đường khác. Nhưng bây giờ, mình đã chín chắn hơn nhiều và cảm thấy yên tâm về lựa chọn trong cuộc sống thay vì nghe lời phán xét góp ý kiến của bà con dòng họ xã hội, v.v.

Không cần phải nghĩ xa xôi to lớn, việc thay đổi thế giới bắt đầu trước nhất ở thay đổi bản thân, thay đổi gia đình, đóng góp cho cộng đồng cùng nâng đỡ những thành viên khác trong xã hội.

Cuộc đời rất ngắn và quả đất rất rộng lớn để hoài nghi về quyết định của bản thân và sống cho những người khác. Hãy sống ở nơi nào bạn cảm thấy hạnh phúc và cảm thấy tự hào về những thành quả và đóng góp của bản thân. 

abstract-adult-background-1079033.jpg


Nếu có gì cần trao đổi cụ thể, xin tự nhiên comment phía dưới hoặc post trên Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!

-Ngọc Bích, PharmD, RPh 

Advertisement

3 thoughts on “Hành trình du học (Phần cuối)- Về hay ở?

  1. Lời kết của bạn rất hay, cảm ơn bạn đã chia sẻ giúp đỡ mọi người.
    Chúc bạn luôn vui khỏe và thành công.

    Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s