Hành trình du học (Phần 1): Con có muốn đi không?

Quyết định đi du học không phải ai cũng giống ai. Nó bắt đầu từ nhiều lí do, hoàn cảnh, khả năng, và dự định tương lai của mỗi người. Đối với mình, nó xảy ra ngẫu nhiên qua một sự kiện mình chẳng hề để ý tới– thi thử các cuộc thi tiếng Anh.

Con có muốn đi du học không?

Khoảng thời gian này 12 năm trước, ba mẹ cầm một cái phong bì màu trắng ngồi xuống nói chuyện, hỏi Con muốn đi du học không? Mình ngơ ngác một lúc, không hiểu tại sao ba mẹ lại nghĩ mình có ý muốn đó. Trong phong bì trắng đó là kết quả một cuộc thi thử tiếng Anh do trung tâm du học-giao lưu văn hoá EF tổ chức. Là học sinh chuyên Anh ở Trần Đại Nghĩa, chuyện thi thử các cuộc thi tiếng Anh do trung tâm Anh ngữ hay tư vấn du học tổ chức là bình thường. Miễn phí mà, có là thi để rèn luyện thôi chứ có đứa nào suy nghĩ gì cao xa hơn đâu. Nhưng thật tình cờ khi ba mẹ lại quan tâm đúng kết quả đó và hỏi mình có thực sự nghiêm túc không, vì nếu có thì cả nhà sẽ bàn cụ thể xem đi như thế nào.

Và thế là mình đi. Một con bé xíu xiu, lôi hai cái vali nặng gần 80 kí, nào là quần áo, đồ ăn, chia tay gia đình lên máy bay đến một nơi mà bố mẹ mình chưa đi bao giờ. 12 năm trước, đường bay đi không nhanh như bây giờ. Từ Sài Gòn sang Đài Bắc, mười mấy tiếng sang California, chuyển tiếp mấy tiếng sang Ohio, rồi chạy thêm một tiếng nữa mới đến nơi. Giữa đồng không mông quạnh.

Tháng đầu tiên mình không thể ngủ được vì nhớ nhà và lệch múi giờ đến 12 tiếng. Ở được 2 tháng trầy trật, gia đình người Việt Nam duy nhất ở thành phố đó giúp mình dọn sang một căn nhà khác, vì môi trường và gia đình bảo trợ quá tệ. 10 tháng sau, mình về nhà lần đầu tiên. Sau đó dọn sang Boston học tiếp 2 năm nữa ở một trường tư, ở nhờ nhà người thân, rồi vào đại học dược thêm 6 năm.

Thật ra từ những năm cấp 2, mình luôn có ý muốn đi du học, nhưng không hề nghĩ là sẽ đi trước đại học. Nhìn lại thì lúc đó là khá liều, như điếc không sợ súng, không biết nhiều nên làm liều. Bây giờ nhìn lại, biết rõ hơn, mình sẽ có những quyết định khác hơn.

Du học vì nhiều lí do

Study-in-Abroad-755x500.jpg

Theo quan sát, có một số những lí do chủ yếu khi các bạn và phụ huynh lựa chọn con đường du học:

  • Đi cho có bằng cấp tốt, để ở lại nước ngoài sinh sống (làm việc hoặc lập gia đình)
  • Đi cho có bằng cấp rồi về phụ trách công ty doanh nghiệp gia đình
  • Bố mẹ kêu đi thì đi
  • Thấy bạn bè đi thì đi, chưa biết học gì, làm gì, đến đâu thì đến
  • Ở nhà quậy quá, đi cho nó tự lập nên người 🙂

Và còn nhiều lí do khác nữa. Theo mình, mỗi người phải tự tìm hiểu, suy nghĩ, tuỳ vào hoàn cảnh và khả năng của bản thân và gia đình mà quyết định. Và nếu quyết định thì hãy nghĩ chuyện lâu dài, chứ đừng tới đâu hay tới đó, lỡ dỡ mọi chuyện. Lâu dài ở đây là bạn muốn mục tiêu đi để làm gì, đạt được những gì. Tiền bạc là yếu tố quan trọng, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng tính hết được. Vì thế nếu có mục tiêu rõ ràng, đến khi tài chính hạn hẹp bạn vẫn có những lựa chọn khác, tuy không hoàn hảo nhưng vẫn đạt được mục tiêu. Còn nếu chỉ tính ngắn hạn, bạn có nguy hiểm sẽ vung tiền xài hết những năm đầu, hay chọn trường quá đắt, để rồi những năm sau không bước tiếp được nữa.

Đi từ cấp 3 vs. Vào đại học

Đối với những phụ huynh học sinh đang quyết định xem đi du học từ lúc nào, mình có những kinh nghiệm của bản thân như sau về cái được và mất cho từng trường hợp.

Lợi ích của việc đi từ cấp 3
  • Tiếng Anh và sự làm quen với cách học ở Mỹ tốt hơn. Mình để ý những ai đi từ cấp 3, hoặc học trường quốc tế ở VN khi qua đây giọng Anh ngữ rất tốt. Còn những bạn sang khi đại học thì tiếng Anh vẫn có accent giọng người châu Á. Đây không phải là điểm xấu, cũng không phải ai cũng thế, chỉ là một sự khác biệt mà mình nhận ra trong nhiều người.

Tuy nhiên, việc nói tiếng anh không có accent, hay rất ít accent, như mình bây giờ đôi khi khiến việc tiếp xúc và tìm việc làm của mình ít trở ngại hơn. Thật lòng thì sự kì thị trong giọng nói không phải là không có, và khi người ta nghe giọng và quy chụp ngay mình là người nước ngoài thì đó là một bất lợi nhỏ.

  • Làm quen với văn hoá, lối sống, đỡ phải bỡ ngỡ khi vào đại học. Tuỳ người mà cái lợi này có thể lớn hay nhỏ. Đối với những ai chỉ chơi với người Việt Nam dù là cấp nào thì việc tìm hiểu và hoà nhập với văn hoá Mỹ đối với họ không mấy quan trọng. Còn những người thích mở rộng vòng tròn bè bạn và tham khảo văn hoá của bản xứ, thì từ cấp 3 sẽ có thời gian học tiếng lóng, xem tivi, biết được một số “pop culture reference” thường ngày.
  • Được học các môn chính khoá bằng tiếng Anh, phần nào sẽ dễ dàng hơn khi vào đại học chuyên ngành hoàn toàn bằng tiếng anh. Tuy là du học từ cấp 3 sẽ tốn tiền hơn, nhưng chương trình cấp 3 ở Mỹ có các khoá Advanced Placement. Nếu đạt được điểm cao khi thi AP, bạn thường sẽ không phải học các khoá đó ở đại học.AP-Program.png
  • Có khái niệm rõ hơn về các trường đại học mà mình muốn chọn. Tuy ở VN bạn vẫn có thể lên mạng tìm hiểu thông tin về từng trường, nhưng khi đã ở Mỹ được 1, 2 năm, bạn sẽ hình dung rõ hơn, qua lời nói của thầy cô bạn bè trong trường, tin tức để nắm rõ hơn về chất lượng, danh tiếng, cũng như lợi hại của từng trường. Đó là những kinh nghiệm thực tiễn mà chỉ sống trong môi trường này mới có được.

Ở VN khi dò tiểu bang như Alabama, nghe nó chả khác gì Oregon, Connecticut, Florida, cũng là một tiểu bang của Mỹ thôi. Nhưng khi đã ở đây, bạn mới biết được là tiểu bang nào đông dân số, nhiều người châu Á, thời tiết khí hậu ra sao, văn hoá thế nào có gần các công ty để thực tập hay không. Ví dụ: trường John Hopkins là một đại học rất tốt, nhưng có thể bạn sẽ không biết thành phố Baltimore xung quanh trường là một trong những thành phố nguy hiểm nhất ở Mỹ. Có thể ý định của bạn không thay đổi, nhưng biết để chuẩn bị tinh thần.

princeton-university
Princeton University campus ở gần nhà mình hiện nay
Lợi ích khi đi từ đại học

Đối với những ai quyết tâm cao và tài chính eo hẹp, đi từ đại học là một option hoàn toàn đúng đắn và khả thi. Sẽ có nhiều thời gian cho bố mẹ để dành tài chính, cho bạn phát triển nuôi dưỡng những tình bạn khắng khít thời cấp 3, ăn thêm vài cái Tết ở nhà. Quan trọng nhất là bạn đã trưởng thành, chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống xa nhà. Nói thật nhìn lại, mình đi từ cấp 3 là quá sớm. Đôi lúc có cảm giác tự sống, tự lớn một mình, tự dạy dỗ bản thân mà không biết tựa vào ai. Những gì diễn ra ở đây thật khó diễn tả và tìm sự thông hiểu từ gia đình, dù gia đình bạn có quan tâm và lo lắng bao nhiêu đi nữa.


Trong phần tiếp theo, mình sẽ gợi ý làm sao để có được những cái lợi kể trên ngay cả khi bạn không đi từ cấp 3. Nếu các bạn có câu hỏi thì comment dưới hoặc Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!

-Ngọc Bích, PharmD, RPh

Photo credit: Study abroadAP program, Princeton University


5 thoughts on “Hành trình du học (Phần 1): Con có muốn đi không?

  1. Cảm ơn Bạn! Mình xin chia sẻ loạt bài này từ bài 1 đến bài 9 để giúp các phụ huynh và con em khác nhé! Các bài viết của Bạn đều rất hay và thiết thực.

    Liked by 2 people

Leave a comment