Hành trình du học (Phần 15): Muốn thành công ở Mỹ, hãy học 5 khác biệt văn hoá này

Anh bạn mình sáng lập ra công ty dạy tiếng Anh và tư vấn du học rất thành công. Có dịp ngồi lại trò chuyện, mình hỏi anh trở ngại lớn khi tuyển dụng ở Việt Nam là gì? Anh bảo thật ra tìm người giỏi không khó, mà khó là tìm người có work ethics– đạo đức làm việc và có thể rèn luyện được (trainable) mới khó. Một ví dụ anh đưa ra là khi nhân viên được giao việc và biết là không thể hoàn thành kịp deadline, thì đến ngày deadline mới báo lên là làm trễ, viện lí do A, B, C tại sao không hoàn tất, chứ không biết communicate sớm hơn và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ của mình cũng như đưa ra giải pháp để tránh ảnh hưởng đến tổ chức.

Sau nhiều năm học tập và làm việc ở Mỹ, mình có những kinh nghiệm sau muốn chia sẻ để các bạn có thể chuẩn bị và thành công trong môi trường làm việc khá khắt nghiệt ở Mỹ.

1. Phải đi đúng giờ và quy củ 

Tuy không quy tắc đến mức như người Thuỵ Sỹ, người Mỹ cũng rất đúng giờ, trong công việc lẫn đi chơi, hoạt động ngoại khoá. Mình từng chơi với nhiều bạn Việt Nam và đến từ các nước khác, chúng ta hay có thói quen giờ dây thun. Hẹn 6 giờ chứ 6 rưỡi mới tới, gọi hỏi mày đang ở đâu thì bảo đang trên đường tới chứ thật ra còn tắm chưa xong.

adult-analogue-break-404972.jpgViệc đi đúng giờ đặc biệt quan trọng khi đi phỏng vấn xin việc. Nếu ngay cả việc đầu tiên là đến đúng giờ mà bạn làm còn không xong thì làm sao người ta dám tin tưởng giao gì khác? Luôn luôn phải tính trước xem có kẹt xe không, lỡ xe lửa hư chuyến này còn chuyến khác không, tìm đường trước, v.v.

Lúc mình đi làm ở bệnh viện, giờ giấc rất khắt khe. Một ca đúng 8 tiếng, có 15 phút nghỉ uống cà phê buổi sáng, và nửa tiếng ăn trưa, không hơn không kém. Nếu xin đi muộn thì phải làm bù giờ, và đặc biệt luôn phải xin phép trước khi làm chứ không phải tự ý làm rồi mới nói với sếp.

2. Luôn luôn truyền đạt thông tin rõ ràng, giờ giấc

Người Việt Nam hay hẹn kiểu Ờ mai em qua thăm, mà cũng chẳng nói mấy giờ. Người được thăm thì ngồi đợi cả ngày, có người thì kệ, nó tới lúc nào thì tới. Người Mỹ không có như vậy. Cái gì cũng phải liên hệ trước rõ ràng, giờ nào, hay trong khoảng từ mấy giờ đến mấy giờ. Không có ai ở không ngồi chờ đợi đến lúc bạn xuất hiện. 

Khi đi làm, họ cũng không thích hôm nay đặt lịch bảo ngày mai đi họp. Họp phải hẹn xa xa, để người ta có thời gian lên kế hoạch làm việc cho cả tuần. Nếu hôm nay định mai trống có thời gian giải quyết công việc, đùng cái 3 người đặt lịch họp sẽ làm xáo trộn kế hoạch của họ.

Ở Việt Nam, đám cưới mời trước 2 tuần. Ở Mỹ họ gửi “Save the Date” trước 6 tháng, rồi thiệp mời trước 3 tháng, và 1 tháng trước ngày cưới thì khách mời phải cho biết có đi hay không. Người Mỹ lên lịch nghỉ vacation đặt vé trước cả năm, đó đã thể hiện sự suy nghĩ tính toán xa như thế nào.

3. Phải biết chịu trách nhiệm về việc làm của mình- Be accountable 

Đây có lẽ là sự khác biệt gần như lớn nhất giữa nhân viên ở Mỹ và Việt Nam. Một phần cũng do tác động của môi trường và xã hội. Bạn thấy đó, ở Mỹ hễ có gì sai sót nghiêm trọng như cầu sập hay scandal về hành chính, thì người quản lý thành phố, quản lý dự án sẽ từ chức. Vì mặc dù không liên quan trực tiếp đến vấn đề, họ là người chịu trách nhiệm về những nhân viên đã gây ra sai sót, thông qua đó, lỗi cũng là ở họ. Họ không có văn hoá đổ lỗi, đổ thừa, hay nhận sai sót kiểm điểm bản thân rồi thôi. Hậu quả của việc không hoàn thành công việc và trách nhiệm là khá nặng nề. 

apple-device-black-and-white-business-295826

Vì vậy, mình cực kì khó chịu khi thấy các bạn đổ lỗi cho hoàn cảnh và người khác, vì cái này cái kia nên em không làm được A B C, em không biết tìm thông tin vì không biết bắt đầu từ đâu, v.v. Thay vì mất thời gian tìm người đổ lỗi, hãy nhận là việc không hoàn thành cũng có phần thiếu sót của bản thân. Nếu sếp giao không đủ thời gian? Vậy tại sao lúc giao không nói? Hay lúc phát hiện không đủ thời gian không xin thêm? Em bệnh à? Vậy sao lúc bệnh không tìm người làm phụ và nói với sếp? Em không hiểu công việc hả? Vậy tại sao không hỏi và tìm hướng dẫn?

4. Communicate rõ ràng, kịp thời, và liên tục

Ngoài việc phải responsible và accountable đối với công việc của mình như trên, người Mỹ giao tiếp và trao đổi thông tin cực kì rõ ràng so với người VN. Họ không nói lòng vòng, không tránh né, khá thẳng thắn đi ngay vào vấn đề. Có gì không hiểu thì hỏi, không giấu dốt. Vì vậy mình khuyến khích các bạn sinh viên làm với mình hỏi thật nhiều những câu hỏi sâu sắc để học hỏi thêm. Hãy cứ nghĩ là ai cũng có cái giỏi để mình học hỏi trao đổi và im lặng chả ích lợi cho ai hết.

Ngoài ra, làm việc kiểu Mỹ cần phải trao đổi thông tin kịp thời và liên tục, chứ không đợi đến khi kết quả đã rồi thì mới thông báo là thành hay bại.

5. Biết lăng-xê bản thân- Self-advocacy

Bạn có thể lăn lê bò lết làm project 10 tiếng một ngày làm việc ròng rã, nhưng nếu không tự advocate cho bản thân thì chuyện những người khác làm ít mà lấy tiếng nhiều chỉ một sớm một chiều, và rồi người ta sẽ chẳng còn nhớ bạn là ai trong project này.

Self-advocate không có nghĩa là quảng cáo, mà là bạn chủ động lên tiếng để giữ gìn và đôi khi tăng cường quyền lợi, nhu cầu, và ý muốn của mình trong môi trường làm việc. Người Châu Á thường làm cật lực và tin tưởng thành quả của mình là minh chứng hữu hiệu nhất cho năng lực và thúc đẩy sự thăng tiến. Ai dám nêu thành tích sẽ bị cho là khoe mẽ đánh bóng.

adult-beard-beverage-551652.jpg

Ở Mỹ thì không. Good work is not enough. Nếu bạn làm nhiều nói ít người khác sẽ nghĩ bạn không có gì để đóng góp, hoặc không biết vai trò của bạn là gì. Vì thế bằng nhiều cách, ai cũng phải chứng tỏ là mình mang đến giá trị cho tổ chức (bring value). Có câu “The squeaky wheel gets the oil”- Cái bánh xe nào kêu to thì sẽ được cho dầu. Như mình, nhiều đồng nghiệp từ các nước khác cũng khá lạ lẫm với phong cách này. Nhưng thực tế là vậy, và chúng ta phải thay đổi để tồn tại hoặc bị cho ra rìa.


Nếu có gì cần trao đổi cụ thể, xin tự nhiên comment phía dưới hoặc post trên Facebook Page của trang. Nếu có đăng lại bài, xin vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của trang. Cảm ơn mọi người đã theo dõi!

-Ngọc Bích, PharmD, RPh 

Một số bài liên quan


 

One thought on “Hành trình du học (Phần 15): Muốn thành công ở Mỹ, hãy học 5 khác biệt văn hoá này

  1. Cảm ơn Bích, chị rất thích đọc các bài viết của em và cũng giới thiệu với mấy em chị đang là sinh viên nữa. Cảm ơn em và chúc

    Liked by 1 person

Leave a comment