Tháng 8 năm 2005, mình rời gia đình đi du học một mình. Lúc đó nghĩ đi du học cấp 3 là hơi sớm, đúng ra đại học mới định đi. Nhưng thôi thời điểm đến thì phải nắm lấy. Lúc đó cũng không hình dung được là tương lai sau này sẽ ra sao, không nghĩ đến năm 30 tuổi thì đã sống ở nước ngoài đúng nửa cuộc đời.
Nhiều cha mẹ băn khoăn- Khi nào mới đúng tuổi cho con cái ra đời? Cần trang bị cho con những gì để đối mặt với cuộc sống khi không có cha mẹ? Nó phải biết tự nấu cơm, giặt đồ mới dám cho đi? Thế nào là hi vọng con có một cuộc sống thành công?
Mình là một đứa con xa nhà từ năm 15 tuổi. Và đây là những trải nghiệm đúc kết về cuộc sống để trả lời những trăn trở trên. Những kĩ năng vặt như nấu ăn, giặt đồ, biết làm này kia là rất cần thiết. Nhưng có nhiều thứ quan trọng hơn nhiều mà ít ai nghĩ tới, và ít người dạy ở nhà để trang bị cho con. Mình phải tự học những thứ này khi trưởng thành một mình ở xứ lạ, từ những vấp ngã, lỗi lầm, và ngẫm lại, những điều sau đây là giá trị quan trọng nhất giúp mình tự đi được trên đường đời.
1. Resilience: khả năng phục hồi.
Không có con đường nào là không có chông gai. Có người may mắn thì cuộc đời suôn sẻ, ít gặp khó khăn. Có người gặp hoài, như là mình. Năm đầu tiên đi du học, mình vào nhà host family không tốt, phải được giải cứu dọn qua gia đình khác sau 2 tháng đầu. Năm thứ hai sang ở với bà con, cũng có chuyện dị nghị, phải dọn tới dọn lui.
Khi cần visa đi làm, mình nộp đơn 30 nơi khác nhau đều bị từ chối. Khi nhận được công việc làm đầu tiên, 6 tháng sau mình bị thôi việc vì công ty cắt giảm. Mình gặp tai nạn xe cộ trên đường cao tốc, tuy người xây sát nhẹ nhưng xe ô tô bị nát phải bỏ, 2 năm sau còn bị người ta kiện đòi bồi thường. Đó chỉ là một số tiêu điểm, còn những chuyện như đi máy bay bị huỷ, kẹt lại ở sân bay hơn 24 tiếng một mình không ai hỗ trợ khi 16 tuổi, hay những rủi ro nhỏ vô cớ là chuyện thường.
Tự mình phải giải quyết những khó khăn đó, điều quan trọng giúp mình vượt qua là resilience- khả năng phục hồi. Mình luôn có một niềm tin là Chuyện này rồi cũng qua, không có trường hợp nào tệ đến mức đẩy mình vào đường cùng. Còn có sức khoẻ, mạng sống, sức lao động, thì việc gì cũng có thể giải quyết được.
Làm sao dạy cho con cái resilience? Hãy cho nó vấp ngã, hãy cho nó phạm lỗi lầm. Cha mẹ không theo con suốt cuộc đời được, vì vậy từ khi con nhỏ, hãy cho con cơ hội làm sai, và dạy cho nó sửa sai, khi hậu quả còn chưa lớn. Nói vậy không có nghĩa là không dạy con, nhưng đừng đi kè kè (gọi là helicopter parents, bố mẹ bay như trực thăng theo con mọi lúc mọi nơi), đừng giữ nó ở nhà bảo bọc kĩ quá. Người chưa bao giờ gặp khó khăn, chưa phải tự giải quyết khó khăn vì có bố mẹ làm giùm, thảy tiền ra giải quyết, thì khi đụng chuyện sẽ rất dễ bỏ cuộc, thấy nản, muốn bỏ cuộc, mất tự tin vào bản thân, mất niềm tin vào cuộc sống, bị trầm cảm, tệ hơn nữa là nghĩ quẩn.
2. Emotional intelligence (EQ): Trí tuệ cảm xúc

Đó là giá trị quan trọng thứ hai giúp thành công trong việc sống và trưởng thành một mình. Hồi còn nhỏ, đọc sách báo hay thấy ca ngợi chỉ số IQ cao của người nổi tiếng, nhà bác học, hay idol Hàn Quốc. Thật ra, trong cuộc sống và công việc, EQ quan trọng hơn rất nhiều. Bạn không cần quá thông minh để làm một công việc bình thường, nhưng có EQ cao sẽ giúp bạn đi rất xa.
Emotional intelligence ở người trẻ thể hiện qua việc có nhận thức được cảm xúc, hành động, những thể hiện không qua lời nói của người khác nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Họ cũng là người nhận biết được cảm xúc của chính mình, biết vì sao mình cảm thấy khó chịu, hay giận dữ, thất vọng, và qua đó kềm chế được bản thân hợp lý. Cộng hưởng với nhau, người có EQ cao quản lý hiệu quả mối quan hệ với người khác như thầy cô, bạn bè, sếp, đồng nghiệp. Họ có hiệu suất sao ngay cả khi làm việc trong môi trường nhiều căng thẳng, biết tự tạo động lực cho bản thân, và truyền cảm hứng cho người khác.
Du học là cuộc mạo hiểm vào một môi trường hoàn toàn xa lạ, bắt buộc người trẻ phải hoà nhập, học hỏi, và sống cùng với người lạ. Có EQ cao đã giúp mình hoà đồng, tìm hiểu nền văn hoá mới, đặc biệt là cân nhắc lời nói và hành động sao cho phù hợp. Ví dụ như người Mỹ cởi mở hơn, thẳng thắn hơn, lịch sự hơn. Còn mình lúc mới qua đây rất khép kín, không chia sẻ thẳng mà giữ cái bực mình trong bụng, hay nói bóng gió. Rồi mình học ở họ, từ đó học được cách nhận thức cảm xúc từ nhiều người khác nhau, kể cả những người đến từ đất nước khác. Và kĩ năng đó đã giúp mình làm việc vô cùng hiệu quả trong môi trường ở Mỹ.

3. Open minded: Luôn luôn cởi mở tiếp nhận điều mới
Đi du học là một cơ hội thay đổi cuộc đời và cái nhìn về cuộc sống. Bây giờ ở nhà học trường quốc tế cũng được, nhưng cái bạn sẽ không có là được hoà nhập vào nền văn hoá của những bạn bè mới, xem cách họ sống và làm việc, học cái hay áp dụng cho mình.
Mình học được ở các bạn Mỹ tinh thần năng động, muốn gì phải tự đi tìm lấy: muốn học lớp mà trường không mở thì hỏi trường cho mình học kèm với thầy cô, muốn có câu lạc bộ theo sở thích mà trường không có thì mình tự thành lập. Mình học được giá trị của kinh nghiệm làm việc đi kèm với kiến thức ở trường, và cái ngọt ngào của việc xài đồng tiền mình làm ra qua công việc làm thêm khi còn đi học.
Ngoài ra, về văn hoá, có những thứ ở nhà mình nói thấy bình thường, qua đây thấy là thô lỗ. Hay những suy nghĩ mà người Việt Nam thường có vì sống trong xã hội ai cũng giống nhau, thì ở nước ngoài lại rất là kì cục. Vì vậy, có một open mind sẽ giúp cuộc sống xứ người thú vị và ý nghĩa hơn rất nhiều.
4. Biết nhận lỗi, biết cảm ơn, biết phục thiện.
Điều khó khăn nhất nhưng cũng đáng giá nhất chúng ta có thể nói ra với thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, hay sếp, và đặc biệt là người yêu hay bạn đời: “Tôi đã sai- I was wrong”. Có rất nhiều người tự hào, hay tự cao, hoặc sợ hậu quả, không có tinh thần nhận trách nhiệm, sẽ không bao giờ thốt ra được câu đó. Nếu bạn học được cách nhận lỗi chân thành, thì con đường phía trước sẽ dễ đi hơn nhiều, khi mọi người toàn ý giúp đỡ bạn tiến bộ thay vì khó chịu phải ngồi cãi với bạn, vì bạn còn trẻ, ít kiến thức, mà lại hay có chính kiến không chịu nghe người khác.
Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết nhận lỗi, đa số người khác sẽ có thái độ rất tích cực tha thứ, và còn muốn giúp bạn học hỏi từ lỗi lầm đó. Điều quan trọng là đừng nói khơi khơi- say it and mean it. Sau khi nhận sai, bạn sẽ phải có kế hoạch sửa sai và tránh lập lại lỗi lầm như thế nào. Một trong những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn tìm việc là: Hãy kể về một tình huống mà bạn đã phạm lỗi: hậu quả là gì, bạn đã giải quyết thế nào, và nó đã ảnh hưởng đến bạn ra sao?

Nếu có câu hỏi gì, mọi người cứ comment phía dưới hoặc Like và post trên Facebook Page của trang để mình trả lời hoặc sẽ viết một blog khác đầy đủ hơn nếu vấn đề được nhiều người quan tâm.
-Ngọc Bích, PharmD, RPh
- Thế nào là một cuộc sống hạnh phúc và thành công?
- Hành trình du học (Phần 1): Con có muốn đi không?
- Hành trình du học (Phần 2): Con đường nào để bắt đầu?
- Hành trình du học (Phần 3): Thực tế nhấn chìm ước mơ
- Hành trình du học (Phần 4): Chọn ngành, chọn nghề, đừng du học trên mây
- Hành trình du học (Phần 5)- Hàng ngàn giấc mơ không nằm ở Ivy League
- Hành trình du học: Goodbye
- Hành trình du học (Phần 6)- Northeastern University
- Hành trình du học (Phần 7)- Đại học tự do, phóng khoáng, không bơi thì chìm
- Hành trình du học (Phần 8): Những yếu tố tài chính cần cân nhắc
- Hành trình du học (Phần 9): Trang trải tài chính qua làm thêm
- Hành trình du học (Phần 10)- Chăm sóc bản thân và khi cần giúp đỡ
- Hành trình du học (Phần 11): Học hiệu quả ở đại học Mỹ- Khoa học tự nhiên
- Hành trình du học (Phần 12): Đừng bỏ lỡ những lớp học thú vị này
- Hành trình du học (Phần 13)- Hẹn hò & tình yêu kiểu Mỹ
- Hành trình du học (Phần 14)- Những lo lắng, cám dỗ, và nguy hiểm ở Mỹ
- Hành trình du học (Phần 15): Muốn thành công ở Mỹ, hãy học 5 khác biệt văn hoá này
- Hành trình du học (Phần 16): 13 năm ở Mỹ, 10 công việc, và những đúc kết
- Hành trình du học (Phần cuối)- Về hay ở?
Cảm ơn bài viết của chị. Em nghĩ những giá trị này mỗi người đều phải trang bị và tự trau dồi hàng ngày, ko kể các bạn trẻ hay các bạn sống ở nước ngoài. Cuộc sống ngày càng phức tạp và khó khăn hơn, nếu mình không “cứng” và linh hoạt, học cách tự điều chỉnh thì rất dễ rơi vào trầm cảm và lạc lối.
LikeLiked by 2 people
Cảm ơn em đã theo dõi. Đúng là những kĩ năng đó sống ở đâu, độ tuổi nào cũng nên có
LikeLike
Thật tình cờ khi biết đến chị. Em rất thích các bài viết của chị và đọc gần như hết. Em muốn kết bạn fb của chị được không ạ? FB của e là Mai Ngọc Thư, nếu chị đồng ý ạ!
LikeLike
Thật không ngờ mình gặp lại bản thân mình ở trong blog này, thật tuyệt vì bạn gọi tên được những điều chúng ta giúp ta trưởng thành
LikeLike